Sự thật về bánh Trung thu “nội địa”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBánh Liu Xin Su được rao bán tại Việt Nam với giá 99.000 đồng/hộp 6 chiếc |
Bánh Trung thu “nội địa Trung Quốc”
Phong phú về chủng loại, mẫu mã và màu sắc bắt mắt, giá thành thấp, các loại bánh Trung thu của Trung Quốc gần đây được khá nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Không như những loại bánh có thương hiệu của Việt Nam, các loại bánh này thường được bán linh hoạt theo sét, theo kg, thậm chí chỉ… vài cái. Giá dao động tùy theo dạng khách chọn như một vài chiếc, sét hoặc kg với giá dao động lần lượt từ 5.000 đồng – 80.000 đồng. Và một loại bánh được tiểu thương ca ngợi, cũng như được coi là một trong những mặt hàng bán chạy nhất gần đây đó là bánh trứng chảy Liu Xiu Su. Đây là loại bánh được các tiểu thương giới thiệu là loại bánh nổi tiếng ở Đài Loan, Trung Quốc. Giá của một hộp loại này có giá thấp nhất là 99.000 đồng/hộp 300g.
Liên hệ với một tài khoản trên một chợ online của mạng xã hội Facebook, PV được người bán giới thiệu khá nhiệt tình. Người này cũng khẳng định, đây là hàng nội địa Trung, được rất nhiều người mua và yêu thích bởi độ ngon của nó. Và khi thấy PV tỏ ý lo ngại về vấn đề an toàn thực phẩm thì người bán hàng khẳng định: “Nhiều người mua và dùng rồi mà chị, cũng có thấy ai kêu ca về chất lượng cũng như độ an toàn của bánh đâu”.
Đồng ý và thử mua một hộp, nhanh chóng PV nhận được hộp bánh đang “hot” này. Hộp và những chiếc bánh khá bắt mắt, trên hộp được ghi hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài, không có bất cứ nhãn thông tin hay giấy tờ nào kèm theo bằng tiếng Việt. Cùng thể loại như hộp bánh đang có, PV cũng đi hỏi rất nhiều những người bán hàng khác, hầu hết các tiểu thương này đều mập mờ về giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Cái mác “nội địa Trung Quốc” hình như với họ là chiêu bài để chứng minh độ “chuẩn chỉnh” của những sản phẩm này.
Truy xuất đến cùng, PV đã truy cập vào một trang thương mại điện tử của Trung Quốc chuyên cung cấp sỉ các sản phẩm thời trang, mỹ phẩm, bánh kẹo để tìm thử sản phẩm được coi là nổi tiếng này. Không khó để tìm ra được loại bánh Lin Xin Su đang gây sốt thị trường này. Trên thông tin của bánh ghi rất rõ về xuất xứ, trọng lượng và kể cả giá thành. Theo đó, giá thành 1 hộp Liu Xin Su được bán với giá từ 29,9 tệ - 39,9 tệ (tương đương 110 – 140 nghìn đồng Việt Nam).
Vậy, có lý nào hàng nhập về Việt Nam lại có giá... rẻ hơn cả “chính quốc”?! Và nếu có nhập giá sỉ sau cả công đoạn vận chuyển, phân phối… cùng với tỉ giá giữa tiền Trung Quốc và Việt Nam vênh nhau thì khó có thể bán sản phẩm rẻ đến như vậy. Đồng thời, việc không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, tem mác cũng như người bán không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn nhập thì vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm có lẽ cũng… mập mờ như xuất xứ của nó!
Người dân cần nâng cao nhận thức
Việc bán những loại bánh “nội địa Trung” đang lưu hành trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử…, theo luật sư Bùi Quang Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội, áp theo khoản 13, Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định, thì các loại bánh Trung Quốc như Liu Xin Su đang được bán trên thị trường được coi là hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Cũng theo luật sư Thu, người kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 17 Nghị định 98. Theo đó, người có hành vi kinh doanh hành vi không rõ nguồn gốc, xuất xứ thì tùy mức giá trị hàng hóa vi phạm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 50 triệu đồng. Tuy nhiên, việc xử lý đối với các tiểu thương, cá nhân nhỏ lẻ buôn bán trên mạng xã hội hoặc trên các sàn thương mại điện tử cũng sẽ làm khó lực lượng chức năng trong việc xử lý. “Vậy nên, mỗi người tiêu dùng nên tự tìm hiểu và tự trang bị kiến thức để là một người tiêu dùng thông thái hơn là chờ đợi các chế tài xử lý của pháp luật” – luật sư Thu nói.
Việc “loạn” bánh Trung thu nhập ngoại là chuyện không mới. Mới đây, tổ công tác thuộc Đội 4, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (CATP Hà Nội) phối hợp với Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 13 (Cục QLTT Hà Nội) kiểm tra điểm tập kết hàng hóa tại khu vực ngõ 89 Lạc Long Quân (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) đã phát hiện hơn 4.700 chiếc bánh Trung thu các loại không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Chủ hàng là Nguyễn Thị Bích Nga (tỉnh Quảng Ninh) cho biết, nhận thấy nhu cầu tiêu dùng bánh Trung thu do nước ngoài sản xuất rất lớn nên đã thu mua các loại bánh trôi nổi trên thị trường về bán kiếm lời.
Tại “thủ phủ” sản xuất bánh kẹo của Hà Nội là xã La Phù (huyện Hoài Đức), Đội QLTT số 24 cũng vừa phát hiện, xử lý 2 cơ sở kinh doanh gần 16.000 bánh Trung thu nhập trôi nổi trên thị trường, chủ yếu là hàng của Trung Quốc, không có hóa đơn, chứng từ...
Ngày 8/8/2022, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 212/KH-UBND về đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) Tết Trung thu trên địa bàn TP năm 2022. Kế hoạch được triển khai từ ngày 15/8/2022 đến ngày 15/9/2022. Để tăng cường xử lý các cơ sở kinh doanh, sản xuất bánh Trung thu “bẩn”, mới đây, Bộ Công an cũng ra khuyến nghị. Theo đó, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã chủ động phối hợp với nhiền cơ quan, đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra, phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, tập trung chủ yếu là các hành vi nhập lậu các loại bánh, kẹo, nguyên liệu làm bánh Trung thu… Tính riêng tháng 8/2022, đã xử lý 593 vụ vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, xử phạt hành chính 565 vụ… tổng số tiền phạt hơn 4 tỷ đồng.
Đồng thời, Bộ Công an khuyến nghị, người dân cần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thiết yếu trong dịp Tết Trung thu 2022. Kịp thời phát hiện, cung cấp cho cơ quan chức năng thông tin liên quan đến các cơ sở, tổ chức, cá nhân có hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu thụ, bánh kẹo, thục phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ…
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại