Sáng tạo, đổi mới trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật từ các cuộc thi
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênUBND quận Tây Hồ, Hà Nội, tổ chức Lễ hưởng ứng “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” 9/11 |
Chiều 10/11, UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) tổ chức Lễ hưởng ứng “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” 9/11 gắn với tổng kết 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở và tổng kết 2 cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” và cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến” trên địa bàn quận.
Triển khai Ngày Pháp luật đảm bảo hiệu quả
Thực hiện các Kế hoạch của Trung ương, TP Hà Nội, từ năm 2013 đến nay, hàng năm UBND quận Tây Hồ đều xây dựng và ban hành kế hoạch hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam với các nội dung hoạt động cụ thể, thiết thực; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các ngành duy trì Ngày Pháp luật theo định kỳ hàng tháng; tổ chức các hoạt động Ngày Pháp luật với nội dung, hình thức phù hợp với đặc thù của đơn vị, địa phương mình để triển khai Ngày Pháp luật đảm bảo hiệu quả.
Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam được duy trì tại các cơ quan, đơn vị thông qua các hoạt động: tìm hiểu pháp luật, triển khai các văn bản pháp luật mới, tọa đàm trao đổi những khó khăn vướng mắc trong quá trình thi hành pháp luật trong các cơ quan, đơn vị, các ngành, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hiểu biết và nắm vững quy định pháp luật trong quá trình thực hiện công vụ được giao.
Hoạt động cao điểm hưởng ứng Ngày Pháp luật được triển khai tập trung vào thời gian từ ngày 15/10 đến ngày 15/11, nhân dịp Ngày Pháp luật (9/11) với các hoạt động như: hội nghị phổ biến các văn bản pháp luật mới, tọa đàm việc thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; tuyên truyền, trang trí trực quan, tổ chức lễ phát động… Nhằm tôn vinh kỷ niệm Ngày Pháp luật gắn với tổng kết, đánh giá công tác phổ biến giáo dục pháp luật.
Công tác hòa giải ngày càng đi vào nền nếp
Sau 10 năm triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, chất lượng, tổ chức và hoạt động công tác hòa giải ngày càng đi vào nền nếp, có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Công tác hòa giải trên địa bàn quận đã được quan tâm, giải quyết một cách có hiệu quả. Mặc dù kinh phí hoạt động còn hạn thế nhưng với tinh thần trách nhiệm và sự nhiệt tình, lực lượng hòa giải viên bằng kiến thức, kinh nghiệm sống, sự tận tâm với công việc đã chủ động tích cực, kiên trì tiến hành hòa giải thành công nhiều vụ việc mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở.
Hoạt động hòa giải cơ sở đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần hình thành trong mỗi cá nhân ý thức chấp hành pháp luật, ý thức “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”; góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Có được kết quả trên là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Quận ủy, UBND quận, sự hướng dẫn của Sở Tư pháp và các ngành; sự phối hợp trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể quận, phường, các cơ quan liên quan, từ đó khích lệ, động viên, tạo nguồn lực cho các hòa giải viên hoạt động, kịp thời phát hiện và giải quyết nhiều vụ việc tranh chấp, mẫu thuẫn trong nội bộ Nhân dân, góp phần giảm số lượng vụ việc phải chuyển đến các cơ quan Nhà nước giải quyết, giữ gìn tình đoàn kết, gắn bó trong nội bộ Nhân dân tại cộng đồng, tạo nên sự đồng thuận, ổn định thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn quận.
Lãnh đạo UBND phường Nhật Tân phát biểu tham luận về triển khai Luật Hòa giải cơ sở và cuộc thi Hòa giải viên giỏi. |
Hiện nay, trên địa bàn quận có 108 tổ hòa giải tại 108 tổ dân phố với 665 hòa giải viên. Đội ngũ hòa giải viên của phường đa số các thành viên của Ban công tác Mặt trận dân cư, chi hội đoàn thể tổ dân phố… Các hòa giải viên là những người có hiểu biết về pháp luật, hiểu biết tập quán của địa phương và có uy tín trong cộng đồng dân cư, khả năng vận động, thuyết phục, có tinh thần trách nhiệm và tâm huyết với công tác hòa giải cơ sở.
Trong 10 năm qua, trên địa bàn quận đã phát sinh 957 vụ việc liên quan đến mâu thuẫn tranh chấp trong các lĩnh vực như đất đai, xây dựng, giải phóng mặt bằng, môi trường, sinh hoạt cộng đồng thuộc các tổ hòa giải cơ sở đã tổ chức hòa giải thành 815 vụ việc, đạt 85 % .
Thực hiện chỉ đạo của Thành phố, UBND quận, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật quận chỉ đạo các phòng, ngành, UBND các phường chủ động phối hợp cùng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc triển khai đẩy mạnh công tác truyền truyền hòa giải, vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân tích cực tham gia công tác hòa giải cơ sở, nhất là xây dựng “Tổ hòa giải 5 tốt”.
Chỉ đạo UBND các phường triển khai mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” với các tiêu chí cụ thể: phát hiện vụ việc kịp thời, tổ chức hòa giải tốt; tỷ lệ hòa giải thành đạt từ 80 đến 85 % trở lên; phối hợp với Ban công tác Mặt trận, các chi hội đoàn thể, các tổ hòa giải và tổ chức, cá nhân khác trong hoạt động hòa giải cơ sở tốt; trong 10 năm qua, trên địa bàn quận đã có 282 tổ hòa giải được công nhận là “Tổ hòa giải 5 tốt”.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật
Thực hiện chỉ đạo của Ban Tổ chức cuộc thi Thành phố, Ban Tổ chức cuộc thi, Ban Giám khảo cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến” quận đã chấm sơ khảo 1.000 bài dự thi hợp lệ có điểm phần thi trắc nghiệm cao nhất, có tham gia bài thi tự luận (700 bài dự thi đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên và chạm 300 bài dự thi đối với người từ 14 tuổi đến 18 tuổi) và đã lựa chọn 30 bài dự thi có điểm cao nhất gồm 20 bài dự thi của người từ đủ 18 tuổi trở lên và 10 bài dự thi của người từ đủ 14 đến dưới 18 tuổi gửi về ban tổ chức cuộc thi Thành phố để chấm vòng chung khảo cấp thành phố.
Ban Tổ chức cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” quận tổ chức chấm điểm video clip của UBND cấp phường và đã lựa chọn một video xuất sắc để gửi tham gia cuộc thi cấp Thành phố.
Kết quả cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến” tại tài khoản quản trị cuộc thi do Sở Tư pháp cung cấp, tổng số bài thi trên địa bàn quận Tây Hồ là 63.917 lượt bài dự thi; xếp thứ 6 khối quận, huyện, thị xã toàn thành phố.
Luật gia Lê Trung Đức - Chủ tịch Hội Luật gia quận Tây Hồ báo cáo tham luận tại Lễ hưởng ứng. |
Kết quả cuộc khi “Hòa giải viên giỏi” năm 2023 của quận gửi dự thi thành phố được đánh giá xếp thứ 13/30 video dự thi của các quận, huyện, thị xã và đạt giải Ba cấp thành phố.
Việc tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến”, cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” trên địa bàn quận Tây hồ đã có ý nghĩa thiết thực góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật về hòa giải và định danh điện tử, dịch vụ công trực tuyến của cán bộ, công chức, viên chức và người dân.
Các cuộc thi thể hiện sự sáng tạo, bứt phá, đổi mới trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Mở ra một hướng mới trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, xu hướng chung của phát triển khoa học công nghệ.
Tại buổi Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật, UBND quận Tây Hồ đã trao bằng khen, giấy khen cho các tập thể, cá nhân trong 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến” trên địa bàn quận và cuộc thi "Hòa giải viên giỏi" năm 2023 trên địa bàn quận.
Quyết tâm xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”
Phát biểu tại buổi Lễ, bà Phạm Thị Thanh Hương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố ghi nhận những kết quả mà quận Tây hồ đã đạt được và nhiệt liệt chúc mừng các tập thể, cá nhân đã tích cực tham gia, đạt kết quả trong các cuộc thi, được Ban Tổ chức xếp giải và trao thưởng hôm nay.
Để tiếp tục đưa Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào cuộc sống và hoạt động Ngày Pháp luật hằng năm thực sự thiết thực, ý nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tư pháp đề nghị lãnh đạo quận Tây Hồ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thật tốt Ngày Pháp luật. Trong đó, tập trung thực hiện hiệu quả Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam hằng năm. Gắn thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật với thực hiện Chỉ thị số 32-CT-TW, Kết luận số 80-KT/TW ngày 20/6/2020 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và Nhân dân.
Bà Phạm Thị Thanh Hương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố phát biểu tại Lễ hưởng ứng. |
Tiếp tục quán triệt, phổ biến, truyền thông để nâng cao nhận thức các cấp, các ngành và toàn thể Nhân dân trên địa bàn nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa của Hiến pháp và pháp luật. Tăng cường truyền thông chính sách pháp luật, góp phần tạo đồng thuận trong xã hội và đưa pháp luật vào cuộc sống; huy động mọi nguồn lực trong xã hội tham gia hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật nói riêng, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung.
Thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật. Cán bộ, công chức, viên chức phải có trách nhiệm và nghĩa vụ chủ động trong tìm hiểu và gương mẫu trong thực thi pháp luật; gắn việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ với thông tin, phổ biến pháp luật tới Nhân dân; đồng thời vận động, khuyến khích công dân tìm hiểu, sử dụng, chấp hành, tuân thủ pháp luật.
Tiếp tục đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức cách thức tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật với việc đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tiến tới chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân trên địa bàn, ý thức chủ động học tập, nâng cao ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội nhấn mạnh: “Hưởng ứng ngày pháp luật Việt Nam, mỗi người chúng ta phải bằng những hành động cụ thể, thiết thực, chung tay góp phần đưa hiến pháp pháp luật đi vào cuộc sống, để cùng nhau quyết tâm xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Dưới đây là các tập thể, cá nhân được trao bằng khen, giấy khen của UBND quận Tây Hồ đã đạt thành tích cao trong 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến” trên địa bàn quận và cuộc thi "Hòa giải viên giỏi" năm 2023 trên địa bàn quận:
Bà Phạm Thị Thanh Hương trao bằng khen, giấy khen cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc rtong 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến” trên địa bàn quận và cuộc thi "Hòa giải viên giỏi" năm 2023 trên địa bàn quận Tây Hồ. |
Lãnh đạo UBND quận Tây Hồ trao bằng khen, giấy khen cho các cá nhân, tập thể trong 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến” trên địa bàn quận và cuộc thi "Hòa giải viên giỏi" năm 2023 trên địa bàn quận. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại