Thứ bảy 14/12/2024 07:48

Già hóa dân số và những thách thức sức khỏe người cao tuổi

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Già hóa dân số đang trở thành một xu hướng toàn cầu với những thách thức to lớn đối với hệ thống y tế và xã hội. Cùng với sự gia tăng tuổi thọ, người cao tuổi phải đối mặt với nguy cơ mắc nhiều bệnh nền, ảnh hưởng tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Già hóa dân số và những thách thức sức khỏe người cao tuổi
Khám sức khỏe cho người cao tuổi tại trạm y tế phường Long Biên. Ảnh: M.N

Thế kỷ XXI được gọi là thế kỷ của già hóa dân số, khi tỷ lệ người cao tuổi trên thế giới tăng lên nhanh chóng. Theo định nghĩa của Liên Hiệp Quốc, người cao tuổi là những người từ 60 tuổi trở lên. Từ năm 2000 đến năm 2050, tỷ lệ dân số trên 60 tuổi được dự báo tăng từ 11% lên 22%, với số lượng người cao tuổi ước tính đạt 1,4 tỷ vào năm 2030 và 2,1 tỷ vào năm 2050. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này, khi chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm 9,9% dân số. Đến năm 2022, con số này đã tăng lên 12%, tương đương 12,56 triệu người. Dự báo vào năm 2036, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia có dân số rất già, với tỷ lệ người cao tuổi chiếm 20,1% dân số và tiếp tục tăng lên 25% vào năm 2049.

Cùng với già hóa dân số, thách thức về sức khỏe của người cao tuổi trở thành vấn đề cấp bách. Mặc dù không phải tất cả người cao tuổi đều mắc bệnh, nhưng nguy cơ đối mặt với các vấn đề sức khỏe gia tăng đáng kể. Trong số đó, bệnh đột quỵ được xem là nguy hiểm nhất với tỷ lệ mắc 21,9% ở người cao tuổi. Do hệ thống mạch máu suy yếu, tình trạng nhồi máu não hoặc xuất huyết não xảy ra thường xuyên hơn ở người già, đặc biệt ở những người có tiền sử tăng huyết áp. Việc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục nhẹ nhàng, và điều trị các bệnh nền đúng cách là những biện pháp quan trọng để giảm nguy cơ đột quỵ.

Ngoài đột quỵ, viêm phổi cũng là mối đe dọa đáng lo ngại đối với sức khỏe người cao tuổi, với tỷ lệ mắc 7,8%. Cơ quan hô hấp suy giảm chức năng cùng với sức đề kháng yếu khiến người già dễ bị viêm phổi, đặc biệt trong điều kiện thời tiết thay đổi hoặc khi tiếp xúc với môi trường đông người. Viêm phổi không chỉ làm suy yếu sức khỏe mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuổi thọ của người bệnh nếu không được điều trị kịp thời.

Tăng huyết áp, một căn bệnh mạn tính phổ biến khác, cũng xuất hiện ở 7,7% người cao tuổi. Hậu quả của tăng huyết áp thường dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như suy tim, nhồi máu cơ tim, hoặc tai biến mạch máu não. Bệnh đòi hỏi sự theo dõi sát sao và kiểm soát huyết áp thường xuyên để tránh những hệ lụy không mong muốn.

Đái tháo đường tuýp II cũng là một trong những bệnh lý đáng chú ý với tỷ lệ mắc 5,3%. Sự lão hóa của cơ thể, đặc biệt là gan và tụy, khiến quá trình chuyển hóa đường bị rối loạn, dẫn đến tình trạng tăng đường máu. Việc duy trì chế độ ăn uống cân bằng, kiểm soát đường huyết, và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ là rất cần thiết để kiểm soát căn bệnh này.

Bên cạnh đó, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy tim và bệnh Parkinson cũng là những căn bệnh phổ biến ở người cao tuổi với tỷ lệ mắc lần lượt là 4,1%, 2,4%, và 2,1%. Những bệnh lý này không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống mà còn tiềm ẩn nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị đúng cách. Đặc biệt, bệnh Parkinson với các triệu chứng như run tay, kém linh hoạt, và suy giảm trí nhớ, thường tiến triển nặng dần theo thời gian, gây ra những khó khăn lớn trong sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Một vấn đề khác thường gặp ở người cao tuổi là hội chứng tiền đình với tỷ lệ 2,0%. Những triệu chứng như chóng mặt, mất thăng bằng hay ù tai không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm tăng nguy cơ té ngã, gây ra những chấn thương nghiêm trọng.

Ngoài ra, loãng xương và viêm phế quản cấp cũng là hai căn bệnh cần được chú ý, với tỷ lệ mắc lần lượt là 1,9% và 1,7%. Loãng xương khiến xương trở nên yếu và dễ gãy, trong khi viêm phế quản cấp ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng hô hấp, gây suy yếu cơ thể nếu không được điều trị triệt để.

Những con số trên không chỉ phản ánh gánh nặng sức khỏe mà người cao tuổi phải đối mặt, mà còn đặt ra thách thức cho hệ thống y tế và cộng đồng. Việc nâng cao nhận thức về các bệnh thường gặp ở người cao tuổi, xây dựng chế độ chăm sóc toàn diện, và khuyến khích người cao tuổi tham gia các hoạt động xã hội, thể thao phù hợp là những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ.

Trong bối cảnh già hóa dân số ngày càng tăng nhanh, trách nhiệm chăm sóc người cao tuổi không chỉ thuộc về gia đình mà còn đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội. Quan tâm, hỗ trợ người cao tuổi không chỉ là truyền thống văn hóa tốt đẹp mà còn là cách để xây dựng một xã hội bền vững và nhân văn.

Nỗ lực toàn diện vì chất lượng cuộc sống
Giải pháp ứng phó già hóa dân số: tận dụng cơ hội, đối mặt thách thức
Minh Nhật
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động