Thứ sáu 19/04/2024 07:39

Phía sau những “quả ngọt”...!

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nghệ An là một tỉnh có lượng học sinh ở các cấp hết sức lớn, riêng năm 2022, toàn tỉnh có hơn 800 nghìn học sinh ở các cấp học từ mầm non tới THPT. Trong số đó lượng học sinh con em vùng khó khăn, dân tộc thiểu số khá lớn.

Nhọc nhằn gieo chữ vùng biên

Nghệ An có diện tích tự nhiên 16.487,53 km2, trong đó diện tích khu vực miền núi là 13.745 km2 (chiếm 83%). Có 12 huyện, thị xã thuộc khu vực miền núi có dân tộc thiểu số, 252 xã, phường, thị trấn miền núi. Trong đó 131 xã, 923 thôn, bản thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, có 588 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Có 27 xã của 6 huyện có biên giới tiếp giáp với 3 tỉnh gồm Xiêng Khoảng, Bô Ly Khăm Xay, Hủa Phăn của nước bạn Lào, với 468, 281 km đường biên giới. Dân số vùng dân tộc thiểu số, miền núi có 1.197.628 người (chiếm 41% dân số toàn tỉnh), đồng bào các dân tộc thiểu số có 491.267 người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh và chiếm 36% dân số trên địa bàn miền núi, gồm 5 dân tộc có đông người cùng sinh sống gồm Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ đu.

Theo thống kê, trong năm học 2022 -2023 toàn tỉnh này có hơn 800 nghìn em học sinh từ bậc mầm non tới THPT. Trong đó số lượng học sinh ở các huyện miền núi, vùng sâu, biên giới, vùng dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ khá lớn. Điển hình như huyện Kỳ Sơn, trong năm học này có tới 32 nghìn học sinh trên các cấp bậc học với trên 95% là con em dân tộc thiểu số người H' Mông, Khơ Mú, Thái. Ngoài ra các huyện như Tương Dương, Quế Phong, Con Cuông cũng có lượng học sinh con em dân tộc thiểu số, vùng biên giới khá lớn.

So với các huyện trung du, đồng bằng, các huyện miền núi, biên giới ở Nghệ An nay dẫu thay đổi nhiều, đời sống Nhân dân không ngừng được nâng cao, tuy nhiên những khó khăn, thách thức với ngành giáo dục còn khá lớn. Hành trình “gieo chữ” nơi vùng biên còn đó bao trăn trở, nhọc nhằn. Đó là khó khăn về địa lý, cơ bản các điểm trường, bản lẻ đều ở xa trung tâm, để đi tới những điểm trường ở vùng biên sẽ mất rất nhiều thời gian, băng rừng vượt núi nhiều giờ. Do ở các khu vực kinh tế khó khăn nên việc thiếu thốn cơ sở vật chất là điều không thể tránh khỏi, cũng vì thế mà công tác dạy học tại các huyện miền biên giới thật sự là một hành trình gian nan với cán bộ quản lý, giáo viên.

Phía sau những “quả ngọt”...!
Dẫu trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn nhưng thầy và trò các trường miền biên giới Nghệ An vẫn luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, mang con chữ, sự yêu thương đến với trẻ em vùng cao một cách trọn vẹn

Họ phải chấp nhận cắm bản, bám bản, bám các điểm trường lẻ để bằng sự tâm huyết đứng lớp mỗi ngày, sát cánh, dạy dỗ con em người dân tộc thiểu số. Dẫu trong điều kiện khó khăn, các thầy cô vẫn ngày đêm nỗ lực, hoàn thành nhiệm vụ, giúp học sinh vùng khó khăn được tiếp cận giáo dục một cách toàn diện. Nhờ sự nỗ lực của biết bao thế hệ thầy cô giáo, bao thế hệ học sinh dân tộc thiểu số được tiếp cận giáo dục trọn vẹn, từ việc phải vận động đến trường nay đã ý thức về việc học, đến lớp tìm con chữ để thay đổi những khó khăn trong cuộc sống. Biết bao thế hệ con em người dân tộc thiểu số nhờ đó mà trưởng thành, thành đạt để rồi đóng góp công sức cho quê hương trên hành trình xóa bỏ nghèo khó, lạc hậu, thay da đổi thịt quê hương mỗi ngày.

Hiệu trưởng trường mầm non Keng Đu - cô Trần Thị Lan chia sẻ, là ngôi trường cách trung tâm huyện tới 76 km, được xem là xa nhất huyện, với 369 học sinh, là con em dân tộc thiểu số. Đời sống người dân nơi đây vô cùng khó khăn, học sinh cũng vì thế mà khó khăn, thiếu thốn về vật chất, đường đến trường của các em hết sức vất vả, nhọc nhằn. Để đi tới những bản điểm lẻ phải mất khoảng 20 km với đường đi khó khăn, xuyên núi, mưa bão quả thực là khó khăn, thách thức lớn với đội ngũ giáo viên nơi đây. Rừng thiêng nước độc, thiếu thốn trăm bề nhưng đội ngũ giáo viên vẫn cắm bản miệt mài dạy học, giúp đỡ học sinh, lo từng bữa ăn, giấc ngủ bán trú cho các em để mong mỏi các em có tinh thần, sức khỏe và mong muốn đến lớp mỗi ngày. Khổ nhất là điểm trường lẻ thiếu điện, thực phẩm sóng điện thoại...việc liên lạc thường khó khăn, di chuyển đi lại thì vất vả.

Phía sau những “quả ngọt”...!
Đường đến trường nơi bản xa vào mùa mưa lũ tại Kỳ Sơn, Nghệ An

“Nếu không vì học sinh, không yêu nghề chắc khó vượt qua những thách thức hiện hữu mỗi ngày nơi vùng biên. Càng khó khăn, càng thấy sự nghèo khó của học sinh nơi đây, dường như ý chí, mong mỏi về việc giúp sức để các em thay đổi đời sống sau này càng tăng thêm động lực cho thầy cô giáo, để rồi vẫn bám bản, bám trường từ thế hệ này tới biết bao thế hệ khác...” – Cô Lan bộc bạch.

Phía sau những “quả ngọt” !

Để có được những thành quả là những lớp lớp biết bao thế hệ học sinh vùng khó khăn, biên giới trưởng thành, xây dựng đóng góp cho quê hương thay đổi mỗi ngày để xa dần những lạc hậu, đói nghèo là biết bao thế hệ thầy cô giáo vùng biên “hi sinh tuổi thanh xuân”, hi sinh biết bao niềm riêng trong cuộc sống để bám làng, bám bản gieo con chữ mỗi ngày.

Công tác tại huyện Kỳ Sơn đến nay đã 23 năm, từ những ngày mới ra trường tới nay, có lẽ cô Trần Thị Lan thấm đẫm những khó nhọc, thách thức nơi giáo dục vùng biên hơn ai hết. Trong hành trình dài ấy, khi ra trường, dẫu biết lựa chọn đi vùng biên là khó khăn chồng chất, nhưng sức trẻ, sự nhiệt huyết cùng với tình yêu thương trẻ đã thôi thúc cô Lan đến với các em nơi đây. Công tác tại Kỳ Sơn nhiều năm, cô gặp và lấy một chiến sỹ biên phòng, nhưng hạnh phúc ấy lại chẳng tày gang khi mà hai năm sau cưới, thời gian ở cạnh nhau tính bằng ngày thì chồng cô qua đời sau một vụ tai nạn giao thông.

Phía sau những “quả ngọt”...!
Mầm non Keng Đu hôm nay đã "thay da đổi thịt"

14 năm cô là giáo viên mầm non trường Nậm Càn, 4 năm trường Na Ngoi, hơn 5 năm trường Keng Đu, cô Trần Thị Lan dường như trở thành người con của bản làng. Trong những ký ức khó nhọc ấy, cô vẫn nhớ như in ngày nhận quyết định vào trường mầm non Keng Đu. Cơ sở vật chất thiếu thốn trầm trọng, chủ yếu lớp học tranh tre, gỗ đơn sơ, có mấy lớp xây đã xuống cấp nghiêm trọng. Trước những khó khăn ấy, nhờ sự đồng sức đồng lòng của tập thể giáo viên, cán bộ trường, trải qua 5 năm xây dựng; hiện trường lớp đã được khang trang, xây dựng kiên cố, đặc biệt có 12 điểm trường đã xây kiên cố phục vụ tốt cho công tác dạy học. 5 năm liền công tác nơi đây, cô Lan thuộc diện chiến sỹ thi đua. Chi bộ trường 5 năm liền đạt danh hiệu tiên tiến, chi bộ trong sạch vững mạnh, theo lộ trình thời gian ngắn nữa trường sẽ được xét công nhận trường đạt chuẩn mức độ 1.

Năm nay, trong chương trình tuyên dương “Nhà giáo tiêu biểu của năm” toàn quốc do Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện nhằm ghi nhận, tôn vinh các nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục có đóng góp đặc biệt xuất sắc, tạo ra những chuyển biến tích cực, hiệu quả trong đơn vị, có sức lan tỏa trong toàn ngành, tỉnh Nghệ An vinh dự có 5 giáo viên. Trong đó có cô Lê Na (SN 1982) – giáo viên Trường PT DTNT THCS Kỳ Sơn, là giáo viên miền xuôi, tình nguyện lên giảng dạy tại miền núi, huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An và đã có nhiều thành tích xuất sắc trong đổi mới, sáng tạo trong dạy và học. Bản thân cô Na cũng là người gắn bó với học sinh miền núi huyện Kỳ Sơn nay cũng đã hơn 17 năm, trải qua biết bao gian truân, nhọc nhằn, vẫn bám bản, bám lớp dạy học, giúp đỡ biết bao thế hệ học sinh dân tộc thiểu số nơi vùng biên này.

Phía sau những “quả ngọt”...!
Nếu không có tình yêu với nghề giáo, không đam mê cháy bỏng, không yêu trẻ thì có lẽ khó đứng vững trên hành trình dạy học ở miền biên viễn

Nói về những khó khăn, thách thức của giáo dục miền núi, dân tộc thiểu số đặc biệt khăn như địa bàn huyện Kỳ Sơn, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Kỳ Sơn Phan Văn Thiết cho biết, dẫu rằng có nhiều nỗ lực về công tác đầu tư nhưng để đồng bộ 100% cơ sở vật chất tốt tại địa phương là điều rất khó. Học sinh nơi đây vẫn chồng chất khó khăn. Không chỉ riêng học sinh, cán bộ, giáo viên cũng vậy, nếu không yêu nghề, không vì các em học sinh thì khó mà vượt qua được những khó khăn chồng chất. Bám trường, bám lớp, bám bản rõ ràng là cực kỳ vất vả, nhất là mùa mưa bão, những thiếu thốn triền miên, thiếu cả thực phẩm, đường sá đi lại khó khăn, nhiều khi phải lội suối, vượt sông hết sức nguy hiểm. Tuy nhiên, với nỗ lực toàn ngành, nỗ lực của bản thân mỗi cán bộ, giáo viên nơi đây, anh chị em vẫn luôn giữ vững ý chí, sự kiên định, lòng nhiệt huyết và cả tình yêu thương học sinh nơi miền biên khó nhọc để rồi vẫn luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao, cống hiến sức mình cho thế hệ trẻ nơi đây để hi vọng cuộc sống Nhân dân sẽ thay đổi nhanh hơn nữa, thoát cảnh nghèo khó, quê hương ngày thêm giàu đẹp...

Tặng Bằng khen cho 13 cá nhân dũng cảm cứu người trong lũ Tặng Bằng khen cho 13 cá nhân dũng cảm cứu người trong lũ
Trung Nam Group chia sẻ cùng nhân dân Kỳ Sơn vượt qua lũ dữ Trung Nam Group chia sẻ cùng nhân dân Kỳ Sơn vượt qua lũ dữ
Chủ tịch Quốc hội dự Lễ khai giảng và khánh thành trường học tại Nghệ An Chủ tịch Quốc hội dự Lễ khai giảng và khánh thành trường học tại Nghệ An
Chạy đua với thời gian để kịp đưa trường THPT Kỳ Sơn chào năm học mới Chạy đua với thời gian để kịp đưa trường THPT Kỳ Sơn chào năm học mới
Hoàng Phạm
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động