Thứ tư 06/11/2024 00:22

Tranh tường thay đổi diện mạo phố phường

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, nhiều con ngõ nhỏ của các tổ dân phố ở Hà Nội đã được “thay áo mới” bằng những bức tranh rực rỡ sắc màu. Đây là cách mà người dân Hà Nội bày tỏ sự đoàn kết, gắn kết và cùng nhau chia sẻ niềm vui, niềm tự hào dân tộc.
Tranh tường thay đổi diện mạo phố phường
Những bức tranh vẽ tại ngõ 260 phố Đội Cấn, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội, truyền tải thông điệp tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc.
Những bức tranh vẽ tại ngõ 260 phố Đội Cấn, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội, truyền tải thông điệp tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc.

Ấn tượng những tác phẩm vẽ tranh tường

Tại ngõ 260 phố Đội Cấn, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội người dân có thể chiêm ngưỡng những bức tranh tường với nội dung sinh động ca ngợi quê hương đất nước. Ít ai biết rằng, trước đây đầu ngõ là điểm tập trung rác gây mất vệ sinh và mỹ quan; tình trạng ô tô đỗ lấn chiếm cả đường đi của người dân.

Bà Nguyễn Thị Vân, người dân sống ở ngõ 260 phố Đội Cấn cho biết: “Từ khi hội phụ nữ phối hợp với thanh niên, tổ dân phố số 8 và 9 triển khai xóa điểm chân rác, vẽ tranh tường, chúng tôi rất vui vì diện mạo phố, phường thay đổi. Việc trang trí ngõ xóm như này rất ý nghĩa vừa làm đẹp phố phường, vừa đảm bảo mỹ quan đô thị mà còn khiến thế hệ trẻ thêm yêu và tự hào về truyền thống dân tộc”.

Theo ghi nhận, nội dung các tác phẩm tranh vẽ tường được thực hiện tại ngõ 260 phố Đội Cấn được chia thành 3 phần. Phần 1: “Tôi yêu Tổ quốc tôi” là những bức tranh khắc họa những ngày lễ trọng đại của đất nước. Phần 2: “Tôi yêu Hà Nội” với những bức tranh khắc họa vẻ đẹp của Thủ đô, như: Cột cờ Hà Nội, Hồ Gươm, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu-Quốc Tử Giám... Phần 3: “Liễu Giai của tôi”, được tái hiện lại 2 làng cổ với đình, đền Liễu Giai và chùa Vĩnh Khánh thuộc địa bàn phường Liễu Giai với những phong tục, tập quán riêng có của nhân dân nơi đây.

Bà Nghiêm Thúy Trang, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Liễu Giai cho biết: “Qua bức tranh tường, chúng tôi muốn gửi gắm thông điệp tuyên truyền tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, truyền thống ngàn năm văn hiến Thăng Long-Hà Nội, Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo. Bức tranh càng thể hiện tinh thần, ý chí quyết tâm cao của mỗi người dân Liễu Giai trong việc quyết tâm xây dựng Thủ đô ngày càng hiện đại, thanh lịch văn minh nhưng không quên truyền thống, lịch sử văn hóa của dân tộc”.

Đây là công trình nhận được sự đồng sức, chung lòng của chính quyền và Nhân dân phường Liễu Giai, hướng tới chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024).

Các bảng tin thuộc 19 tổ dân phố trên địa bàn phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội được thay áo mới bằng nhiều bức vẽ sinh động.
Các bảng tin thuộc 19 tổ dân phố trên địa bàn phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội được thay áo mới bằng nhiều bức vẽ sinh động.

Khoác áo mới cho những tấm bảng tin

Tương tự, người dân của 19 tổ dân phố tại phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội, sử dụng những chiếc bảng tin bằng bê tông, nhựa đen thường ngày đưa thông tin quan trọng của phường để trang trí những khẩu hiệu, bức tranh cổ động, chào mừng Ngày Giải phóng Thủ đô vẽ bằng phấn màu.

Chủ tịch UBND phường Phương Liên Nguyễn Thanh Lương cho biết, hoạt động này do phường Phương Liên phát động và được thực hiện nhiều năm nay và được người dân trong tổ dân phố hưởng ứng nhiệt tình. Theo đó, mỗi khi có sự kiện quan trọng của Hà Nội và địa bàn, những bác trong tổ dân phố đều tập trung đưa ra ý tưởng vẽ và trang trí bảng tin của tổ theo thông tin tuyên truyền. Người dân của phường coi đây là một việc rất tự nhiên và rất nhỏ trong việc hưởng ứng, hoà chung không khí chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Những tấm bảng tin vốn quen thuộc nay được khoác lên mình một tấm áo mới, mang đậm dấu ấn của tình yêu quê hương đất nước. Từ những bức vẽ ngây thơ của trẻ em đến những tác phẩm tinh tế của người lớn tuổi, tất cả đều thể hiện sự trân trọng đối với lịch sử và truyền thống của dân tộc. Bác Nguyễn Kim Bình (Bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận khu dân cư số 3, phường Phương Liên) cho biết, các tổ dân phố cùng nhau trang trí và vẽ bảng khoảng gần 1 tháng, những nội dung vẽ lên bảng được bàn bạc và lên ý tưởng kỹ để vừa thể hiện đầy đủ nội dung, vừa không quá cầu kỳ.

Các bức vẽ được người dân trong tổ dân phố tự tay vẽ, được các đoàn viên thanh niên của phường hỗ trợ thêm chứ không thuê bất kì tay vẽ nào, đây hoàn toàn là sản phẩm tự tâm và bàn tay của người dân khu phố. Chỉ với phấn màu đơn giản những bức vẽ đã thể hiện nội dung mộc mạc mà ý nghĩa, như hoài niệm về một Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Bức tranh panorama trưng bày tại Đảo Ngọc Ngũ Xã (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội) thu hút nhiều du khác đến tham quan.
Bức tranh panorama trưng bày tại Đảo Ngọc Ngũ Xã (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội) thu hút nhiều du khác đến tham quan.

Điểm nhấn văn hóa cho không gian sắc màu đô thị hiện đại

Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, bức tranh panorama trưng bày tại Đảo Ngọc Ngũ Xã (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội) tạo được nhiều ấn tượng cho du khách nước ngoài tham quan Hà Nội.

Bức tranh panorama “Hà Nội: Kháng chiến - Dựng xây - Đổi mới” là một phần của Dự án Leng Keng Di Sản, được triển khai bởi UBND phường Trúc Bạch, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Bức tranh dài 12m, cao 2m3 được thực hiện bởi 60 họa sĩ từ 3 thế hệ (họa sĩ lớn tuổi nhất 82 tuổi, họa sĩ nhỏ tuổi nhất 5 tuổi).

Qua nét cọ tỉ mỉ của 60 họa sĩ, 3 giai đoạn của Thủ đô được thể hiện khéo léo tương ứng với các chủ đề khác nhau. Các trường đoạn tranh gắn kết, hoà quyện mang đến cho người xem cái nhìn đậm nét về Hà Nội qua các thời kỳ, từ thời chiến đến hiện tại

Là người thực hiện vẽ bức tranh Panorama, họa sĩ, NSND Nguyễn Dân Quốc cho biết, bức tranh thể hiện ý chí kiên cường của quân và dân Hà Nội trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; tinh thần chịu thương, chịu khó, đồng lòng xây dựng Tổ quốc sau khi đất nước hòa bình, thống nhất. “Dự án vẽ bức tranh này bắt đầu được thực hiện vào ngày 29/9, dự kiến hoàn thiện trong 1 tuần” - họa sĩ, NSND Nguyễn Dân Quốc chia sẻ.

Bức tranh được chia thành 3 giai đoạn của Thủ đô được thể hiện khéo léo tương ứng với các chủ đề khác nhau: Giai đoạn 1 mang chủ đề “Kháng chiến”: sẽ tái hiện Trúc Bạch năm 1946, nơi diễn ra sự kiện nổ mìn nhà máy điện Yên Phụ - phát hiệu lệnh toàn quốc kháng chiến. Cảnh tượng chiến đấu trên những con phố nhỏ sẽ được khắc họa sinh động, gợi nhớ về những hy sinh và lòng dũng cảm của quân và dân ta.

Giai đoạn 2 chính là hình ảnh Trúc Bạch và Hà Nội sau khi hòa bình lập lại, một giai đoạn đánh dấu sự phục hồi, tái thiết và dựng xây đất nước với chủ đề “Dựng xây”. Giai đoạn 3 – “Đổi mới" miêu tả Trúc Bạch của hiện tại, đi kèm với đó là sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, từ Khu phố ẩm thực đêm sôi động đến dự án Tuyến tàu điện số 6, biểu tượng cho những giá trị di sản lịch sử, văn hóa và tương lai tươi sáng của quận Ba Đình cũng như Thủ đô Hà Nội.

Những bức tranh tường tại các con ngõ ở Hà Nội giờ đây trở thành điểm nhấn văn hóa tạo nên những nét đặc sắc riêng. Những hình của các bức tranh tường không chỉ đem lại sự sinh động và màu sắc tươi mới cho những con ngõ nhỏ, mà còn giúp giới trẻ hiện tại hiểu rõ hơn về cội nguồn văn hóa và truyền thống của dân tộc, của đất nước.

Không khí chào mừng 70 Ngày Giải phóng Thủ đô từ ngõ nhỏ Hà Nội
Triệu Tâm
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động