Thứ năm 12/09/2024 00:34

Thị trường bánh Trung thu năm nay không có nhiều thay đổi

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Dù còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Trung thu 2024 (Rằm tháng Tám m lịch) nhưng tại các cửa hàng, sạp bán bánh đều đã mở bán sớm nhằm phục vụ người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện tại, người bán vẫn trong tâm trạng thấp thỏm, không dám nhập nhiều.
Thị trường bánh Trung thu năm nay không có nhiều thay đổi
Bánh Trung thu Hữu Nghị đã xuất hiện trên phố Hà Nội ẢNH: Nguyễn Vũ

Bánh Trung thu xuống phố sớm

Dọc các con phố, khu chung cư ở Hà Nội như: Nguyễn Khuyến, Nguyễn Văn Lộc (quận Hà Đông), Lê Đức Thọ (quận Nam Từ Liêm), Nguyễn Văn Cừ (huyện Gia lâm) và các sảnh trung tâm thương mại, khách sạn lớn, con ngõ nhỏ trong các khu đô thị… đã xuất hiện các quầy trưng bày, bán bánh Trung thu.

Phần lớn các quầy bánh Trung thu quen thuộc: Kinh Đô, Hải Hà, Hữu Nghị, Thu Hương... đã bắt đầu tham gia vào “cuộc đua” sớm trên thị trường. Thị trường bánh Trung thu năm nay gần như không có sự thay đổi quá nhiều về nhân bánh và hương vị, chủ yếu vẫn là sử dụng các nhân truyền thống, giá các loại bánh không chênh lệch so với năm trước.

Nhân viên tại một quầy bán bánh trên đường phố Nguyễn Văn Cừ (huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: “Hiện tại, lượng khách mua bánh Trung thu chưa nhiều, chủ yếu là khách mua biếu tặng hay mua 1 - 2 chiếc ăn thử. Tôi chỉ dám nhập số lượng ít, mỗi mẫu mã vài cái để thăm dò thị trường. Nếu người mua phản hồi tốt với sản phẩm nào thì thương hiệu sẽ có cơ sở để đẩy mạnh sản xuất cho kịp chính vụ, hoặc ngược lại”.

Hiện nay trên thị trường giá bánh các thương hiệu gần như không thay đổi so với năm ngoái: Kinh Đô giới thiệu các dòng bánh đa dạng với đủ loại chay và thập cẩm cho khách hàng dễ lựa chọn, dao động từ 55.000 - 85.000 đồng/cái. Orion tập trung xây dựng và phát triển bộ sản phẩm bánh Trung thu "trăng tỏ chân tình". Bộ sản phẩm phân khúc giá bình dân và đa dạng về mẫu mã, hương vị, khách hàng dễ dàng lựa chọn cho mình các sản phẩm phù hợp, dao động từ 60.000 - 77.000 đồng/cái.

Mỗi mùa Tết Trung thu, có hàng trăm loại bánh được tung ra thị trường, từ bánh chay, bánh mặn đến bánh healthy, bánh nhập ngoại. Mỗi thương hiệu bánh hàng năm đều tạo ra dòng sản phẩm mới để giữ chân khách hàng như Bibica đang tung ra dòng bánh trái cây với 10 loại vị khác nhau, từ dâu tây Đà Lạt, vỏ bưởi Diễn, hồng Đà Lạt,…

Ngoài ra, dòng bánh mochi của hãng cũng được làm mới cho hợp thị hiếu. Với Kinh Đô, bánh Trung thu Oreo và lava nhân trứng chảy đã làm mưa làm gió năm 2021 thì đến năm nay vẫn được cải tiến mới. Chưa kể đến các loại bánh “độc lạ” của nhãn hàng ngoại nhập hoặc handmade như bánh Trung thu vị xôi xéo, bánh Trung thu nhân thịt nướng Hàn Quốc, bánh vị trân châu đường đen, bánh Trung thu bột than tre,…

Thị trường đang có các hãng bánh cao cấp: Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội vừa ra mắt bộ sưu tập bánh Trung thu 2024 “Ký ức di sản” (A Heritage Tapestry) với sáu hương vị tinh túy và hộp bánh được thiết kế đầy chất nghệ thuật lấy cảm hứng từ những bức ảnh về đời sống Hà Nội đầu thế kỷ 20. Giá 2.980.000- 19.900.000 đồng. Giá đã bao gồm thuế VAT. Bánh Trung Thu Khách sạn Hà Nội có mức giá chỉ từ 898.000 đồng/hộp và hiện có sẵn tại Studio Mooncake by Hanoi Hotel trong sảnh khách sạn....

Tuy nhiên, dù mẫu mã, hương vị đa dạng đến đâu cũng không thể thay thế các vị bánh truyền thống vốn đã gắn với liền với văn hóa tiêu dùng người dân như bánh trung thu nhân thập cẩm, đậu xanh, gà quay, jambon,… Vậy nên, việc bày bán sớm bánh trung thu, đặc biệt là các dòng sản phẩm mới có tác dụng như thước đo để “thăm dò” phản ứng của thị trường.

Mở bán bánh sớm đáp ứng thói quen chuộng mua bánh trung thu sớm để biếu tặng của người tiêu dùng, việc mở bán sớm còn hướng đến đối tượng khách hàng là các siêu thị mua số lượng lớn. Tùy vào tình hình triển khai với các nhà cung ứng, siêu thị sẽ sắp xếp thời gian, bố trí quầy, kệ phù hợp để đưa bánh vào siêu thị.

Hà Nội tăng cường kiểm tra bánh Trung thu

Do mặt hàng bánh Trung thu chỉ mang tính thời vụ, đòi hỏi việc kiểm soát an toàn thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu. Công tác kiểm tra không chỉ tập trung vào các cơ sở nhỏ lẻ mà còn được tăng cường tại các DN có thương hiệu, tên tuổi trên thị trường. UBND TP Hà Nội vừa có kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu trên địa bàn thành phố năm 2024. Từ ngày 5/8 đến 20/9/2024, các sở, ngành liên quan và UBND các cấp huyện, cấp xã tăng cường tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức và thực hành cho người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng thực phẩm trong dịp Tết Trung thu.

Trong thời gian này, các sở, ban, ngành căn cứ tình hình quản lý, chủ động tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành hoặc liên ngành kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu.

Các quận, huyện, thị xã chủ động tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành hoặc liên ngành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2024 tại các xã, phường, thị trấn; kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đã được phân cấp trên địa bàn. Đồng thời truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn; tổ chức ký cam kết trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định.

Các chuyên gia khuyến cáo, để bảo đảm an toàn thực phẩm, người tiêu dùng cần chọn các sản phẩm bánh Trung thu có nguồn gốc rõ ràng (có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản...). Sản phẩm phải được bày bán ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu.
Thị trường bánh Trung thu 2023: Hàng Việt được ưa chuộng
Rộn ràng mùa trăng xưa trên phố
Ký ức Trung thu
Bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu
Nguyễn Vũ - Hải Anh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động