Thứ bảy 11/05/2024 19:58

Phát triển phong trào đọc sách trong thiếu nhi

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Những năm gần đây, các cấp, ngành, đơn vị chức năng đã có nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy văn hóa đọc trong các em thiếu nhi như xây dựng thư viện trong nhà trường, khu dân cư; tổ chức ngày hội sách thiếu nhi; đổi mới xuất bản sách cho trẻ em… đã và đang tạo sân chơi, kết nối tình yêu sách của các em thiếu nhi.

Chia sẻ tình yêu với sách

Cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em” lần thứ X - năm 2020 cũng là dấu mốc “Một thập kỷ vì văn hóa đọc cho thiếu nhi” của Ban tổ chức, nhằm đồng hành và khơi dậy văn hóa đọc trong các em nhỏ. Con số gần 10.000 bài dự thi của học sinh ở Hà Nội và nhiều tỉnh, TP trên cả nước là minh chứng cho thấy, sau 10 năm liên tục tổ chức, cuộc thi đã trở thành sân chơi quen thuộc, có sức hút và lan tỏa. Tổng Biên tập báo Phụ nữ Thủ đô Lê Quỳnh Trang cho biết, cuộc thi được khởi xướng nhằm cổ vũ học sinh đọc sách, viết cảm thụ về cuốn sách mà các em yêu thích. Tùy khả năng viết của mỗi em, song việc tìm đọc, hình thành thói quen đọc sách sẽ giúp các em có nhiều cơ hội tiếp cận tri thức, góp phần trau dồi trí tuệ, tâm hồn và nhân cách.

Nhận giải Nhất của cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em” lần thứ X - năm 2020, em Hoàng Minh Phúc, lớp 8A3, trường THCS Trung Hòa (quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Trước đây, em hay giải trí bằng những thiết bị công nghệ hiện đại. Từ ngày đọc sách và chọn được những cuốn sách hay như tiểu thuyết “Dòng sông thơ ấu” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, em đã thay đổi thói quen. Đọc sách giúp em thêm yêu quý từng góc phố, từng con sông và thêm yêu con người, đất nước Việt Nam”.

Tương tự, cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc" năm 2020 do Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch) tổ chức, nhằm khuyến khích các em nhỏ chia sẻ về cuốn sách hay và phương pháp đọc sách hiệu quả, cũng đã bước vào vòng chung kết. Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020 là hoạt động dành cho các em học sinh, sinh viên, bao gồm cả người khiếm thị với mục đích khơi dậy hứng thú, niềm đam mê đọc sách đối với lứa tuổi thanh thiếu niên nhi đồng.

Các em học sinh, sinh viên tham gia cuộc thi sẽ được lựa chọn các câu hỏi về chia sẻ cuốn sách yêu thích, phương pháp đọc hiệu quả, sáng tác tác phẩm hoặc viết tiếp lời cho một câu chuyện, đề ra kế hoạch và biện pháp khuyến đọc… và trình bày bài dự thi theo một trong hai hình thức viết hoặc quay clip, bằng tiếng Việt hoặc song ngữ Việt-Anh. Được phát động từ tháng 2 năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và giãn cách xã hội, đến nay vòng sơ khảo đã kết thúc với sự tham gia của gần 1 triệu học sinh, sinh viên.

Có một số đơn vị có số lượng bài dự thi đông như: Nghệ An, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Cần Thơ, Hưng Yên... và Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Trước đó, đã có hơn 1.000 bài dự thi gửi về tham dự vòng chung kết, trong đó có hơn 1.000 bài dự thi bằng văn bản, hơn 100 bài dự thi là clip thể hiện thuyết trình của các em về chia sẻ các cuốn sách hay và phương pháp đọc sách.

Cùng với đó, Cuộc thi “Đọc sách vì tương lai” có mục đích tôn vinh giá trị, khẳng định vai trò của sách trong học tập, rèn luyện, phát triển kỹ năng xã hội cho thiếu nhi; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong tổ chức các hoạt động hỗ trợ trẻ em hình thành những giá trị nhân văn cao cả.Với chủ đề “Em yêu Tổ quốc Việt Nam”. Ban Tổ chức mong muốn các cây bút nhỏ tuổi tập trung sáng tác các tác phẩm gắn với việc thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiếu nhi; thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào về Tổ quốc Việt Nam tươi đẹp.

phat trien phong trao doc sach trong thieu nhi
Việc hình thành thói quen đọc sách từ bé giúp các em thành công sau này.

Khuyến khích triển khai nhiều cuộc thi bổ ích

Đặc biệt, qua các cuộc thi cho thấy, việc đọc của các em nhỏ rất phong phú, lành mạnh, hữu ích với phần lớn tác phẩm nói về lịch sử cách mạng, anh hùng dân tộc, tác phẩm kinh điển, truyện cổ tích, tấm gương vượt khó, tình thầy trò, tình cảm gia đình và các mối quan hệ xã hội…

Theo các chuyên gia, đọc sách và có thói quen đọc sách ngay từ nhỏ không chỉ đem đến tri thức, mà còn nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách cho các em bước vào đời, trở thành người có ích. Vì thế, việc thường xuyên tổ chức những cuộc thi chia sẻ cảm nhận về sách sẽ kích thích các em nhỏ đọc nhiều sách, tích cực tìm hiểu về những cuốn sách mới, độc đáo, có giá trị. Từ đó, phong trào đọc sách trong thiếu nhi lan rộng, phát triển.

Việc khuyến khích học sinh đọc sách, tham gia các cuộc thi viết về cuốn sách yêu thích, tạo phong trào sôi nổi, như trường THCS Đức Thắng (quận Bắc Từ Liêm), trường tiểu học Thanh Am (quận Long Biên)…

Vượt khỏi khuôn khổ các cuộc thi, mới đây, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Vụ Thư viện phối hợp tuyển chọn những bài thi xuất sắc từ cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” để biên soạn, xuất bản thành bộ sách, trong đó có các bài viết về cuốn sách hay, sáng kiến khuyến đọc. Đây là một biện pháp để lan tỏa rộng hơn tình yêu sách và phong trào đọc sách trong thiếu nhi. Cùng với đó, cần khuyến khích các đơn vị, tổ chức duy trì, triển khai nhiều cuộc thi tìm hiểu, chia sẻ về sách nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa đọc từ các sân chơi trong thiếu nhi.

Việc hình thành thói quen đọc sách ngay trên ghế nhà trường sẽ giúp mỗi người có kỹ năng nắm bắt thông tin nhanh nhạy, trở thành lợi thế trong công việc sau này. Không chỉ từng cá nhân, nhiều trường học, địa phương đã tích cực động viên, khuyến khích học sinh đọc sách, tham gia các cuộc thi viết về cuốn sách yêu thích.

Anh Hùng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động