Thứ sáu 29/03/2024 12:47

“Phép màu” từ những trái tim nhân ái

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mới đây, câu chuyện xúc động về gia đình chàng trai chết não tại TP HCM quyết định hiến tạng con trai để cứu sống 6 người đã lan tỏa thông điệp “cho đi là còn mãi” đến mọi người.
Ông Nguyễn Văn Dũng trong ngày đăng ký tham gia hiến tạng. Ảnh: NVCC
Ông Nguyễn Văn Dũng trong ngày đăng ký tham gia hiến tạng. Ảnh: NVCC

Không chỉ TP HCM, tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có Thủ đô Hà Nội, nghĩa cử đăng ký tự nguyện hiến mô tạng khi chết/chết não ngày càng được lan tỏa sâu, rộng. Còn nhớ, cách đây hơn 4 năm, câu chuyện bé Nguyễn Hải An (7 tuổi, ở Hà Nội) hiến giác mạc sau khi qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo đã truyền đi thông điệp tích cực, giúp nhiều người quyết định tự nguyện đăng ký hiến mô tạng khi chẳng may có điều gì không hay xảy ra với mình. Một trong những đơn vị đi đầu về thực hiện nghĩa cử tốt đẹp này tại Hà Nội là Hội Chữ thập đỏ phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm. Tính đến nay, Hội đã có 8 hội viên tình nguyện đăng ký hiến mô/tạng khi chết/chết não và con số này sẽ còn gia tăng trong thời gian tới khi chính những hội viên có nghĩa cử nhân ái đó đang tích cực tuyên truyền đến nhiều người hơn.

Ông Nguyễn Văn Dũng và vợ là bà Nguyễn Thị Xuân Hương, tổ dân phố 1, phường Cửa Đông cùng tự nguyện đăng ký hiến mô tạng. Lý do được ông Dũng chia sẻ: “Tôi đã được chứng kiến rất nhiều trường hợp người dân bị tai nạn, vì không được hiến tặng mô/tạng mà qua đời. Vì thế, việc đăng ký tình nguyện hiến mô tạng sau khi bị chết/chết não là rất ý nghĩa, có thể giúp nhiều người sống tiếp. Cứu người là quan trọng nhất. Tôi cũng mong muốn mọi người tìm hiểu nhiều hơn và ủng hộ, tạo nên phong trào giúp đỡ những người đang trong hoàn cảnh đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết”.

Bà Nguyễn Thị Xuân Hương cũng bày tỏ: “Bản thân hoặc gia đình có người nằm viện mới thấy được sự quý giá của việc tự nguyện hiến mô/tạng cứu sống người bệnh. Thế nên vợ chồng tôi quyết định cùng đến viện đăng ký. Càng ý nghĩa hơn khi chúng tôi nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các con. Tôi nghĩ rằng “cho đi là còn mãi”, nếu chẳng may điều gì không hay đến với mình thì mình vẫn có thể giúp người khác được sống, nghĩa là mình vẫn đang sống, hơn nữa, mình còn góp phần lan tỏa điều tốt đẹp đó đến nhiều người”.

Cô Bùi Thị Hiếu chia sẻ: “Tôi thấy nhiều bệnh nhân đang rất cần mô/tạng để được sống tiếp nên tôi cũng bàn với gia đình là khi nào mất, tôi sẽ hiến mô/tạng cứu người. Các con tôi đều đồng ý và nói rằng mẹ làm như vậy là rất nhân ái. Tôi nghĩ mình sống có chút gì đó giúp cho đời sẽ càng ý nghĩ hơn”.

Tự nguyện đăng ký hiến mô/tạng khi chết/chết não là nghĩa cử rất nhân văn, trở thành “phép màu” đối với cuộc đời nhiều người. Nói như một tình nguyện viên đăng ký tham gia hiến mô/ tạng: “Sự sống sẽ nảy sinh từ sau cái chết. Hạnh phúc là được cho đi, khi con tim có thể tiếp tục nhịp đập trong hình hài mới…Thật sự mong và hy vọng tình yêu thương, sẻ chia, hướng thiện sẽ lan tỏa thật xa, thật rộng để cuộc đời ngày càng đẹp tươi, cho tình yêu, nụ cười được nở mãi trên môi”.

Hành trình nghề giáo có nhiều núi cao, vực sâu nhưng luôn đong đầy bản lĩnh và trái tim yêu thương học trò
Những trái tim yêu thương gieo mầm hạnh phúc
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động