e magazine
20:00 | 07/08/2024
Kỳ 3: Kế thừa tinh hoa văn hoá của hương ước ở xã hội hiện đại

20:00 | 07/08/2024

Không chỉ riêng Hạ Yên Quyết, các làng, tổng Thăng Long xưa đều có hương ước/khoán lệ cho địa phương của mình. Nhiều bản hương ước còn lưu giữ có giá trị rất lớn về văn hoá. Đến nay, kế thừa những tinh hoa và quy tắc quản thúc về văn hoá của hương ước, nhiều làng, xã, phường hay như tổ dân phố trong thời gian hiện đại đã lập ra những quy ước cho riêng mình.
Đây kỳ ơi
Đây kỳ ơi

Theo các nhà nghiên cứu, nhiều địa phương của Hà Nội xưa đều có những hương ước, quy ước riêng và hiện còn được lưu giữ. Ví như hương ước làng Định Công Thượng, tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội) lập năm 1923.

Bản này ghi rõ: “khoán ước của làng Định Công Thượng lưu truyền từ xưa hoặc chỉ có khẩu truyền mà không có minh văn, hoặc có minh văn mà không hợp thời thế. Bởi vậy cần nên cải lương, suy xét hiện tình thời này so với Khoán lệ thuở trước điều nào bất tiện thì đổi, điều nào có lợi thời theo, mục đích làm cho gia tộc được thịnh giàu, dân làng có trật tự, sau sẽ theo trình độ tiến hóa mà cải bổ thêm”.

Bản hương ước với đầy đủ các quy định về chính trị - xã hội như: tổ chức hội đồng giáp biểu, cách bầu cử, sưu thuế, sự kiện cáo, sự canh phòng trong làng, canh ngoài đồng, việc cấp cứu, vệ sinh… và các điều mục về phong tục quy định về điền thổ, hôn lễ, tang lễ, tế tự, khao vọng, vị thứ…

Hay như hương ước xã La Cả, bao gồm 2 thôn La Nội và Ỷ La, huyện Từ Liêm phủ Hoài Đức tỉnh Hà Nội (đến nay, La Nội và Ỷ La là hai thôn thuộc phường Dương Nội, quận Hà Đông). Bản hương ước soạn năm Cảnh Hưng thứ 13 (1752) đời Lê Hiển Tông do quan viên chức dịch hai xã soạn thảo khoán lệ, gồm 66 điều, đời sau lại chép thêm nhiều điều lệ mới.

Làng La Cả có truyền thống hiếu học và khoa bảng, xưa kia từng nổi tiếng là một trong Từ Liêm tứ quý của huyện Từ Liêm. Làng La Cả chính là một trong 4 làng trong câu truyền tụng “Nhất Mỗ nhì La thứ ba Canh Cót”.

Trong bản hương ước của La Cả có hai điều quy định về việc trọng học sùng nho rằng: Kẻ sĩ học tập chuyên cần thì được miễn việc lao dịch, canh điếm và việc binh trong cả năm. Những người đến năm 26 tuổi mà chưa được vào trường học, những người không chuyên cần học tập thì không được theo lệ này. Hay có điều còn quy định: Trong 2 xã nếu người nào nuôi dưỡng 2, 3 con ăn học chăm chỉ và đều học giỏi thì sẽ được ngồi cùng với trưởng thôn.

Đây kỳ ơi

Hoặc như hương ước năm 1941 của xã Cổ Nhuế Hoàng, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc xã Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), ngay lời tựa đã ghi rõ: Làng có kỷ luật mới chinh dân phong, người có luân lý mới thành nhân cách, xã ta khoán ước từ xưa chỉ có khẩu truyền mà không có minh văn, hoặc có minh văn mà không hợp thời thế. Bởi vậy cần phải cải lương, suy xét hiện tình thời nay, so sánh tục lệ thời trước, điều nào hại thì bỏ, điều nào lợi thì theo, cốt làm cho dân làng được thịnh giầu, phong tục được thuần mỹ.

Bản Hương ước chỉnh sửa nội dung có 3 phần: 1: Chính trị, 2: Phong tục, 3: Tài chính là lựa chọn những lẽ hay, tục tốt đời xưa và hương ước cũ, châm chước, thêm bớt, kê vào các khoản đề cho hợp nghĩa tuỳ thời, sau lại cứ theo trình độ tiến hoá mà bổ chính thêm, mong đạt được cải tổ hương – chính đến hoàn toàn mới trọn nghĩa vụ làm dân.

Với nội dung năm Chiêu Thống nguyên niên (1787), bản hương ước của làng Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã đề ra các quy định khuyến học rất đáng được quan tâm như: Người nào đỗ tiến sĩ, làng làm lễ dùng cỗ thịt trâu, xôi, trà, rượu và 20 quan tiền kính biếu; người thi hội lần đầu trúng Tam trường, kính biếu cỗ xôi lợn, rượu và 3 quan cổ tiền; người đỗ Hương cống biếu cỗ xôi gà, rượu, 2 quan cổ tiền; người thi Hương trúng Tam trường kính biếu cỗ xôi gà, rượu và 1 quan 2 mạch…

Đến thời Pháp thuộc, làng trích ra một mẫu ruộng để trao thưởng cho người nào đỗ Tiến sĩ các khoa về tân học. Người đỗ được hưởng hoa lợi một năm; nếu nhiều người đỗ thì ai nhiều tuổi được hưởng năm trước; ít tuổi hưởng năm sau. Trong dịp lễ hội, người đỗ Tiến sĩ được ngồi chiếu trên gian giữa đại bái, nếu không có Tiến sĩ mới đến quan hàm nhất phẩm.

Ngoài ra một số làng của Hà Nội xưa như: Làng Bát Tràng (huyện Gia Lâm), làng Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm) hay những người dân làm nghệ chạm bạc, đúc bạc thuộc phố Hàng Bạc đều có hương ước, quy ước riêng…

Đây kỳ ơi

Phát huy vai trò hương ước, quy ước trong cộng đồng dân cư tại Hà Nội không chỉ nâng cao vai trò của “luật tục” mà còn giữ gìn nét văn hóa đẹp của các cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố.

Phát huy truyền thống hiếu học, cũng kế thừa từ bản hương ước của cổ nhân, các dòng họ ở làng Tây Mỗ nay đều có quỹ khuyến học của riêng mình, trị giá từ vài chục đến cả trăm triệu đồng dành cho con em có thành tích xuất sắc trong học tập, đỗ đạt hằng năm. Đặc biệt, làng đã cho dựng những tấm bia đá khắc tên từ các vị tiến sĩ, hương cống, cử nhân… thời Nho học đến những giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ thời hiện tại như một sự tiếp nối truyền thống, mạch nguồn khoa bảng!

Quy ước của Tổ dân phố Hoàng 19 (phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) dễ đi vào lòng người bởi những quy định rất gần gũi, thân thiết. Bản Quy ước được đích thân Tổ trưởng dân phố phát đến từng nhà và yêu cầu các gia đình giữ gìn cẩn thận, nhắc nhở nhau cùng thực hiện.

Bà Nguyễn Thị Kim Hòa, Phó Bí thư, Tổ trưởng Tổ dân phố Hoàng 19, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết, văn hóa là nền tảng tinh thần của mỗi con người, của dân tộc, là động lực và là mục tiêu để phát triển kinh tế, xã hội. Nền văn hóa mà chúng ta đang xây dựng là một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và sự tự do, tiến bộ. Văn hóa ấy là sự chọn lọc những tinh hoa của dân tộc đồng thời bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tích lũy hàng nghìn năm qua quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước.

Tổ dân phố là nơi cộng đồng dân cư hình thành thông qua lao động, sinh tồn và không ngừng phát triển, là cội nguồn, là nơi “chôn rau cắt rốn”, là những hình ảnh thân quen mãi mãi không bao giờ phai mờ trong tâm trí của mỗi con người, là nơi hình thành thiết chế văn hóa thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thủ đô và đất nước.

Quy ước là những điều lệ của một cộng đồng người chung sống trong cùng một khu vực, nhằm điều chỉnh mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với hộ gia đình, giữa gia đình này với gia đình khác, giữa cá nhân, hộ gia đình với tổ chức, giữa tổ chức này với tổ chức kia bảo đảm phù hợp với đạo lý, nguyện vọng chung, thuần phong mỹ tục và không trái với các quy định của pháp luật hiện hành.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Hoà, bản quy ước của thôn có quy định rất rõ ràng về xây dựng gia đình văn hóa.

Đây kỳ ơi
Đây kỳ ơi

Bên cạnh những quy định mang tính truyền thống, bản quy ước còn được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thời cuộc như quy định về chấp hành pháp luật; quy định về đấu tranh phòng ngừa tội phạm; quy định về phòng cháy, chữa cháy và phòng chống bão lụt; quy định về phòng chống dịch bệnh…

Cũng như các bản hương ước, khoán lệ cổ, quy ước của tổ dân phố cũng có thưởng, có phạt công minh. Lập sổ vàng truyền thống đặt tại Nhà sinh hoạt cộng đồng của Tổ dân phố để ghi công những tập thể, hộ gia đình, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc tiêu biểu trong việc thực hiện quy ước, được hội nghị Nhân dân bình chọn. Tổ chức khen thưởng hàng năm đối với các tập thể, hộ gia đình, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện quy ước (tại hội nghị tổng kết của tổ dân phố hoặc chi bộ, các đoàn thể) hoặc được ban lãnh đạo tổ dân phố lập danh sách đề nghị cấp trên khen thưởng tùy theo mức độ thành tích.

Đồng thời các trường hợp vi phạm quy ước thì tùy theo mức độ, phê bình xử lý với nhiều hình thức như: nêu tên trên bảng thông tin của tổ dân phố, phê bình trong các cuộc họp, không bình xét gia đình văn hóa, đề nghị các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội phê bình, cảnh cáo, cách chức, khai trừ… theo quy định của tổ chức đó.

Đây kỳ ơi

Cũng theo bà Nguyễn Thị Kim Hoà, năm 2014 khi xã Cổ Nhuế lên thành phường, UBND phường đã gửi cho tổ dân phố bản hương ước làng xã và hướng dẫn tổ dân phố về triển khai hương ước của tổ dân phố nên mỗi một cuộc họp hay buổi sinh hoạt đông người ở tổ dân phố bà đều chia sẻ, cài vào một vài điểm để những người tham gia hiểu được và biết được các quy định và hiểu thêm về hương ước.

Bà Nguyễn Thị Kim Hoà lập nhóm zalo của tổ dân phố và thêm đại diện mỗi hộ gia đình 1 người vào nhóm từ trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Từ thời điểm lập nhóm zalo, bà thông tin các vấn đề của tổ dân phố trong zalo cũng như bảng thông tin ở nhà sinh hoạt cộng đồng...

Ban đầu, mọi người còn chưa quan tâm lắm nhưng sau này, vì đặc thù công việc đi làm, thời gian ra nhà sinh hoạt cộng đồng ít nên nhóm zalo đã phục vụ nhu cầu của người dân rất tốt, thuận tiện khi chỉ cần có điện thoại là đọc được toàn bộ nội dung liên quan đến tổ dân phố. Bất kỳ thông tin công khai bà đều gửi vào trong nhóm, để rồi bây giờ có gia đình cả vợ chồng, con cái đều xin vào nhóm zalo để cập nhật tin tức tổ dân phố.

Đây kỳ ơi

“Ở tổ dân phố đa số là dân nhập cư hoặc người đi thuê nhà nên mang các điều ở hương ước ra chia sẻ hoặc nói với người dân thì vô cùng khó khăn, không ai muốn nghe nên mình không thể tổ chức buổi tuyên truyền trực tiếp được. Do vậy, khi hội nghị nhân dân đầu năm, tôi sẽ đưa một mục nào đấy gần gũi với các việc mà tổ dân phố hoạt động đem lại lợi ích cho nhân dân, nằm trong hương ước để chia sẻ với người dân” – bà Nguyễn Thị Kim Hoà chia sẻ.

Về quy tắc ứng xử, tổ dân phố đã in ra và treo ở nhà sinh hoạt cộng đồng để người dân đọc được và thực hiện theo về cách ứng xử, giao tiếp giữa vợ chồng, con cái với nhau, làm sao mọi giao tiếp phải có văn hóa, không nói bậy, chửi bậy. Trong trang zalo, có chương trình triển khai, vụ việc liên quan đến người dân thì bà Hòa đều đưa lên nhóm zalo của tổ dân phố.

Đây kỳ ơi

Thông báo trên zalo mời các thành viên của tổ dân phố ra nhà sinh hoạt cộng đồng họp và mọi người hưởng ứng, ngày hôm sau ra họp gần như đầy đủ. Hoặc thông báo về việc tổng vệ sinh toàn tổ dân phố, kêu gọi người dân ra nhà sinh hoạt cộng đồng để chia tổ đi quét dọn cũng như người dân sẽ dọn dẹp khu vực trước cửa nhà mình. Ngày hôm sau, mọi người ra tham gia rất đông và nhà nào cũng tự giác vệ sinh sạch sẽ khu vực trước cửa nhà mình.

"Tôi tuyên truyền qua zalo nhiều, thường xuyên và tương tác với mọi người thường xuyên nên đã thành thói quen, giờ nhiều người dân, cơ quan không cần thành viên tổ dân phố đến nhà mà chỉ cần đọc được thông tin qua zalo là mọi người sẽ thực hiện theo, có mặt đầy đủ. Việc tuyên truyền đấy cũng nằm trong hương ước", lời bà Nguyễn Thi Kim Hòa.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Khoán lệ của làng - gốc rễ giáo dục truyền thống khoa bảng Kỳ 2: Khoán lệ của làng - gốc rễ giáo dục truyền thống khoa bảng
Kỳ 1: Vẻ vang những tộc họ nối tiếp “làng khoa bảng, đất tứ danh hương” Kỳ 1: Vẻ vang những tộc họ nối tiếp “làng khoa bảng, đất tứ danh hương”
Đây kỳ ơi