Sửa Luật Xây dựng cần ngăn chặn sớm, triệt để việc xây dựng sai
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐại biểu Nguyễn Anh Trí bày tỏ quan điểm ủng hộ sự nghiêm khắc trong việc xử lý các sai phạm trong xây dựng. Tuy nhiên đại biểu cũng nhấn mạnh rằng “xử lý sai phạm xây dựng mà cắt ngọn công trình là không nên”. “Có rất nhiều lý do, trong đó có lý do rất cơ bản là làm hỏng kết cấu của công trình nên rất nguy hiểm nếu tiếp tục cho sử dụng phần còn lại sau khi cắt ngọn. Thực ra đây cũng là một dạng phạt cho tồn tại rất dễ sinh ra tiêu cực”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.
Theo đại biểu “việc sửa Luật phải làm thế nào đó để ngăn chặn sớm, triệt để và nghiêm khắc hơn việc xây dựng sai. Thêm nữa là công tác kiểm tra xây dựng thế nào để nếu sai thì biết liền và xử lý ngay, đừng để muộn mới ra lệnh cắt ngọn”. “Cử tri còn đề nghị nếu có công trình xây dựng sai thì trước hết phải kỷ luật những người có trách nhiệm đã để xảy ra những vi phạm đó”, đại biểu nói.
Cùng quan tâm, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) chỉ rõ “thực trạng đáng quan ngại mà báo cáo thẩm tra dự luật chưa đề cập. Đó là sự tồn tại thách thức dư luận và thể chế của các công trình như 8B Lê Trực, HH Linh Đàm cùng nhiều dự án, nhà thương mại, chung cư cao tầng mọc trên nền của một số cơ quan, tổ chức sau khi di dời trong nội đô Hà Nội. Cùng với đó là những con số sai phạm với hàng ngàn công trình có nguy hiểm về cháy nổ được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy được nêu ra trong báo cáo giám sát phòng cháy, chữa cháy”.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân: “Thể chế không sai nhưng khâu tổ chức thực hiện đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng”. Ảnh: Quochoi.vn |
“Với những quy định kín kẽ, chặt chẽ thì những sai phạm phổ biến như vậy cần phải tìm nguyên nhân từ đâu, nếu thực hiện đầy đủ các nguyên tắc cơ bản, không vi phạm điều cấm trong hoạt động đầu tư xây dựng thì vì sao sai phạm vẫn xảy ra”, đại biểu Phạm Trọng Nhân nêu vấn đề. Đồng thời khẳng định “thể chế không sai nhưng khâu tổ chức thực hiện đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng”.
“Điều đáng nói là các điều khoản trách nhiệm của luật lại không biết gắn cho ai trong những sai phạm không hiệu quả được diễn ra”, đại biểu nhấn mạnh. Theo đại biểu, việc sửa đổi, bổ sung luật là cần thiết nhưng điều cần thiết hơn có lẽ là sửa đổi, bổ sung ngay chính đạo đức công vụ của việc tổ chức thực hiện. Việc phạt cho tồn tại, quy hoạch phải chạy theo dự án trong xây dựng được chế định ở điều khoản nào hay nó chỉ đơn thuần chỉ ra rằng kỷ cương, phép nước chưa nghiêm. Nếu giải pháp tích hợp trong Luật Quy hoạch được thực thi thì liệu 8B Lê Trực, HH Linh Đàm có cơ hội được tồn tại hay không? Cần có câu trả lời và chỉ định trong luật này”.
Góp ý thêm về nội dung này, đại biểu Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) cũng cho rằng,cần phải quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý trật tự xây dựng. “Chúng ta thấy những quy định về xây dựng hiện nay được quy định rất chặt. Tuy nhiên, việc vi phạm về trật tự xây dựng vẫn tràn lan và phổ biến. Thế nhưng lại không xử lý được. Thậm chí có nhiều công trình khó xử lý, cán bộ không biết quy trách nhiệm cho ai”, đại biểu phản ánh. Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, “đang có kẽ hở trong việc quy trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng. Đó là trách nhiệm của cơ quan, Ủy ban nhân dân địa phương hay là thanh tra xây dựng trong việc quy định này. Hai việc này đang có vẻ lập lờ và chồng lấn”.
“Đang có kẽ hở trong việc quy trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng. Đó là trách nhiệm của cơ quan, Ủy ban nhân dân địa phương hay là thanh tra xây dựng trong việc quy định này. Hai việc này đang có vẻ lập lờ và chồng lấn" - lời đại biểuHoàng Văn Cường (TP Hà Nội). Ảnh: Quochoi.vn |
“Dự thảo này phải phân định rất rõ ràng trách nhiệm quản lý về trật tự xây dựng và quản lý quy hoạch đó phải là trách nhiệm của ở cơ quan chính quyền địa phương. Còn thanh tra xây dựng thì chỉ có trách nhiệm trong quá trình xây dựng, nếu phát hiện ra những sai phạm thì cơ quan chính quyền địa phương yêu cầu thanh tra phải làm sáng tỏ và đưa ra các hình thức xử lý.
Sau khi xây dựng xong thanh tra sẽ kiểm tra lại, thanh tra lại và nếu phát hiện ra sai phạm mà chính quyền địa phương không phát hiện ra thì khi đấy trách nhiệm sẽ thuộc về chính quyền địa phương, để tránh tình trạng như chúng ta hiện nay có một sự chồng chéo giữa thanh tra và cơ quan địa phương. Cùng với đó cần phải quy định rất rõ chế tài xử lý khi sai phạm xảy ra đối với chủ đầu tư cũng như cơ quan cán bộ quản lý nhà nước có liên quan”, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất.
Phát biểu, làm rõ về một số vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng: “Các vấn đề bức xúc tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xây dựng thực tế hiện nay được các đại biểu nêu ra là hết sức xác đáng”. Đồng thời cho biết, việc giải quyết các vấn đề tồn tại phải bằng cả việc hoàn thiện thể chế và với việc tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm túc, kịp thời ở các cấp.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm. |
Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, việc quản lý trật tự xây dựng, thanh tra và xử lý vi phạm trật tự xây dựng, bên cạnh pháp luật về xây dựng còn chịu sự điều chỉnh của một số luật khác như Luật Thanh tra, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị định của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh xây dựng đất đai v.v...
Chính phủ cũng đã có kế hoạch để thực hiện Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội đối với lĩnh vực xây dựng để tập trung khắc phục những hạn chế, tồn tại trong hoạt động xây dựng hiện nay, trong đó có việc hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện pháp luật về xây dựng. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định thí điểm thành lập đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện ở một số địa phương để nâng cao hiệu quả quản lý trật tự xây dựng. Sau khi có tổng kết, đánh giá về việc này thì sẽ có kiến nghị với Quốc hội về điều chỉnh pháp luật có liên quan để mở rộng trong toàn quốc.
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 139 năm 2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng. Theo đó, từ ngày 1-1-2018 không còn việc phạt cho tồn tại tất cả các công trình vi phạm quy hoạch, giấy phép xây dựng đều bị cưỡng chế tháo dỡ phần vi phạm.
“Từ ngày 1-1-2018 không còn có việc phạt cho tồn tại nữa. Tất nhiên việc này để thực hiện được thì chúng ta phải thực hiện tất cả các khâu thật sự chặt chẽ trong việc tổ chức thực hiện thì mới đảm bảo được việc này”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại