Thứ sáu 27/09/2024 18:18

Quy luật về cơ cấu hình thức cước vận tải

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Dư luận “kêu ca” về mức phí đường bộ “quá cao”, do vậy Bộ GTVT đã có công văn gửi Bộ Tài chính cùng các nhà đầu tư, DN thu phí sử dụng đường bộ hoàn vốn dự án BOT, đề nghị hoãn tăng phí đường bộ. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng có văn bản “đáp lời” và cho rằng… không thể hoãn tăng phí đường bộ.

Không thể hoãn…

Trước thông tin cho rằng, phí sử dụng đường bộ tại các dự án hoàn vốn BOT hiện đang áp dụng là quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị lùi thời hạn tăng phí đối với một số trạm BOT đến thời điểm tháng 1-6-2016, thay vì tăng theo lộ trình từ 1-1-2016. Mới đây, Bộ Tài chính đã chính thức có ý kiến về vấn đề này, cụ thể đề xuất hoãn thời hạn tăng phí BOT của Bộ GTVT đã không nhận được chấp thuận từ phía Bộ Tài chính.

Theo Bộ Tài chính, việc thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho việc phát triển kinh tế-xã hội là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt là xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ. Trên cơ sở đó, các dự án BOT giao thông trên các tuyến QL, từ việc xây dựng đề xuất các dự án; lựa chọn nhà đầu tư; thẩm định, phê duyệt và công bố dự án; ký kết hợp đồng dự án; quản lý, triển khai xây dựng dự án và khai thác kinh doanh; xây dựng phương án tài chính của dự án, bao gồm mức thu phí hoàn vốn và thời gian hoàn vốn của từng dự án được Bộ GTVT quyết định.

Sau khi nhà đầu tư triển khai xây dựng dự án hoàn thành, căn cứ vào mức thu phí tại hợp đồng BOT, nhà đầu tư có văn bản đề nghị với Bộ GTVT xem xét.

Sau đó, Bộ GTVT sẽ có văn bản đề nghị Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định thu phí hoàn vốn của từng dự án, trong đó, đề xuất cụ thể về mức thu phí, thời gian thu phí hoàn vốn, lộ trình điều chỉnh tăng mức thu phí...

Trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT và hợp đồng BOT, Bộ GTVT đã ký với nhà đầu tư về mức thu phí hoàn vốn và thời gian thu phí hoàn vốn, Bộ Tài chính thống nhất với Bộ GTVT để ban hành Thông tư quy định mức thu phí từng dự án, đồng thời việc xây dựng và ban hành Thông tư được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Mặt khác, về mức thu từng dự án phù hợp với quy định tại Thông tư số 159/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thu phí sử dụng đường bộ hoàn vốn các dự án đầu tư xây dựng đường bộ.

Đối với đề xuất của Bộ GTVT về việc lùi thời hạn điều chỉnh mức thu phí hoàn vốn của 23 dự án BOT có lộ trình tăng phí kể từ ngày 1-1-2016 đến ngày 1-6-2016, Bộ Tài chính thấy rằng đề nghị đó chưa phù hợp với quy định của pháp luật, cũng như cam kết với nhà đầu tư trong hợp đồng BOT mà Nhà nước đã ký. Do vậy, không thể ban hành Thông tư lùi thời hạn ngay được từ ngày 1-1-2016 vì phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Mặt khác, hiện cả nước có 53 trạm thu phí, nhưng Bộ GTVT chỉ đề nghị lùi thời gian điều chỉnh tăng mức thu phí 5 tháng của 23 trạm, trong khi đó vẫn tiếp tục có văn bản đề nghị Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định thu phí hoàn vốn 7 dự án sắp hoàn thành, với mức thu bằng 3,5 lần mức thu cơ bản.

Trước đó, Bộ GTVT từng có văn bản đề nghị xem xét “hoãn tăng phí đường bộ” đã khiến dư luận “nức lòng”. Cụ thể, ngày 25-12-2015 Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã ký văn bản gửi Bộ Tài chính cùng các nhà đầu tư, DN về việc thu phí sử dụng đường bộ hoàn vốn dự án BOT.

Văn bản này cho biết, thực hiện chủ trương thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong thời gian qua, các nhà đầu tư đã phối hợp với Bộ GTVT triển khai đầu tư nhiều dự án hạ tầng đường bộ theo hình thức BOT. Đến nay, nhiều dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, thu phí, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo điều kiện thuận lợi cho sự đi lại của người dân, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.

Trong quá trình thương thảo hợp đồng dự án, Bộ GTVT và các nhà đầu tư đã căn cứ vào dự kiến mức tăng trưởng chỉ số trượt giá (CPI) và mức phí trần quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư số 159/2013 để đưa ra lộ trình tăng mức phí cho từng giai đoạn, trong đó có lộ trình tăng phí từ 1-1-2016.

Tuy nhiên, thời điểm hiện nay chỉ số trượt giá thấp hơn nhiều so với mức dự kiến. Do vậy, để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, nhất là phù hợp với mức giảm chỉ số trượt giá CPI thực tế so với dự kiến trong các hợp đồng BOT đã ký, Bộ GTVT đề nghị các nhà đầu tư, DN dự án BOT đã có lộ trình tăng phí từ 1-1-2016 tạm thời lùi thời hạn tăng phí đến 1-6-2016, đồng thời căn cứ tình hình thực tế, chỉ số trượt giá để tính toán điều chỉnh mức phí cho phù hợp, thỏa thuận với UBND cấp tỉnh và Bộ GTVT để đề nghị Bộ Tài chính xem xét quyết định điều chỉnh Thông tư thu phí sử dụng đường bộ, dự thảo phụ lục hợp đồng BOT để điều chỉnh cho phù hợp.

Trạm thu phí dự án đường cao tốc Đức Trọng – Đà Lạt thuộc địa bàn tỉnh Lâm Đồng, nhưng lại được đặt ở tỉnh Đồng Nai, từng khiến người dân huyện Tân Phú, Đồng Nai bức xúc phản đối vì không được hưởng lợi vẫn bị thu phí. Ảnh tư liệu

Quy luật cấu thành cước vận tải đã thay đổi…?

Trong khi Bộ GTVT và Bộ Tài chính có sự “trái ngược nhau” về quan điểm, cũng như cách nhìn nhận đánh giá xung quanh vấn đề hoãn thu phí đường bộ, thì nhiều DN vận tải cũng chỉ ra hàng loạt những nghịch lý trong thu phí các dự án BOT.

Thực tế cũng cho thấy, thời gian gần đây có nhiều dự án BOT mọc lên, không phủ nhận lợi ích của những tuyến đường này, nhưng việc bị thu phí nhiều cũng khiến nhiều người dân… “choáng váng”. Thậm chí, có hiện tượng người dân đành phải từ chối sự “tiện lợi”, để tìm tòi những cung đường, hẻo lánh chấp nhận đường chật, chất lượng xấu, lộ trình dài, tốn thời gian, tốn nhiên liệu… để thoát khỏi… trạm thu phí. Hiện tượng này phổ biến ở nhiều địa phương, và gây sức ép rất lớn tàn phá hạ tầng giao thông tại các tuyến đường dân sinh, tỉnh lộ.

Nhưng, một nghịch lý cũng được nhiều DN vận tải chỉ ra rằng, phí đường bộ BOT của Việt Nam hiện cao hơn phí nhiên liệu.

“Theo tính toán cơ cấu giá thành vận tải thì một chiếc xe 4 chỗ đi 1km đường mất khoảng 1.200đ tiền xăng, nhưng phí BOT hiện lại tính 1.500đ/km. Cụ thể, tôi đi xe 4 chỗ từ Hà Nội về Phủ Lý qua cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, quãng đường chỉ khoảng hơn 100 km chi phí tiền xăng hết 126 nghìn, nhưng chi phí cho cầu đường hết 150.000đ. Các tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai; Hải Phòng – Hà Nội… cũng đều chung tình cảnh phí đường cao hơn phí nhiên liệu - điều này là bất hợp lý (không có nước nào như vậy). Vì lẽ, theo tính toán trong cơ cấu giá thành vận tải thì phí nhiên liệu thường chiếm 40 đến 45% tổng chi phí”, một người dân cho biết.

Nếu phí đường cao hơn phí nhiên liệu, rõ ràng sẽ phá vỡ “quy luật” về cơ cấu hình thành cước vận tải. Tuy nhiên hiện tại cũng có thực tế, giá xăng dầu giảm liên tiếp mà DN vận tải… không giảm giá cước – lý lẽ của họ là “giá nhiên liệu hiện không phải là yếu tố chính cấu thành giá cước vận tải. Trong khi cơ quan chức năng dường như lại rất tập trung chú ý vấn đề “giá nhiên liệu giảm” để phạt những DN vận tải không điều chỉnh giảm giá cước. Cụ thể mới đây, có 7 DN vận tải tại TP HCM bị xử phạt vì không giảm giá cước khi giá xăng dầu liên tục giảm.

Theo quy định cứ 70km bố trí 1 trạm thu phí, nhưng hiện tại không khó để có thể chỉ ra những tuyến đường “dày đặc” trạm BOT. Ví dụ tuyến QL 14 có tới 7 hoặc 8 trạm BOT; hay một số tuyến đường ở TP HCM nhiều trạm thu phí đã khiến người dân… kêu trời. Hiện tượng thu phí đường này, nhưng lại lập trạm ở đường khác (trạm Nam Hải Vân); hoặc hết thời hạn vẫn thu phí… cũng từng xảy ra.

Sỹ Hào

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động