Thứ sáu 22/11/2024 22:14

Sự thật về "Làng bán máu" Phù Vân, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam: Hãy trả lại "tên" cho một làng chài!

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Thời điểm đó trên đoạn sông này hình thành bến đò chở khách đi chùa Hương, bố mẹ tôi cũng vất vả, chắt bóp mua được một chiếc thuyền 100 tấn để chở khách du lịch.


Những năm qua, một số báo đã đăng tải loạt bài nói về những người dân ở làng chài Phù Vân, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam vì cuộc sống khó khăn nên họ phải thường xuyên bán máu để kiếm sống và từ đó người dân làng chài này được mệnh danh là “làng bán máu”. Để biết thực hư câu chuyện PV báo PL&XH đã về làng chài Phù Vân gặp gỡ những người dân nơi đây tìm hiểu sự thật.



Đi tìm sự thật!

Thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam được chia làm hai mạn bởi con sông Đáy chạy dọc qua và làng chài Phù Vân cũng đã hình thành hàng trăm năm ở ven sông Đáy đoạn qua TP này. Được biết, từ xưa người dân sống ở làng chài Phù Vân rất nghèo khổ, họ sinh ra và lớn lên đến khi dựng vợ gả chồng đều ở trên những chiếc thuyền nan nhỏ, sinh sống cho tới già. Họ không có đất, không có nhà nên mưu sinh nghề sông nước đánh bắt cá, con cái không được học hành, không có giấy khai sinh. Cuộc sống khổ cực của họ từ đời này qua đời khác, cho đến khi tỉnh Hà Nam được tách ra từ tỉnh Hà Nam Ninh cũ, và thị xã Phủ Lý phát triển lên TP thì người dân làng chài Phù Vân cũng được Nhà nước cấp đất cho lên bờ sinh sống thoát cảnh lênh đênh, trôi dạt trên sông.

Đến làng chài Phù Vân vào buổi sáng sớm, những con thuyền nhỏ được bao bọc xung quanh bởi những tấm nan nứa, một số thì được bọc bằng những tấm bạt xanh, vàng để che nắng che mưa, vẫn nằm yên ả ven bờ sông Đáy. Hỏi thăm thì mới biết giờ này mọi người đã ra sông chài lưới từ lâu. Chúng tôi vào một ngôi nhà khá khang trang nằm bên bờ sông Đáy để hỏi chuyện về “làng bán máu”. May mắn gặp được chú Đỗ Văn Cương, SN 1961 là người dân làng chài Phù Vân chính gốc, với dáng người nhỏ thó, nước da ngăm đen đúng chất của một người làm nghề sông nước, chú Cương điềm tĩnh kể lại: “Từ thời ông bà, bố mẹ rồi đến tôi và sau này là các con tôi đều sinh ra và lớn lên trên khúc sông này, không đất, không nhà nên cuộc sống sinh hoạt tất cả đều ở trên những chiếc thuyền nhỏ. Cuộc sống mưu sinh từ con cá, con ốc mà nên, cho dù có nghèo khổ đến mấy dân làng chài chúng tôi chưa hề có ai đi bán máu để kiếm sống như những lời đồn thổi.

Vào những năm 1970, khi TP Phủ Lý còn là thị xã, nhà ga Phủ Lý còn lợp bằng lá gồi, thời đó còn bao cấp nên có cửa hàng ăn số 1 và một dãy nhà trọ đều nằm ven bờ sông Đáy, khu nhà trọ do ông Đặng Xuân Lan phụ trách. Lúc đó nhiều dân làng chài Phù Vân đã sinh sống trên khúc sông này từ nhiều năm trước. Nhưng sau đó bên ngoài khu nhà trọ một số người dân ở các tỉnh khác đến xây dựng những túp nhà ven sông, dần dần xuất hiện hàng chục chiếc thuyền nan nhỏ cũng là của dân cư các nơi trôi dạt về đây sinh sống. Họ làm đủ các nghề từ chài lưới, đánh cá, buôn bán để kiếm sống.

Nhưng trong những người cần cù, chăm chỉ làm lụng thì cũng có rất nhiều người phải đi bán máu để lấy tiền sống qua ngày. Tôi sinh ra đã phải sống trên thuyền nên khi lớn tôi chứng kiến hết được cuộc sống xung quanh. Chuyện về những người bán máu ở trên khúc sông là có thật nhưng xảy ra cách đây hơn hai chục năm rồi. Tôi chứng kiến có những người đi bán máu thường xuyên, một tháng họ đi bán nhiều lần. Cứ mỗi lần đi bán máu về họ lại tranh nhau uống nước chanh đường là ít ngày sau lại có thể đi bán máu bình thường. Từ đo, người ta hay gọi nôm na là “làng bán máu”, họ là những người đến từ Thanh Hóa, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định…. nên dân làng chài Phù Vân chúng tôi gọi họ là “làng bụi”.

Thời điểm đó trên đoạn sông này hình thành bến đò chở khách đi chùa Hương, bố mẹ tôi cũng vất vả, chắt bóp mua được một chiếc thuyền 100 tấn để chở khách du lịch. Nhưng khổ nỗi từ khi có bến đò, “làng bụi” bắt đầu xuất hiện nạn trộm cắp, nhiều thanh niên không được học hành, không có tiền là đi móc túi, rạch túi khách du lịch, khiến chủ tàu như nhà tôi điêu đứng, không quán xuyến nổi”.

Rít thêm một hơi thuốc lào chú Cương tiếp tục kể: Qua thời bao cấp, thị xã Phủ Lý được nâng cấp, kè sông Đáy, bến ô tô, nhà văn hóa, nhà hát nhân dân, vườn hoa Phủ Lý đều được Nhà nước đầu tư xây dựng. Bến đò cũ được dẹp bỏ vì không phát triển và đồng thời cũng dẹp bỏ được một số dân cư ở “làng bụi”, giảm nhiều tệ nạn trộm cắp.

Còn dân cư đánh bắt cá của làng chài Phù Vân vẫn sống trong cảnh nghèo túng, cơm không đủ ăn, các cháu không được đi học. Nghề chài lưới ngày càng khó khăn vì nước sông Đáy bị ô nhiễm nặng đến nỗi cá chết trắng sông. Các hộ dân hoang mang lo lắng, rồi không biết sẽ ăn bằng gì? Trong lúc ấy lại nghe tin Nhà nước sẽ xét và phê duyệt cấp đất cho dân làng chài lên bờ sinh sống. Người dân chúng tôi hạnh phúc, sung sướng với niềm vui khôn xiết. Thông tin dân cư ở làng chài Phù Vân quanh năm quần quật, mưu sinh với chài lưới, nhưng họ làm mà không được thu, chăn nuôi cá lồng trên sông bị chết hàng loạt cũng chỉ vì nước bẩn từ sông Tô Lịch đổ về đã khiến nhiều cá nhân, tập thể, các công ty Nhà nước đã ra tay hỗ trợ giúp đỡ. Niềm vui của chúng tôi được nhân lên gấp bội, nhiều may mắn đã đến với những người dân nghèo khổ như chúng tôi. Chúng tôi cảm ơn Đảng và Nhà nước cùng các nhà hảo tâm đã giúp chúng tôi thoát khỏi cảnh nghèo đói.


Chú Đỗ Văn Cương và em Đỗ Văn Nam vui vẻ nói chuyện với PV.


Cần được ‘‘minh oan”

Theo những người dân ở đây, thì từ khi dân làng chài Phù Vân được lên bờ thì dân “làng bụi” cũng bị giải tán, người tỉnh nào thì về tỉnh ấy sinh sống chứ không được sống lang bạt trên khúc sông này nữa. Nên nếu nói “làng bán máu” thì phải là dân “làng bụi” chứ không phải dân làng chài Phù Vân.

Nhưng chuyện bán máu của “làng bụi” xảy ra cách đây hơn 20 năm rồi. Các bài báo đã viết sai sự thật, người dân làng chài chúng tôi dù “đói nhưng không rách”, không có chuyện chúng tôi bán máu kiếm sống.

Theo tìm hiểu của PV, hiện tại làng chài Phù Vân có tên gọi là xóm Lê Lợi, thuộc xã Phù Vân, TP Phủ Lý. Gia đình chú Cương là một trong những hộ dân có thâm niên sống ở làng chài này, lấy vợ sinh được 5 người con, dù khó khăn, vất vả nhưng chăm chỉ, chịu khó làm ăn. Đến năm 1987 được Nhà nước cấp đất cho lên bờ, chắt chiu, dành dụm đến năm 2004 thì ngôi nhà khang trang ven sông Đáy được dựng lên với một cuộc sống khá sung túc, con cái đều đã trưởng thành. Đó là niềm hạnh phúc không chỉ riêng gia đình chú Cương mà còn là niềm vui của dân làng chài Phù Vân. Hàng chục hộ sau khi được Nhà nước cấp đất đã có cuộc sống ấm no hơn.

Một người dân ở xóm Lê Lợi, xã Phù Vân cho biết: “Dân làng chài Phù Vân trước đây sống lênh đênh trên sông, cuộc sống rất nghèo. Nhưng nhờ chịu thương, chịu khó, chăm chỉ làm ăn và sự giúp đỡ của Nhà nước nên mấy năm nay họ đã được cấp đất lên bờ, cuộc sống đỡ vất vả hơn. Tôi có nghe nói về “làng bán máu” nhưng chúng tôi sống ở đây hàng chục năm nay rồi làm gì có chuyện đó .

Bây giờ cô PV cứ đi hỏi xung quanh làng này, những người từ 15 tuổi trở lên sẽ biết được làng chài Phù Vân có bán máu hay không? Những cháu từ 15 tuổi trở lên ở làng này hầu như đều được sinh ra ở trên thuyền và sống trên sông nên họ biết sự thật. Còn theo tôi nghĩ là do sự nhầm lẫn giữa làng chài Phù Vân và “làng bụi” ngày xưa.

Ngày xưa “làng bụi” và làng chài đều sống trên cùng một đoạn sông Đáy, 2 làng chỉ cách nhau mấy trăm mét nhưng cuộc sống và con người của 2 làng hoàn toàn khác nhau. Dân cư làng chài Phù Vân 100% là dân gốc Hà Nam sống bằng nghề chài lưới, sông nước còn dân “làng bụi” từ khắp các tỉnh đổ về, họ sống đủ nghề khác nhau. Nên dân chúng tôi rất buồn khi phải mang tên “làng bán máu”.

Mặc dù SN 1994 nhưng em Đỗ Văn Nam, một cư dân của làng chài vẫn nhỏ bé hơn so với lứa tuổi 19, 20. Sinh ra và lớn lên trên dòng sông Đáy, có lẽ cuộc sống quá vất vả, bươn chải sớm. Quen với sông nước từ bé nên Nam bơi rất giỏi, năm nào Nam cũng được cử đi thi bơi ở các hội thi trong huyện ngoài tỉnh, Nam tâm sự: “Người dân làng chài chúng em khổ lắm chị à, nhà em bố mẹ làm lụng, đầu tắt mặt tối mới có được ngôi nhà để ở, sống bằng con cá, con ốc.

Trong làng chài còn nhiều người nghèo lắm. Em rất mong một số hộ hiện tại chưa có nhà vẫn phải sống trên thuyền có được đất để xây nhà ở”. Cuối cùng Nam vẫn không quên nói rằng, làng em không ai bán máu đâu chị à. Câu nói của Nam như muốn được minh oan cho những người dân hiền lành, chất phác ở làng chài Phù Vân. Có lẽ không chỉ riêng Nam mà tất cả những người dân ở làng chai Phù Vân đều muốn được minh oan bởi cái tên “làng bán máu” .


Bài và ảnh:Lê Mận

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động