e magazine
10:05 | 09/08/2024
Kỳ cuối: Hương ước giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống

10:05 | 09/08/2024

Trải qua bao biến cố, thăng trầm cùng thời gian, hương ước đến nay vẫn còn được lưu giữ và đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn, giữ gìn nền văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam.
Đây kỳ ơi
Đây kỳ ơi

Thạc sĩ Đỗ Thị Tám, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hoá – khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội cho rằng, làng trong xã hội Việt Nam truyền thống là một cộng đồng đa chức năng được liên kết chặt chẽ, đồng thời là một phức hợp của nhiều tổ chức xã hội với những mối liên kết đan cài vào nhau. Xét từ một góc độ nhất định, có thể coi cộng đồng làng trước tiên là tập hợp những dòng họ và mối liên kết họ hàng (giữa các dòng họ) chính là mối quan hệ bền vững nhất trong tổng thể phức hợp các liên kết trong làng và của làng.

Trên mạng lưới chằng chịt vô vàn liên hệ phức tạp ấy của làng cổ truyền, từng gia đình nhỏ người Việt đã tìm thấy ở dòng họ và làng xã nhiều sự tương trợ và một chỗ dựa vững chắc về mặt tinh thần. Đồng thời, sự phân chia giữa những họ to và họ bé, “họ đàn anh” và những “họ đàn em” và thành đạt của các dòng họ, gia đình cũng là những tác nhân ảnh hưởng trực tiếp đến mối quan hệ dòng họ - làng xã và sự phát triển của làng trong lịch sử - văn hóa Việt Nam.

Để vận hành làng xã trong một kết cấu chỉnh hợp, nhằm quản lý mọi mặt hoạt động của đời sống xã hội, từ rất sớm, tại các làng Việt cổ đã hình thành những quy tắc ứng xử gọi là lệ làng (bao hàm các quy phạm đạo đức, phong tục tập quán, xã hội…) để ràng buộc lẫn nhau. Đây được coi là một “bộ luật riêng” của từng làng, được xây dựng trong khuôn khổ không trái với Luật nước do các triều đình phong kiến đưa ra. Lệ làng có tác dụng duy trì, củng cố và phát triển các sợi dây liên kết trong cộng đồng làng, vận hành đời sống làng xã cũng như ổn định tính tự trị tương đối của làng xã.

Từ những quy ước sơ khai ban đầu, đến thế kỷ XV, lệ làng đã từng bước được “văn bản hoá”, nghĩa là viết thành văn bản, thường gọi chung là hương ước hay khoán lệ. Bắt đầu từ đây, lệ làng được định hình cụ thể hơn và ngày càng có vai trò, vị trí mạnh mẽ thêm trong đời sống làng xã Việt Nam. Xét trong toàn bộ tiến trình lịch sử - văn hoá của đất nước, có thể coi “lệ làng là luật của cộng đồng, còn hương ước là lệ, cũng được ghi lại là văn bản, là “bộ luật” chính thức bằng văn bản của một làng”.

Như vậy, hương ước/khoán lệ chính là “luật lệ” bắt buộc các thành viên trong làng phải tuân thủ, gắn bó các thành viên trong cộng đồng một cách tương đối chặt chẽ, tự nguyện, lệ thuộc lẫn nhau trên cơ sở phục tùng cộng đồng làng xã. Các quy định về ăn mặc, nói năng, đi lại, hội họp, thờ cúng, ma chay, cưới xin… cho đến nghĩa vụ với gia đình, họ hàng, làng xóm đều được ghi rõ trong hương ước.

Đây kỳ ơi

Cũng theo thạc sĩ Đỗ Thị Tám, kết quả khảo sát ở đồng bằng Bắc Bộ cho thấy những điều lệ ràng buộc được ghi trong văn bản của các làng xã Việt truyền thống bao gồm nhiều loại: có loại của họ tộc, có loại của xóm ngõ, có loại của phường hội và có loại của cả làng xã với các tên gọi khác nhau như hương ước, khoán ước, khoán lệ, điều lệ, hương lệ…

Trải qua những biến động của thời gian, hương ước/khoán lệ của các làng xã ở đồng bằng Bắc bộ đã bị mai một rất nhiều. Tuy nhiên, việc vận hành các tổ chức xã hội truyền thống cũng như điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội trong cộng đồng làng xã phần nhiều vẫn dựa vào các phong tục tập quán, các nếp cũ đã tồn tại lâu đời.

“Trong những năm gần đây, quá trình phục hồi văn hoá truyền thống ở các làng Việt cổ truyền được đẩy mạnh và diễn ra song song cùng với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Cùng với việc chính thức thừa nhận và tôn vinh giá trị của văn hoá làng, những hương ước/khoán lệ còn được lưu truyền lại trong các làng quê, đặc biệt là các làng khoa bảng, trong đó có Hạ Yên Quyết, thực sự là những di sản văn hoá quý báu, là vốn quý không chỉ của các làng xã cụ thể mà còn là của cả dân tộc cần được giữ gìn và phát huy giá trị…” - thạc sĩ Đỗ Thị Tám nêu quan điểm.

Đây kỳ ơi
Đây kỳ ơi

Các bản hương ước trong cộng đồng làng, xã Việt Nam nói chung được coi như “thước đo chuẩn mực” giúp mỗi cá nhân tự “soi” lại những hành vi ứng xử, việc làm của mình với người thân, với cộng đồng làng xã, với toàn xã hội. Hương ước có tác dụng to lớn trong việc giáo dục tư cách đạo đức cho mỗi cá nhân, giáo dục cộng đồng, sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật, giáo dục lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước.

Dưới thời kỳ thống trị của thực dân pháp, các bản hương ước là một trong những nhân tố “đề kháng” của làng, xã chống lại chính sách đồng hóa của chủ nghĩa thực dân, mặc dù đất nước bị xâm lược, nước mất nhưng làng xã không mất, những phong tục, tập quán, những giá trị văn hóa truyền thống vẫn được gìn giữ và bảo tồn.

Như vậy, bản sắc của một dân tộc hay phong cách, nếp sống, nết sống của từng người cụ thể không phải bỗng nhiên mà có. Tất cả đều được hình thành, đào thải, tồn tại, phát triển bởi nhiều yếu tố khách quan, chủ quan và qua nhiều năm tháng mới có được.

Đây kỳ ơi

Theo nhiều nhà nghiên cứu, ở xã hội hiện nay, hành chính hóa bộ máy nhà nước đang là khuynh hướng không tránh khỏi của các nhà nước hiện đại. Bộ máy nhà nước Việt Nam, như đã nêu ra trong các văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước, không tránh khỏi xu thế đó và ngày càng trở nên cồng kềnh. Hoạt động quản lý của Nhà nước ngày càng thiên nhiều về sử dụng mệnh lệnh, cưỡng chế. Việc duy trì kỷ cương, phép nước thiếu hẳn sự hỗ trợ rộng rãi của nhân dân.

“Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Bởi vậy, việc khôi phục và đổi mới các quy ước, hương ước trong nhân dân, như kinh nghiệm của lịch sử đã chứng minh là chủ trương biện pháp huy động rộng rãi nhân dân tham gia hoạt động quản lý của Nhà nước có hiệu quả nhất.

Ngày 19/6/1998, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 24/1998/CT-TTg về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của làng, thôn, ấp, bản, cụm dân cư trên toàn quốc.

20 năm sau Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg, ngày 8/5/2018, về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước, mục tiêu nhằm phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường gắn với thực hiện dân chủ ở cơ sở. Bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp; hạn chế và từng bước loại bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư.

Ngày 16/8/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2023/NĐ-CP về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư. Mục đích xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước được chỉ rõ: Phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư trong việc giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường gắn với thực hiện dân chủ ở cơ sở, góp phần tích cực hỗ trợ việc quản lý nhà nước bằng pháp luật. Bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp; hạn chế và từng bước loại bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư.

Đây kỳ ơi
Đây kỳ ơi

Theo Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, tính đến ngày 20/12/2023 cả nước có 78.012 hương ước, quy ước được công nhận tại 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (chiếm 79,2% trên tổng số thôn, tổ dân phố). Số địa phương có tỷ lệ 100% thôn, tổ dân phố có hương ước, quy ước được công nhận là 28/63 (chiếm 44,4%).

Việc xây dựng, duy trì thực hiện tốt hương ước, quy ước chính là góp phần trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình và dân tộc như truyền thống hiếu nghĩa, đạo làm con, truyền thống hiếu học… bảo vệ thuần phong mỹ tục, tinh thần tương trợ, tương thân tương ái.

Chính vì lẽ đó, những năm qua, việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự đồng thuận cao của các tầng lớp Nhân dân. Nhờ đó, công tác xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước đã từng bước hoàn thiện và ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc phát huy dân chủ ở cơ sở, xây dựng gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa.

Việc chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước được triển khai gắn với việc thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tại các xã, phường, công tác rà soát, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước theo kế hoạch của UBND thành phố được các địa phương chỉ đạo các đơn vị chuyên môn và các thôn, tổ dân phố trên địa bàn thực hiện.

Hiện nay, Hà Nội có 4.726/5.404 thôn, tổ dân phố có quy ước, trong đó có 1.232 quy ước đã được sửa đổi, bổ sung. Thực tế, có những vấn đề nảy sinh trong đời sống mà pháp luật chưa thể bao trùm, điều chỉnh nhưng hương ước, quy ước làng xã lại làm được.

Phát biểu tại Hội nghị Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ về công tác xây dựng, thực hiện quy ước, hương ước vào tháng 6/2024, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương đã cho biết, phát huy giá trị của quy ước tổ dân phố trong hoạt động xây dựng văn hoá cơ sở, các hoạt động văn hoá cơ sở trên địa bàn quận Tây Hồ đã thu hút được sự tham gia vô cùng nhiệt tình, trách nhiệm của nhân dân.

Điển hình là Nhân dân tự giác góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống, tôn vinh các lễ hội có ý nghĩa giáo dục đạo đức con người bằng việc gìn giữ, bảo tồn và đề xuất ghi danh di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia: Hội thề Trung hiếu Đền Đồng Cổ, nghề xôi Phú Thượng. Đó là việc duy trì và phát triển nghề truyền thống của ông cha như nghề trồng đào, trồng quất, làm trà sen và khôi phục lại những làng nghề mai một như giấy dó Yên Thái, cá cảnh Yên Phụ…

Hay là việc hàng trăm người dân ban ngày lao động sản xuất, tối đến lại cùng nhau tập văn nghệ, để mỗi người dân là một diễn viên tuyệt vời làm nên những chương trình nghệ thuật chất lượng cao trên sân khấu của Không gian văn hoá sáng tạo Tây Hồ...

Đặc biệt, là những đóng góp thiết thực của người dân vào các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị xanh – sạch – đẹp – văn minh, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đây kỳ ơi

Còn theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh, dưới góc độ văn hóa, hương ước, quy ước góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ, thôn, làng và cao hơn nữa là truyền thống dân tộc, bảo vệ thuần phong mỹ tục, tinh thần tương trợ, thương thân, tương ái.

Việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của thôn làng, tổ dân phố trong thời gian qua đã tác động tốt đến công tác quản lý xã hội tại cộng đồng dân cư, góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, góp phần giữ gìn, phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp ở cơ sở.

Thông qua đó, hình thành giá trị chuẩn mực xã hội phù hợp với truyền thống, bản sắc của địa phương, bài trừ hủ tục lạc hậu, phát huy dân chủ ở cơ sở, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Kỳ 1: Vẻ vang những tộc họ nối tiếp “làng khoa bảng, đất tứ danh hương” Kỳ 1: Vẻ vang những tộc họ nối tiếp “làng khoa bảng, đất tứ danh hương”
Kỳ 2: Khoán lệ của làng - gốc rễ giáo dục truyền thống khoa bảng Kỳ 2: Khoán lệ của làng - gốc rễ giáo dục truyền thống khoa bảng
Kỳ 3: Kế thừa tinh hoa văn hoá của hương ước ở xã hội hiện đại Kỳ 3: Kế thừa tinh hoa văn hoá của hương ước ở xã hội hiện đại
Đây kỳ ơi