Thứ năm 21/11/2024 19:06
Chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024):

Phụ nữ Hà Nội bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội năm 2024 sẽ có một chuỗi các hoạt động lớn kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Hình ảnh tại lễ phát động Tháng Áo dài Hà Nội năm 2024. ảnh: BTC
Hình ảnh tại lễ phát động Tháng Áo dài Hà Nội năm 2024. Ảnh: BTC

Theo phát động của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) TP Hà Nội, Tháng Áo dài Hà Nội năm 2024 sẽ kéo dài từ ngày 1 đến ngày 20/10/2024. Bà Phạm Thị Mỹ Hoa - Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc TP Hà Nội và doanh nghiệp; các em học sinh, sinh viên trên địa bàn TP đồng loạt mặc áo dài vào ngày thứ Hai và thứ Sáu hàng tuần. Trong đó, khuyến khích cán bộ, hội viên, phụ nữ mặc áo dài trong các hoạt động kỷ niệm, chương trình, sự kiện quan trọng của đơn vị.

Bà Phạm Thị Mỹ Hoa nhấn mạnh: “Đây là hành động thiết thực để hội viên, phụ nữ Thủ đô tiếp tục giữ gìn, phát huy và lan tỏa giá trị của áo dài truyền thống, đồng thời quảng bá, giới thiệu áo dài Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, khẳng định giá trị của áo dài trong đời sống hiện nay.

Áo dài từ lâu đã trở thành biểu tượng văn hóa, biểu tượng của sự thanh lịch, kín đáo và dịu dàng của người phụ nữ Việt Nam. Dù thời gian có thay đổi, dù xã hội có phát triển, nhưng chiếc áo dài vẫn luôn giữ được chỗ đứng vững chắc trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Trong thời kỳ hiện đại, khi đất nước hội nhập quốc tế, áo dài vẫn giữ được nét đẹp truyền thống nhưng đồng thời cũng được cách tân, biến hóa để phù hợp với xu hướng thời trang toàn cầu. Áo dài không chỉ xuất hiện trong những dịp lễ hội truyền thống mà còn trở thành trang phục yêu thích của phụ nữ trong các sự kiện quốc tế, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Được biết, Tháng Áo dài Hà Nội 2024 là hoạt động tôn vinh vẻ đẹp của chiếc áo dài, đồng thời khẳng định tình yêu, sự đoàn kết và trách nhiệm trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Với tinh thần đoàn kết và sự ủng hộ nhiệt tình của toàn thể chị em phụ nữ, Tháng Áo dài Hà Nội năm 2024 sẽ thành công rực rỡ, góp phần tạo nên một Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại nhưng vẫn đậm đà bản sắc truyền thống.

Trước đó, Hội LHPN TP Hà Nội tổ chức thử thách “Checkin Hanoi với áo dài”, “City Bus: Tinh hoa Áo dài” nhận được hưởng ứng của đông đảo chị em phụ nữ trên địa bàn Hà Nội.

Theo họa sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình - Chủ nhiệm CLB Đình làng Việt, những biến đổi trong may, mặc áo dài trong đời sống Việt Nam hiện nay mang cả những yếu tố tích cực và tiêu cực. Khi những giá trị tích cực được lan tỏa, phát huy, những vấn đề tiêu cực được phản ánh, đẩy lùi sẽ góp phần giúp mọi người hiểu và nhận thức sâu sắc hơn về vẻ đẹp đích thực của những chiếc áo dài thời hiện đại nhưng vẫn thấm nhuần những giá trị truyền thống của dân tộc.

Khi nói đến trang phục truyền thống của người Việt Nam, người ta thường nghĩ ngay đến “áo dài” và khi nhắc đến áo dài Hà Nội là nhắc đến sự thanh lịch, tinh tế, nhắc đến vẻ đẹp của người Tràng An. Áo dài gắn bó với người Hà Nội trong cuộc sống thường nhật. Hơn nữa, áo dài là cả một câu chuyện lịch sử dài kỳ, đi theo những thăng trầm, biến thiên của Thủ đô và đất nước. CLB Đình làng Việt là một trong những địa chỉ thường xuyên tổ chức các sự kiện trình diễn áo dài ở khu vực hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách. Trong đó, rất nhiều khách nước ngoài trầm trồ khen ngợi khi hiểu rằng nét thanh lịch, văn minh của người Hà Nội được truyền tải qua những chiếc áo dài như vậy.

Cũng theo đánh giá của nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình, Hà Nội hiện có nhiều tiềm năng để phát triển thương hiệu áo dài du lịch. Ngoài nguồn lực sẵn có về nhân lực tham gia phát triển văn hóa áo dài thì Hà Nội là nơi phát triển, sáng tạo áo dài rất hiệu quả. Sức sáng tạo sẽ giúp lan tỏa yếu tố văn hóa truyền thống và đáp ứng mong mỏi của khách khi đến tham quan Thủ đô.

Ở Hà Nội nhiều người biết tới làng nghề may áo dài Trạch Xá huyện Ứng Hòa vang danh, người dân mang tên đất, tên làng đi khắp cả nước để may áo dài làm đẹp cho đời. Hiện nay, ở Hà Nội vẫn còn những phố áo dài như Lương Văn Can, Cầu Gỗ, Trần Xuân Soạn… đều có nguồn gốc từ làng nghề may áo dài Trạch Xá.

Cạnh đó, Hà Nội còn có hàng trăm nhà may áo dài, có nhiều nhà thiết kế, nhiều thương hiệu áo dài nổi tiếng như nhà thiết kế Lan Hương, Chu La, Đỗ Trịnh Hoài Nam, Ngọc Hân… Những không gian áo dài Việt được hình thành trên đất Hà thành vừa là nơi giới thiệu văn hóa áo dài truyền thống, vừa là nơi quảng bá sản phẩm và thu hút khách tham quan.

Những hoạt động từ nhiều năm nay của CLB Đình làng Việt về áo dài truyền thống, để mỗi chúng ta, đặc biệt là các chị em phụ nữ có thể hiểu rõ hơn về đặc điểm cũng như bản sắc văn hóa của áo dài. Đồng thời, mong muốn góp một phần nhỏ bé để các giá trị của áo dài sớm được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và xa hơn nữa là Di sản văn hóa thế giới.

Bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa của áo dài truyền thống trong bối cảnh đương đại
Dấu ấn Thủ đô Hà Nội qua 70 năm lịch sử
VTV phát sóng loạt phim và chương trình đặc biệt nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
Di tích Nhà tù Hỏa Lò trưng bày chuyên đề “Bàng ơi!” kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
Thái Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động