Thứ tư 26/06/2024 15:23

Rào cản người lao động khó chạm tay đến nhà giá rẻ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hiện nhà ở xã hội (NƠXH) vẫn rất khan hiếm, nhất là loại hình cho thuê nên nhu cầu thuê trọ từ nhà dân của người lao động, sinh viên tại các đô thị lớn vẫn rất cao dù cho có rất nhiều hiểm họa đang rình rập.
Những khu nhà trọ cao tầng mọc san sát trong ngõ sâu khu vực gần phố Đội Cấn (quận Ba Đình, Hà Nội) khiến công tác cứu hộ, cứu nạn gặp khó khăn nếu xảy ra cháy. Ảnh: Thái An
Những khu nhà trọ cao tầng mọc san sát trong ngõ sâu khu vực gần phố Đội Cấn (quận Ba Đình, Hà Nội) khiến công tác cứu hộ, cứu nạn gặp khó khăn nếu xảy ra cháy. Ảnh: Thái An

“Lao đao” vì giá thuê trọ

Phần lớn khu trọ cạnh trường đại học, cao đẳng ở các quận như: Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai... (Hà Nội) trước đây là làng, quá trình đô thị hóa khoảng 20 năm trở lại đây đã trở thành TP với mật độ dân cư rất cao. Nhà trọ ngoại thành Hà Nội, cạnh các khu công nghiệp, ví dụ như những dãy nhà trọ ở dưới chân cầu Thăng Long (huyện Đông Anh) nằm san sát nhau, ẩm thấp trong khi chỉ có một lối thoát là cổng chính.Nhiều phòng trọ được cơi nới từ những ngôi nhà nằm trong ngõ sâu. Khi xảy ra cháy nổ, lực lượng phòng cháy chữa cháy khó tiếp cận hiện trường. Thiệt hại rất lớn về người và tài sản đã thấy trong những vụ cháy gần đây.

“Chúng tôi là dân tỉnh khác đến Hà Nội kiếm một công việc để làm. Tôi làm công nhân may cho một công ty tư nhân, mỗi tháng vẫn có mức thu nhập hơn 5 triệu đồng. Để tiết kiệm những đồng lương kiếm được, chúng tôi chỉ dám thuê phòng trọ 800.000 - 1.000.000 đồng/tháng hoặc thuê chung nhà với công nhân khác để tá túc qua đêm. Biết là những phòng trọ như thế này thiếu an toànnhưng chúng tôi không thể có nhiều lựa chọn khác. Mấy năm nay, xảy ra cháy nổ nhiều nên người lao động luôn mong được thuê NƠXH giá rẻ để ổn định cuộc sống, an tâm làm việc” - chị Đặng Thị Tươi (48 tuổi, thuê trọ ở quận Bắc Từ Liêm) bày tỏ.

Theo một số môi giới bất động sản, giá thuê chung cư ở Hà Nội tăng cao khiến giá thuê nhà cũng tăng theo. Trong đó, các loại hình căn hộ chung cư cho thuê, nhà trong ngõ, nhà trọ cũng tăng giá thuê, đặc biệt là khu vực các quận nội thành. Anh Phong Vũ, một chuyên gia môi giới bất động sản cho biết, giá thuê nhà trong ngõ, nhà trọ cũng tăng từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng/tháng so với thời điểm giữa năm 2023. Giá thuê nhà tăng phổ biến tại các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Đống Đa,... đặc biệt là những nơi gần các trường đại học, cao đẳng. Mức giá thuê nhà trọ được người thuê quan tâm chủ yếu từ 3 - 5 triệu đồng/tháng, đây cũng là mức giá thuê phổ biến tại các phòng trọ sâu trong ngõ.

Cần có chính sách cho thuê với giá phải chăng

Các chuyên gia về nhà đất nhận định, trong bối cảnh mặt bằng giá bán căn hộ chung cư tăng cao lên tới 30-40%, phân khúc chung cư, nhà trọ cho thuê đang đáp ứng nhu cầu của người lao động, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp. Nhu cầu cao cũng khiến mặt bằng giá cho thuê phân khúc này tăng nhiệt rõ rệt khiến không ít người đi thuê nhà gặp áp lực lớn. Để khắc phục khó khăn tài chính, người thuê thường tìm nhà trọ, chung cư có diện tích nhỏ hơn hoặc nằm ở vị trí xa trung tâm Hà Nội để giảm gánh nặng, áp lực chi phí.

Trước thực trạng những khu trọ đang là nguồn cung chủ yếu về nơi ở cho người lao động xa nhà, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, giá bất động sản bị đẩy lên cao là một phần nguyên nhân. “Rõ ràng, các căn hộ tiện nghi, các dự án lớn không phải lựa chọn vừa túi tiền đối với phần đông người lao động. Khi giá bán bất động sản tăng thì tất yếu giá cho thuê sẽ tăng theo”, ông Đính nói và cho biết người lao động buộc phải đi tìm các căn hộ trong ngõ sâu, giá rẻ với những tiện nghi không đảm bảo kèm theo nhiều yếu tố nguy hiểm.

Về giải pháp, vị chuyên gia nêu thực tế hiện nay cơ quan chức năng chưa có mục tiêu phát triển loại hình NƠXH cho thuê, mà mới chỉ để bán. Tuy nhiên, số lượng và quá trình thực hiện cũng còn nhiều bất cập. "Cơ quan quản lý cần nghiên cứu phát triển quỹ NƠXH cho thuê ở những khu vực có nhu cầu lớn. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ về quỹ đất, chính sách, nguồn vốn vay ưu đãi… để kéo giảm giá cho thuê" - ông Đính nêu quan điểm.

Trong khi đó, nhìn nhận về vấn đề này, TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, khung pháp lý hiện nay về lĩnh vực phòng cháy chữa cháy và quản lý xây dựng đã cơ bản chặt chẽ.TP cũng có định hướng phân công phân cấp, tuy nhiên vấn đề xảy ra phần nhiều do thiếu kiểm tra giám sát thường xuyên và thiếu xử lý vi phạm chặt chẽ.

Đồng thời, vị chuyên gia cũng cho rằng các cơ quan chức năng đang quá chú trọng việc cấp phép xây dựng, nhưng quá trình giám sát về sau chưa được trú trọng. Điều này dẫn tới việc sau mỗi sự cố lại tăng cường kiểm tra, nhưng sau đó lại đâu vào đó.

Để xử lý triệt để tình trạng mất an toàn, vi phạm phòng cháy chữa cháy, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng,dù muộn còn hơn không làm, bây giờ đang rất cần các cơ quan ban ngành cùng TP tiến hành rà soát loại hình nhà ở riêng lẻ chuyển sang cho thuê trọ, chuyển sang kinh doanh tại nhà nhưng không có hệ thống phòng cháy chữa cháy, không có phương án thoát hiểm khi cháy nổ xảy ra…

Nếu những nhà ở riêng lẻ này không đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy mà lại đang có quá nhiều người đang thuê ở tại đây, đang sản xuất hàng hoá dịch vụ kinh doanh tại nhà thì cần kiên quyết đóng cửa và yêu cầu dừng hoạt động cho thuê.

Chỉ cho phép một chủ sử dụng và không kinh doanh cho thuê nhà trọ, không kinh doanh bán hàng tại nhà thì khi ấy mới tuyệt đối an toàn. Đồng thời, những gì nhà ở riêng lẻ xây mới cần quy định có hệ thống phòng cháy khi xin giấy phép xây dựng. Lâu nay cháy chung cư cao tầng thì chúng ta quan tâm tới chung cư cao tầng, khi cháy chung cư mini thì chúng ta mới quan tâm tới loại hình nhà chung cư mini (hồi tháng 9/2023) và nay cháy xảy ra tại “nhà ở riêng lẻ chuyển đổi sang cho thuê trọ - kết hợp kinh doanh tại nhà” chúng ta mới quan tâm tới vi phạm phòng cháy chữa cháy của loại hình nhà này.

Chúng ta đang quá bị động và chỉ xử lý hậu quả, đây là khoảng trống của pháp luật và hệ lụy của việc buông lỏng quản lý ở cơ sở, dễ dãi trong cấp phép xây dựng, trong chuyển đổi nhà ở và xử lý vi phạm.

“Có rất nhiều dự án nhà ở xã hội, dự án làng sinh viên được hình thành... nhưng sau khi xây xong không có hoặc có ít người đến ở. Lý do bởi vì chưa đáp ứng được tiêu chí khác ngoài tiêu chí có nhà.Ví dụ, tiêu chí hạ tầng, dịch vụ đi kèm nếu không đáp ứng được thì rất khó để thu hút người vào ở. Với nhà ở xã hội và nhà ở công nhân thì tiêu chí về hạ tầng gần bến xe buýt, thuận tiện đường đi, thuận tiện về công trình phúc lợi trường học, chợ, bệnh viện... có vai trò quan trọng.

Đặc biệt, khu vực nội đô nơi có đông các trường đại học tập trung, có đông sinh viên và một phần lớn là sinh viên ngoại tỉnh, các em phải thuê trọ ở những khu vực xung quanh trường và nó gây sức ép lên các khu nhà trọ vì sinh viên thường lựa chọn các khu nhà trọ giá rẻ. Nếu bây giờ chúng ta rốt ráo làm tốt công tác di dời các trường đại học ra khỏi khu vực nội đô Hà Nội thì sẽ giảm tải một phần nào áp lực lên các khu nhà trọ” - đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn đại biểu tỉnh Hải Dương nói.

Giải quyết lệch pha cung - cầu bằng nhà giá rẻ?
1 triệu ngôi nhà giá rẻ: Phương án khả thi để giữ chân người lao động?!
Thí điểm “đất khác” trong phát triển dự án nhà ở: nên ưu tiên cho phân khúc giá rẻ và nhà ở xã hội
Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động