e magazine
15:08 | 05/08/2024
Kỳ 1: Vẻ vang những tộc họ nối tiếp “làng khoa bảng, đất tứ danh hương”

15:08 | 05/08/2024

Hà Nội xưa có câu “Mỗ, La, Canh, Cót tứ danh hương” để chỉ truyền thống hiếu học ở một vùng đất ven đô. Làng Hạ Yên Quyết có tên nôm là làng Cót, thời xưa có tên là Bạch Liên Hoa, nay ở phường Yên Hòa thuộc quận Cầu Giấy. Đây là làng nổi tiếng đất kinh kỳ Thăng Long xưa, là làng khoa bảng tiêu biểu ở Kinh kỳ Thăng Long, nơi sản sinh ra nhiều vị tiến sĩ.
Kỳ 1: Vẻ vang những tộc họ nối tiếp “làng khoa bảng, đất tứ danh hương”
Bài 1: Những tộc họ nối tiếp “làng khoa bảng, đất tứ danh hương”

Họ Hoàng ở Hạ Yên Quyết ngày xưa vốn vang danh từ thời cụ thuỷ tổ Hoàng Quán Chi. Cụ Hoàng Quán Chi đỗ Thái Học Sinh, khoa thi năm Quý Dậu, đời vua Trần Thuận Tông, niên hiệu Quang Thái thứ 6 (1393). Cụ cũng là người khai khoa (mở đầu) của huyện Từ Liêm xưa, đặt nền móng cho làng khoa bảng của vùng đất tứ danh hương Mỗ - La - Canh - Cót.

Cụ làm quan đến chức Thượng thư thẩm hình viện, khi mất được tặng Lễ Bộ Thượng thư. Sách "Từ Liêm đăng khoa lục" cũng ghi tiến sĩ của Từ Liêm xưa bắt đầu từ cụ Hoàng Quán Chi, là người đỗ đại khoa mở đầu cho huyện.

Ngoài cụ Hoàng Quán Chi, một trong những tiến sĩ rất nổi tiếng của họ Hoàng là Hoàng Bồi. Ông từng đỗ trong khoa thi năm Ất Sửu niên hiệu Thuần Phúc 4 (1465). Tuy nhiên khi các tiến sĩ tân khoa ra mắt, vua nhà Mạc thấy Hoàng Bồi thì thấp bé, một tân khoa nữa là Nguyễn Chi thì bị chột mắt – vua ngán ngẩm than rằng: “Nhân tài thế này thì thế nước còn được bao lâu?”, bèn không lấy đỗ cả hai người.

Không nản, khoa thi sau (1568), Hoàng Bồi lại dự thi và tiếp tục đỗ tiến sĩ. Với tài năng và quyết tâm khoa cử, vua nhà Mạc buộc phải công nhận ông.

16 đời sau của họ Hoàng tính từ đời cụ Quán Chi đều có người đỗ đạt cao. Đời thứ 17 có Hoàng Mạnh Lãng du học tại Pháp, làm phủ phán thống sứ Bắc kỳ, được Nam triều ban văn giai bát phẩm.

Bài 1: Những tộc họ nối tiếp “làng khoa bảng, đất tứ danh hương”

Bên cạnh họ Hoàng, họ Nguyễn cũng là một dòng họ lớn ở Hạ Yên Quyết với cụ thuỷ tổ Nguyễn Như Uyên. Cụ Nguyễn Như Uyên sinh năm 1436, khoa thi Kỷ Sửu, năm Quang Thuận thứ 10 (1469) cụ đỗ Đệ nhị giáp tiến sỹ (Hoàng giáp).

Cụ làm quan tới chức Thượng thư Bộ Lại, Chưởng lục Bộ sự (đứng đầu 6 Bộ) kiêm Quốc Tử Giám tế tửu (Hiệu trưởng trường Quốc Tử Giám), Nhập thị Kinh Diên (vào cung giảng sách cho vua). Khi cụ về về hưu, được phong tước Thái Bảo Liêm Quận Công và được vua ban cho đất đai an cư lập nghiệp ở làng Cót.

Sau cụ tổ Nguyễn Như Uyên, người thứ hai của họ đỗ đại khoa là cụ Nguyễn Xuân Nham, ông đỗ Đồng tam giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Mùi, năm Cảnh Thống thứ hai (1499), làm quan tới chức Hình bộ Đô cấp sự trung. Vị đại khoa thứ ba của dòng họ là Nguyễn Khiêm Quang tự là Dưỡng Hối, thụy là Lỗ Khê, đỗ Tiến sĩ khoa Quý Mùi, niên hiệu Thống Nguyên năm thứ hai (1523) triều Lê…

Họ Nguyễn có nhiều đời đỗ tiến sĩ, ngoài ra dòng họ này còn có 33 người đỗ cử nhân, tú tài được bổ làm Tri huyện, Giám trường ở các nơi.

Bài 1: Những tộc họ nối tiếp “làng khoa bảng, đất tứ danh hương”

May mắn gặp được hậu bối của thuỷ tổ Nguyễn Như Uyên ở tại con phố xưa, ông Nguyễn Trung Thanh cho biết, dòng họ Nguyễn với truyền thống Thi thư khoa bảng hình như chưa bao giờ mai một nơi đây. Với dòng tộc họ Nguyễn, rạng danh của cụ tổ Nguyễn Như Uyên luôn chiếu rọi đến mọi đời con cháu mà các bậc trưởng bối như ông có trách nhiệm gìn giữ và nối tiếp.

Chỉ cho tôi tấm khung ảnh mạ vàng trang trọng ở giữa phòng khách, ông Nguyễn Trung Thanh cho biết, trong đó là trang sử của “Đại Việt lịch triều danh khoa lục” có ghi về cụ tổ Nguyễn Như Uyên.

Khẽ khàng gấp nhẹ chiếc khăn bông mỏng, tỉ mẩn lau từng góc cạnh tấm khung chứa minh chứng lịch sử, ông Nguyễn Trung Thành nói chuyện với giọng đầy tự hào. “Đời nào cũng thế, “hiền tài là nguyên khí của Quốc gia”… Nguyên khí được lưu truyền, được nuối tiếp từ lịch sử đến hiện tại là cái mà chúng tôi đang cố gắng gìn giữ.”

Rồi ông ra bàn, dở từng cuốn gia phả đã dày đến hơn 600 trang, trong đó ghi lại tất cả những thành viên của tộc Nguyễn Như Uyên với 17 chi họ ở ba làng, với tổng số hơn 1000 suất đinh.

Ông Nguyễn Trung Thanh cho rằng, đối với dòng họ đã có từ lâu đời và trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, có những biến động bất thường qua từng thời đại trong thời gian hơn 600 năm, việc giữ gìn gia phả và những tài liệu liên quan đến dòng họ không dễ dàng chút nào chứ chưa nói đến việc phải tiếp tục viết bổ sung thêm những phần tiếp theo trong sự phát triển của dòng họ trong từng giai đoạn. Thế nhưng chẳng phải vì thế mà không làm. Phải làm, phải gìn giữ để con cháu mai sau biết nguồn, biết cội, biết gốc gác gia tiên…

Ông Nguyễn Trung Thanh chỉ tiếp, bên cạnh cuốn gia phả, đó là “gia quy”, cuốn quy chế sinh hoạt, ứng xử và hoạt động của dòng họ.

“Quốc có quốc pháp, gia có gia quy”, một nước lớn hay nhỏ, dù ở chế độ quân chủ phong kiến hay chế độ xã hội chủ nghĩa cũng có những quy định, thể chế theo từng thời kỳ cụ thể để đảm bảo bộ máy điều hành thống nhất chung trong Quốc gia. Đó là luật pháp…”

Bài 1: Những tộc họ nối tiếp “làng khoa bảng, đất tứ danh hương”

Cũng như gia phả, trong tập quy chế của dòng họ cũng là sự nối tiếp và kế thừa từ truyền thống đến hiện đại. Quy chế nhắc nhở các thành viên trong dòng họ nhớ ngày giỗ Tổ với nề nếp chung về việc tham dự, về nghi thức… Việc có mặt trong ngày giỗ tổ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ngoài việc nó giúp mọi người gắn kết, buổi lễ này còn có ý nghĩa nhắc nhở con cháu nguồn cội, vinh danh của dòng tộc.

Để gìn giữ truyền thống khoa bảng, trong quy chế dòng họ đặc biệt lập ra Tiểu ban khuyến học. Tiểu ban này có nhiệm vụ tuyên truyền giáo dục truyền thống khoa bảng, tổ chức tuyên truyền gương người tốt, học tốt của các thành viên trong dòng họ. Đồng thời phát động sâu rộng phong trào khuyến học trong toàn dòng họ.

“Tiểu ban này có kế hoạch phát phiếu điều tra trình độ học vấn trong phạm vi cả họ để nắm bắt cụ thể tình hình học lực, dân trí của các chi. Nắm bắt tình hình học tập của từng năm học, có công tác tổng kết hàng năm, cuối năm tổ chức biểu dương, khen thưởng…” – theo ông Nguyễn Trung Thanh.

Trong nhiều năm qua, tiếp nối truyền thống khoa bảng của các hiền tài đi trước, dòng họ Nguyễn sau này. Cho đến nay, trong dòng họ đã có 240 cử nhân, gần 30 thạc sĩ và 6 Tiến sĩ ở môi trường công tác khác nhau.

“Đây cũng được coi là hướng đi đúng đắn cuả dòng họ trong thời kỳ hiện tại và cũng là phương hướng duy trì, phát triển truyền thống khoa bảng của dòng họ Nguyễn Như Uyên” – ông Nguyễn Trung Thanh nói.

Bài 1: Những tộc họ nối tiếp “làng khoa bảng, đất tứ danh hương”

Cũng giống như tộc họ Nguyễn, gia tộc họ Hoàng cũng lưu giữ cho mình những quy ước của dòng họ. Ông Hoàng Minh Khoa cho rằng, truyền thống gia tộc là di sản quý báu về công tích, sự nghiệp của tiền nhân để lại cho con cháu, thể hiện tình thương và trách nhiệm của những người có cùng huyết thống trải qua nhiều thế hệ mà con cháu chúng ta phải có nhiệm vụ tôn trọng, giữ gìn, bổ sung, lưu truyền mãi mãi. Chính vậy, quy ước của dòng tộc đưa ra, yêu cầu con cháu phải tuyệt đối tuân thủ.

Bài 1: Những tộc họ nối tiếp “làng khoa bảng, đất tứ danh hương”

Theo ông Hoàng Minh Khoa, để phát huy hiệu quả mô hình theo quy ước của dòng họ, những người đứng đầu các nhánh, phái, bậc cao niên phải có trách nhiệm trong việc tôn trọng, giữ gìn và phát huy truyền thống gia tộc. Noi dấu tiền nhân sống biết tôn trọng đạo lý, trên thuận dưới hòa, kính trên nhường dưới, thật sự yêu thương đùm bọc, nhắc nhở, giúp đỡ nhau làm tròn nghĩa vụ đối với gia đình, gia tộc và xã hội.

Đối với mỗi gia đình thì các bậc cha mẹ phải chịu trách nhiệm trước họ tộc về những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật của các thành viên trong gia đình và người thân. Mỗi cá nhân phải tự cam kết không vi phạm pháp luật và thực hiện nghiêm túc các quy ước dòng họ đề ra, không mê tín dị đoan, bài trừ các hủ tục lạc hậu, phòng, chống tệ nạn xã hội.

“Để khuyến khích con cháu học tập, lập thân, lập nghiệp, từng bước Tộc sẽ vận động lập quỹ khen thưởng và hằng năm có trích một phần để khen thưởng khích lệ, giúp đỡ cho các cháu có thành tích. Trước khi vào năm học mới Tộc sẽ họp mặt các cháu ở các độ tuổi tại nhà thờ họ đường để dặn dò, động viên.

Đồng thời ghi nhận và biểu dương công trạng của các con cháu khi thành đạt. Coi việc có nhiều con cháu làm giàu chính đáng là niềm tự hào của dòng tộc, đồng thời cũng có biện pháp dạy bảo, khuyên răn những người ngại khó, ngại khổ, thiếu ý chí, quyết tâm phấn đấu trong học tâp, lập thân, lập nghiệp” – ông Hoàng Minh Khoa chia sẻ.

Kỷ cương trong gia đình, kỷ cương trong dòng họ và kỷ cương ngoài xã hội là những quy ước mà trong thời gian qua các dòng họ ở làng Hạ Yên Quyết làm được. Minh chứng rõ nét cho vấn đề này chính là sự đồng thuận của dòng họ trong giải quyết các vấn đề nảy sinh liên quan đến đời sống xã hội…

(Còn nữa)

Bài 1: Những tộc họ nối tiếp “làng khoa bảng, đất tứ danh hương”
Bài 1: Những tộc họ nối tiếp “làng khoa bảng, đất tứ danh hương”