Say sưa bên câu chuyện, ông Hoàng Minh Khoa (Hạ Yên Quyết, Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội) nói, các quy chế dòng họ, tộc ước cơ bản dựa trên các quy định đã có trong các bản hương ước, khoán lệ của làng. “Tộc ước hay quy chế dòng họ chỉ là quy chế gọn hơn, phạm vi nhỏ hơn so với khoán lệ, luật pháp. Mỗi dòng họ lại có những quy chế riêng, nhấn riêng những điều mà muốn con cháu trong dòng họ hướng tới, nhưng không qua cái chung là gìn giữ nét văn hoá truyền thống của ông cha ta để lại…” Ông Hoàng Minh Khoa bảo rằng, trong kho tàng di sản văn hoá của làng Hạ Yên Quyết còn lưu giữ bản Khoán lệ xã Hạ Yên Quyết, tổng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (viết tắt là Khoán lệ xã Hạ Yên Quyết). “Văn bản này gồm 56 trang chữ Hán, đã được Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Quí (cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm) dịch ra chữ Quốc ngữ từ năm 2004) – ông Hoàng Minh Khoa nói. Bản khoán lệ xã Hạ Yên Quyết có ghi chép các điều quy định của làng, từ quy định về thờ phụng, Tết Nguyên đán, lễ chúc thọ… đến các quy định chi tiết về việc nấu xôi, làm cỗ trong đêm tế dịp lễ hàng năm phường kèn trống, ca xướng… Trong khoán lệ còn có những điều quy định cụ thể về văn hoá ứng xử, cụ thể: Điều 38 của Khoán lệ ghi: “Dân ta quý nhất là sự hoà thuận thân ái. Nếu ai bị kẻ khác ức hiếp, đem trầu cau đến trình Chức dịch, Lý trưởng xét xử đúng sai. Ai to tiếng chửi rủa, dù là kẻ sang hay người hèn, là đàn ông hay đàn bà đều cho Tuần phu trói gô cổ, điệu đến điếm xóm cảnh cáo. |
Giữa đêm khuya yên tĩnh, người nào cãi vã ồn ào, làm huyên náo xóm giềng; không kể là vợ chồng cãi nhau, hay kẻ say rượu đều bắt giam tại điếm; đợi sáng mai trừng trị, Tuần phu sẽ phạt tiền 3 mạch, không tha.” “Đặc biệt trong khoán lệ còn có những quy định về việc lễ mừng người trong xã thi đỗ cũng như việc biếu ruộng người có phẩm hàm. Những điều này minh chứng cho việc ngay trong khoán lệ ngày xưa, các cụ cũng đã rất quan tâm đến phong trào khuyến học” – ông Hoàng Minh Khoa bày tỏ quan điểm. Ông Hoàng Minh Khoa rổn rảng đọc lên bản Khoán lệ còn lưu giữ. Theo đó, để khuyến khích người đi học, làng đặt quy định về ruộng học điền: “Đặt ruộng Quan điền là 6 đoạn 3 mẫu. Số ruộng này là ruộng bản xã dùng để khuyến học. Những người thi đỗ Từ trường thì được kính biếu ruộng này” và bố cáo đến toàn thể dân làng: “Lệ khuyến học đã có từ lâu, người đời sau phải noi theo và giữ gìn làm quy chuẩn. Chiếu theo thức bậc khoa trường, làm quan Chính thức (trưởng), tuỳ theo phẩm hàm được nhập học điền cầy cấy. Còn những người làm quan Thứ chức (phó), quan tạp lưu, tuy có phẩm hàm cao nhưng nhất thiết không được dự vào. Nếu cậy thanh thế, canh tác sai lệ, mọi người trong bản xã trên dưới đánh trống đuổi đi, để tôn trọng đạo học đẹp đẽ dân tục”. “Khoán lệ xã Hạ Yên Quyết đã làm rõ các nội dung liên quan đến truyền thống học hành, khoa bảng của làng Cót với tư cách là một trong “Từ Liêm tứ quý: Mỗ, La, Canh, Cót” hay “Từ Liêm tứ danh hương: nhất Mỗ, nhì La, thứ ba Canh Cót”. Đồng thời, đây cũng là minh chứng về những nguyên nhân và điều kiện để cho làng Cót trở thành một làng khoa bảng nổi tiếng đất Thăng Long – Hà Nội” – ông Hoàng Minh Khoa giải thích. |
Sự gìn giữ khoán lệ cổ xưa cùng với những quy định nghiêm khắc để giữ thuần phong mỹ tục, nề nếp gia phong, phong trào khuyến học là tiền đề để Hội khuyến học của UBND phường Yên Hoà đề ra Đề án giáo dục truyền thống “Làng khoa bảng - đất tứ danh hương”. Bàn về Đề án này, ông Nguyễn Minh Tuyên, Bí thư Đảng uỷ phường Yên Hoà cho biết, theo sách “Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075 – 1919”, dưới thời các triều đại phong kiến Việt Nam, từ năm 1393 đến 1798 hai làng Thượng Yên Quyết và Hạ Yên Quyết có 19 người thi đỗ đại khoa, trong đó làng Hạ Yên Quyết có 10 người và làng Thượng Yên Quyết có 9 người. Ngoài ra vào thời Lê, 2 làng còn có 42 người đỗ Hương cống. Các danh nhân khoa bảng trải qua các thời kỳ đều là những người có đức, có tài, đem hết tài năng, trí, đức phụng sự xây dựng đất nước, đồng thời góp phần tạo nên truyền thống lịch sử - văn hoá của Thăng Long – Hà Nội. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, mặc dù có những thời kỳ cuộc sống của nhân dân 2 làng Thượng, Hạ Yên Quyết gặp nhiều khó khăn nhưng truyền thống khoa bảng vẫn được các gia đình, dòng họ nối tiếp nhau gìn giữ, hun đúc và phát huy. Lòng tự hào về các giá trị lịch sử - văn hoá của địa phương vẫn luôn in đậm trong tâm khảm mỗi người dân. Ngày nay, Đảng bộ, chính quyền phường Yên Hoà luôn chú trọng công tác giáo dục, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống đó bằng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ qua các thời kỳ, thông qua việc xây dựng mạng lưới khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tới từng cộng đồng dân cư và đã đạt được nhiều kết quả rất tốt. |
Theo ông Nguyễn Minh Tuyên, thông qua Đề án, phường muốn giáo dục cho thế hệ trẻ thấm nhuần truyền thống tốt đẹp của địa phương, khơi dậy lòng tự hào, tự trọng về ý thức bảo vệ, giữ gìn những giá trị về truyền thống tốt đẹp, để từ đó mang trí tuệ, sức lực đóng góp, xây dựng địa phương thực sự xứng đáng với tầm vóc của địa phương là một trong “Tứ danh hương” của Thăng Long – Hà Nội. Cũng qua đó, làm cho học sinh, thanh, thiếu niên trên địa bàn hiểu rõ và hiểu sâu sắc hơn về truyền thống hiếu học, khoa bảng của địa phương, nơi mình sinh ra, nơi mình đang sinh sống, học tập để từ đó thêm hiểu, thêm yêu về một vùng đất cổ địa linh nhân kiệt, đồng thời xác định cho mình một động cơ học tập, nghiên cứu, làm việc thực sự nghiêm túc, đúng đắn. Cũng theo ông Nguyễn Minh Tuyên, nhiệm vụ của Đảng uỷ, các cấp chính quyền ngoài việc nâng cao nhận thức đầy đủ ý nghĩa nhân văn về truyền thống hiếu học, khoa bảng của địa phương còn tăng cường công tác giáo dục về truyền thống hiếu học, đạo đức, lối sống, văn hoá ứng xử, đặc biệt thấm nhuần sâu sắc ý nghĩa và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh về giáo lý “Tiên học lễ, hậu học văn” trong các trường học… “Đảng uỷ phường cũng đã ban hành Nghị quyết về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn phường Yên Hoà giai đoạn 2023 – 2025, tầm nhìn 20230. Từ đó, giao nhiệm vụ cụ thể, rành rẽ cho các cấp chính quyền cùng vào cuộc, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ phường đến tổ dân phố, nhà trường, các cơ quan đơn vị và Nhân dân trên địa bàn phường trong xây dựng xã hội học tập” – ông Nguyễn Minh Tuyên cho biết. |
Nói về kết quả của phong trào khuyến học, ông Nguyễn Minh Tuyên cho biết, người dân hiểu đầu tư cho giáo dục là “quốc sách hàng đầu” nên ngày càng nhiều người tham gia, đặc biệt là các dòng họ, trong đó có các dòng họ nổi tiếng có nhiều người đỗ đạt từ xa xưa, được ghi danh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám như dòng họ Hoàng, dòng họ Nguyễn Như Uyên, dòng họ Quản, dòng họ Doãn… cũng dần tham gia vào Hội Khuyến học. Cùng với việc khuyến khích học hành của thế hệ sau, các tộc họ đưa hẳn việc khuyến học vào quy chế dòng họ. Tại phường Yên Hoà, đến nay, đã có 16 dòng họ tham gia Hội khuyến học. Nhiều dòng họ tham gia công tác khuyến học, khuyến tài nhiệt tình, đầu tư xứng đáng cho việc khích lệ, động viên các cháu như dòng họ Nguyễn Như Uyên, dòng họ Hoàng, dòng họ Nguyễn Vân Sơn, dòng họ Nguyễn Công, dòng họ Nguyễn Giáp Hạ, dòng họ Tô… Đơn cử, năm 2023, dòng họ Nguyễn Vân Sơn có tổng số hội viên là 290 người, có 48 lượt các cháu học sinh giỏi, học sinh đạt giải cấp quận và TP được khen thưởng. Dòng họ bầu được 1 gia đình học tập tiêu biểu (gia đình cháu Nguyễn Quốc Huy: cả 2 vợ chồng đều là thạc sỹ, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ nơi công tác và ở cụm dân cư). Công dân học tập tiêu biểu trong dòng họ là cụ Nguyễn Minh Thảo, 85 tuổi và cụ Nguyễn Mộng Cường, 79 tuổi. Tham gia câu chuyện, cụ Nguyễn Công Phi, 91 tuổi, cho biết: “Năm nào chúng tôi cũng tổ chức trao thưởng cho các cháu tại Nhà thờ Tổ học Công. Số cac cháu đạt học sinh giỏi ngày 1 nhiều. Chúng tôi đều đến đầy đủ để động viên các cháu. Chúng tôi phải nêu gương tốt để các cháu theo”. Cụ cũng cho biết, năm 2023, dòng họ Nguyễn Công trao thưởng cho 105 cháu đạt học sinh giỏi, học sinh tiên tiến các cấp. |
Tự hào về dòng họ mình, ông Nguyễn Trung Thanh, Trưởng Ban điều hành của gia tộc Nguyễn Như Uyên nói: “Nâng cao dân trí trước hết là trách nhiệm của mỗi gia đình, không phải là của riêng ai. Theo ông Nguyễn Trung Thanh, năm 2023, dòng họ đã có 133 cháu có thành tích cao, 6 thạc sĩ, 8 cháu đỗ đại học… Tự hào về chi hội khuyến học của dòng họ, ông Nguyễn Quốc Huy, dòng họ Nguyễn Vân Sơn cho biết, truyền thống hiếu học của dòng họ từ xa xưa đã được tổ tiên để lại như tộc ước từng viết: “Người nào trong dòng họ có thể kế nghiệp thi đố tiến sĩ thì cả họ mừng 20 quan tiền, đỗ phó bảng, cử nhân mừng 10 quan, thi đỗ tú tài mừng 10 quan. Bậc nhiêu học vào thi đình nếu đỗ mừng 5 quan. Còn các bậc khác vào thi đình đỗ mừng 3 quan tiền”… Tiếp nối truyền thống, chi hội khuyến học dòng họ thành lập với ôn chỉ mục đích là tập hợp được những người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục đào tạo, những người đỗ đạt, đóng góp công sức, thành tích cho dòng họ. Dòng họ Nguyễn Vân Sơn trải qua 20 năm công tác khuyến học - khuyến tài, cả dòng họ đã có 2 Phó Giáo sư, 1 tiến sĩ, 18 thạc sĩ và 178 cử nhân, là dòng họ xuất sắc của quận Cầu Giấy trong phong trào khuyến học - khuyến tài… (Còn nữa)
|