Siết kỹ năng lái xe an toàn cho lứa tuổi học sinh
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCảnh sát giao thông xử lý một trường hợp học sinh vi phạm giao thông trên phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: T.A |
Lứa tuổi học sinh chưa có kỹ năng tham gia giao thông
Theo Cục CSGT, những hành vi vi phạm liên quan đến lứa tuổi học sinh lái xe gồm: không đội mũ bảo hiểm; chở quá số người quy định; đi xe dàn hàng ngang; vượt đèn đỏ; phóng nhanh vượt ẩu; không có giấy phép lái xe phù hợp. Đây là thực trạng đáng lo ngại và là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho các vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan lứa tuổi học sinh gia tăng.
Cụ thể, vào khoảng 16h56 phút ngày 16/12 vừa qua, tại quốc lộ 6 (đoạn qua xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), 3 thiếu niên ở lứa tuổi học sinh chở nhau trên xe máy mang biển kiểm soát 29P1-634.xx lưu thông theo hướng Hà Nội - Hòa Bình đã bất ngờ lao sang làn đường đối diện. Đúng lúc này, xe tải biển kiểm soát 29C-776.xx lưu thông theo hướng ngược lại đã không kịp xử lý nên va chạm với 3 thanh thiếu niên khiến xe máy và 3 nạn nhân này nằm gọn trong gầm xe tải. Vụ va chạm đã làm 1 nạn nhân tử vong tại chỗ, 2 nạn nhân còn lại đưa đi cấp cứu trong tình trạng có tiên lượng rất xấu.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT nhìn nhận, hầu hết học sinh, đặc biệt lứa tuổi từ 16 -18 đều chưa được trải qua một khóa học chuyên nghiệp và đầy đủ về cách sử dụng xe gắn máy và lưu thông như thế nào để an toàn trên đường. Đáng chú ý, tình trạng phụ huynh còn thờ ơ, nuông chiều, cho phép con điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi và chưa có kỹ năng cũng là nguyên nhân khiến TNGT liên quan đến học sinh gia tăng.
Nhà báo Trần Quang Khởi cho rằng, mặc dù hàng ngày lực lượng CSGT đã triển khai nhiều tổ công tác trên các tuyến đường, kết hợp tuần tra mật phục để phát hiện và xử lý vi phạm. Thế nhưng, tình trạng học sinh vi phạm luật giao thông đường bộ vẫn tái diễn khiến nhiều người tham gia giao thông ngán ngẩm.
“Có nhiều lúc mình đi đường rất điềm đạm nhưng mà các cháu đi lại tạt đầu, có thể gây nguy hiểm cho mình. Nếu giải quyết dứt điểm vấn đề này, cần phải có sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường thì sẽ đỡ được tình trạng đó, không thể chỉ trông chờ vào CSGT mà cần liên đới cả gia đình, bố mẹ, nhà trường sẽ đánh vào hạnh kiểm, có thể mạnh hơn lời dạy của bố mẹ ở nhà” - nhà báo Trần Quang Khởi nêu quan điểm.
Hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh
Theo thông tin từ Phòng CSGT - CATP Hà Nội, từ ngày 15/11-14/12, CSGT toàn thành phố đã xử lý 2.220 trường hợp học sinh vi phạm giao thông, phạt tiền hơn 1,2 tỷ đồng và tạm giữ 1.027 phương tiện. So với tháng cao điểm liền kề, số trường hợp vi phạm giảm 3.745 trường hợp. Qua phân tích, vi phạm phổ biến nhất vẫn là lỗi không đội mũ bảo hiểm, chưa đủ tuổi điều khiển xe, không chấp hành hiệu lệnh đèn giao thông. Trong đó, đáng chú ý, CSGT còn xác minh, xử lý với 225 trường hợp là phụ huynh, chủ phương tiện giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển.
Ghi nhận thực tế trong những ngày vừa qua, các tổ công tác của Phòng CSGT - CATP Hà Nội vẫn liên tục triển khai các chốt kiểm tra, xử lý phụ huynh và học sinh vi phạm luật giao thông. Trong đó, không khó để bắt gặp các trường hợp học sinh điều khiển xe trên 50 phân khối, nhiều trường hợp thấy lực lượng CSGT đã quay đầu bỏ chạy gây nguy hiểm cho các phương tiện xung quanh.
Theo Thiếu tá Hoàng Văn Bình, Đội phó Đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT - CATP Hà Nội), việc để học sinh chưa đủ tuổi điều khiển mô tô có dung tích xi lanh trên 50 phân khối sẽ mang lại rất nhiều nguy hiểm. Thực tế đã ghi nhận có những vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh điều khiển xe máy phân khối lớn, ý thức tuân thủ của chính các em học sinh chưa cao, gia đình dung túng cho con em sử dụng phương tiện sai quy định.
Nghị định 151 của Chính phủ vừa được ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2025, quy định cụ thể hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh sẽ được triển khai ngay khi bắt đầu vào học Trung học phổ thông và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các kỹ năng sẽ được đào tạo cho học sinh bao gồm: phương pháp nhận biết và xử lý các tình huống nguy hiểm khi lái xe; cấu tạo và chức năng của các bộ phận xe gắn máy, phương pháp kiểm tra xe an toàn; văn hóa tham gia giao thông; trách nhiệm của người điều khiển xe cơ giới...
Nghị định cũng nêu rõ, thời gian hướng dẫn và đánh giá kỹ năng lái xe gắn máy an toàn theo hướng dẫn của cơ quan CSGT trực tiếp thực hiện phù hợp với yêu cầu thực tiễn tại cơ sở giáo dục. Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hiếu, việc quy định học sinh phải học và đạt đánh giá về kỹ năng lái xe gắn máy an toàn trước khi điều khiển phương tiện này là cần thiết, tiệm cận với quy định tại các nước phát triển trên thế giới.
Cùng quan điểm, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cũng cho rằng, quy định trên rất cần thiết, lấp khoảng trống quy định pháp luật trong công tác đảm bảo trật tự ATGT cho lứa tuổi học sinh.
“Cần gắn trách nhiệm của nhà trường trong việc đảm bảo TTATGT liên quan lứa tuổi học sinh. Nếu cơ sở giáo dục để học sinh vi phạm nhiều mà không có biện pháp chấn chỉnh, xử lý, cần làm rõ, xử lý trách nhiệm của lãnh đạo cơ sở giáo dục này”, luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn luật sư TP Hà Nội đề xuất. |
Tăng độ tuổi tối đa của người lái xe từ ngày 1/1/2025 Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), ... |
Lan tỏa văn hóa giao thông đến mọi người, mọi nhà Chương trình truyền thông “Vì an toàn giao thông Thủ đô” được UBND TP Hà Nội giao cho Báo Kinh tế & Đô thị phối ... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại