Thứ bảy 23/11/2024 16:47

Nghệ nhân 40 năm gắn bó với nghề làm khuôn gỗ bánh Trung thu

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ông Trần Văn Bản, 40 năm làm nghề thủ công khuôn bánh Trung thu truyền thống, mỗi dịp gần Trung thu, ông lại tất bật làm khuôn cho khách ở trong nước và cả khách ở nước ngoài.
Nghệ nhân 40 năm gắn bó với nghề làm khuôn gỗ bánh Trung thu
Ông Trần Văn Bản đang chăm chú chế tác khuôn bánh. Ảnh: N.M

Đang ngồi tạo khuôn bánh Trung thu, ông Trần Văn Bản, SN 1966, ở thôn Thượng Cung, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội cho biết, thôn Thượng Cung vốn nổi tiếng với nghề làm mộc lâu đời, trong đó có sản phẩm khuôn bánh Trung thu làm thủ công được nhiều người biết tới.

Hiện nay, xã hội phát triển, không chỉ có khuôn bánh Trung thu, xôi, oản bằng gỗ mà đã có nhiều khuôn bánh bằng nhựa, chất liệu khác được bán ở thị trường nên khuôn bánh Trung thu bằng gỗ, xôi, oản cũng bị cạnh tranh rất nhiều.

Bên cạnh đó, do công việc không nhiều, thường xuyên nên nhiều người đã chuyển sang làm tượng gỗ nhằm có thu nhập cao. Với ông Bản, bằng tình yêu với nghề làm khuôn bánh, ông vẫn duy trì và làm đến nay đã 40 năm.

Nghệ nhân 40 năm gắn bó với nghề làm khuôn gỗ bánh Trung thu
Vợ ông Bản cho biết, những ngày giáp Trung thu, ông bà nhiều hôm thức đến 2-3h vẫn không hết việc. Ảnh: N.M

"Nghề làm khuôn bánh Trung thu thủ công với tôi là một kỷ niệm không dễ quên. Khi tôi là cậu học trò cấp 3, tôi nhìn thấy các cụ làm khuôn bánh nên đã tò mò học theo. Kể từ đó, tôi bắt đầu học làm khuôn bánh và làm từ đó cho tới nay" - ông Bản chia sẻ.

Theo ông Bản, thời gian đầu ông mới học làm, ông chỉ làm những khuôn bánh có chi tiết hoa văn đơn giản như hoa mai, hoa cúc, trúc, hoa sen. Qua thời gian, đến nay ông Bản có thể làm được nhiều khuôn bánh có hoa văn, logo cầu kỳ, phức tạp theo thị hiếu, yêu cầu của khách hàng, công ty, doanh nghiệp…

Ông Bản cho biết thêm, gỗ để làm khuôn bánh thường là gỗ xà cừ vì thớ mịn, dẻo dai, độ bền cao. Trước đây khi chưa sử dụng gỗ xà cừ, người dân nơi đây dùng gỗ thị, nhưng theo thời gian, nhiều người chặt thị để lấy đất làm nhà nên gỗ xà cừ được thay thế.

Quy trình để tạo ra được một khuôn bánh Trung thu thủ công phải trải qua nhiều công đoạn: gỗ xà cừ sau khi mua về làm sạch, bào nhẵn, bảo quản nơi khô ráo, sau đó xẻ gỗ theo kích thước từng mẫu mà khách hàng muốn làm. Khuôn sâu thì làm gỗ dày, khuôn nông làm gỗ mỏng.

Nghệ nhân 40 năm gắn bó với nghề làm khuôn gỗ bánh Trung thu
Khuôn bánh cầu kỳ với nhiều hình dáng khác nhau. Ảnh: N.M

Tùy thuộc vào yêu cầu của khách hàng cũng như hoa văn khách cần khắc nên thời gian hoàn thành sản phẩm khác nhau. Hiện nay, nhờ sự hỗ trợ của máy móc, nên 1 khuôn bình thường sẽ mất khoảng 2 giờ đồng hồ, tuỳ theo hoa văn. Còn với những khuôn bánh có độ phức tạp cao hay những khuôn bánh to thì mất 1 - 2 ngày.

Với công nghệ 4.0 thì khách hàng tìm đến ông cũng dễ hơn, mọi người chỉ cần lên mạng tìm kiếm khuôn gỗ bánh Trung thu là thấy số điện thoại của ông và gửi mẫu qua zalo. Sau khi hoàn thành sản phẩm, ông sẽ đóng gói gửi theo địa chỉ của khách hàng.

Ông Bản thông tin thêm, sau khi hết mùa bánh Trung thu, ông cùng vợ sẽ làm thêm khuôn xôi, khuôn oản phục vụ người mua. Bên cạnh đó, vợ chồng ông bà vẫn cấy lúa, chăn nuôi vịt, trồng trọt, canh tác thêm mấy sào hoa sen.

Ăn bánh Trung thu như thế nào để không bị tăng cân?

Ăn bánh Trung thu như thế nào để không bị tăng cân?

Mỗi dịp Tết Trung thu đến, bánh Trung thu lại trở thành món ăn truyền thống không thể thiếu trong các gia đình. Tuy nhiên, ...

Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động