Sự cố xảy ra trên đường cao tốc: Đơn vị nào có trách nhiệm bồi thường?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChiếc xe ô tô bị hư hỏng phần đầu do đâm vào đá trên đường cao tốc |
Tối 16/4, anh L.Q.C (Tây Hồ, Hà Nội) cùng vợ di chuyển bằng ô tô trên đường cao tốc Hà Nội - Ninh Bình, khi đi qua địa bàn tỉnh Hà Nam thì anh bất ngờ gặp một vật cản có kích thước lớn. Do đường tối và bị đèn pha từ hướng chiều ngược lại gây lóa, kèm với xe đang di chuyển với tốc độ cao nên anh C chỉ kịp đánh lái nhẹ nhưng vẫn tông trực diện vào vật cản. Vật cản sau đó được xác định là một tảng đá thạch anh nguyên khối màu hồng có kích thước 30cm x 40cm, nặng khoảng 100kg. Sau khi tai nạn xảy ra, chiếc xe của anh C bị hư hỏng khá nặng và được đại lý báo chi phí sửa chữa gần 70 triệu đồng. Vật cản sau đó được xác định là một bưu kiện của một đơn vị vận chuyển được bọc lại cẩn thận, có ghi địa chỉ của người nhận.
Chia sẻ với câu chuyện trên, anh N.Q.H (Hà Nội) cũng cho biết, có một lần, cũng trên cao tốc Hà Nội - Ninh Bình anh cũng gặp tình huống tương tự như anh C. Anh cho biết, lúc đó tầm khoảng 22 giờ đêm, khi anh lái xe đến nút giao Vạn Điểm, vận tốc xe lúc này đang là 100km/h thì xe anh va trúng một cục sắt giữa đường do xe nào đó làm rơi. Hậu quả của cú đâm đó khiến xe anh bị vỡ hai bộ lốp kèm vành. Anh H cho biết, chi phí sửa chữa vì “cú va” đó hết gần 25 triệu đồng. Trong thực tế, tình huống như của anh C, anh H trên các nẻo đường cao tốc. Vậy trong các trường hợp đó, tài xế có thể đòi bồi thường được không, và đòi ai.
Liên quan đến tình huống đó, theo Luật sư Nguyễn Tuấn Hiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, để xác định trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này chúng ta cần căn cứ các yếu tố về lỗi, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả và thiệt hại thực tế xảy ra.
Cụ thể, theo thông tin trên, vị tài xế trên đã chạy xe với tốc độ 90 km/h trên đường cao tốc, đường lại tối và bị đèn pha từ hướng ngược chiều gây lóa mắt, nên tài xế đã không phản ứng kịp để tránh vật cản. Căn cứ quy định tại Thông tư 31/2019/TT-BGTVT, khi chạy xe trên đường cao tốc thì người lái xe phải tuân thủ quy định về tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu theo quy định. Theo đó, người lái xe phải chạy với tốc độ trên 60km/h, dưới 120km/h. Trong trường hợp này, tài xế chạy xe với tốc độ 90 km/h là không vi phạm quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường bộ.
Sau khi vụ việc xảy ra, đã có thông tin hòn đá mà tài xế đâm phải là món hàng của một công ty vận chuyển làm rơi. Theo đó, tài xế này đã yêu cầu công ty phải bồi thường trách nhiệm bởi hòn đá không được chằng buộc an toàn, rơi ra giữa đường không chỉ gây thiệt hại cho xe mà còn có thể ảnh hưởng tới an nguy của người trên xe. Việc này hoàn toàn có cơ sở, bởi lẽ việc xe của đơn vị vận chuyển chở hàng làm rơi ra đường là hành vi vi phạm luật giao thông. Người điều khiển phương tiện có thể bị xử phạt từ 2 - 4 triệu đồng theo Nghị định 100/2019, quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Đồng thời, căn cứ quy định tại Điều 597 và Điều 600, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân và người làm công, người học nghề gây ra, mặc dù chưa xác định người tài xế này là người làm công hay người của pháp nhân nhưng theo quy định trên công ty nơi người lái xe chở hàng làm việc phải có trách nhiệm bồi thường khi người lái xe của công ty đang thực hiện nhiệm vụ mà công ty giao và có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền.
Bên cạnh đó, điều 85 Luật Giao thông đường bộ 2008 và điều 20 Nghị định số 32/2014 quy định về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ, đường cao tốc quy định trách nhiệm quản lý hệ thống quốc lộ do Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm, đường được đầu tư xây dựng không bằng nguồn vốn từ ngân sách sẽ do chủ đầu tư tổ chức quản lý, bảo trì.
Ngoài ra, cũng theo quy định tại Điều 13, Chương II, Thông tư 90/2014/TT-BGTVT thì đơn vị khai thác, bảo trì đường cao tốc có trách nhiệm phải phát hiện kịp thời tình trạng bất thường, sự cố của công trình đường cao tốc ảnh hưởng đến an toàn giao thông, các vi phạm quy định về an toàn giao thông, vi phạm phương án tổ chức giao thông, các tai nạn, sự cố giao thông và báo cáo kịp thời; thống kê, nắm rõ số lượng, vị trí, tình trạng chi tiết của công trình đường cao tốc trong đoạn tuyến được giao; kiểm tra thường xuyên để phát hiện hư hỏng, sự xâm hại công trình; báo cáo đơn vị khai thác, bảo trì đường cao tốc để có biện pháp xử lý kịp thời.
Trường hợp hư hỏng nhỏ, việc khắc phục không cần vật tư, thiết bị thì nhân viên tuần đường chủ động thực hiện hoặc yêu cầu công nhân bảo trì khắc phục ngay. Do đó, cũng phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan trên để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia giao thông trên tuyến đường mà mình quản lý - theo luật sư Hiệp.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại