Phân quyền cho Hà Nội chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPhân quyền cho Hà Nội trong hoạt động chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng các loại sang mục đích khác là thực sự cần thiết. Ảnh: Khánh Huy |
Góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), PGS.TS Nguyễn Thị Nga, trường ĐH Luật Hà Nội cho biết, theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn TP Hà Nội hiện còn 165.593 ha đất trồng lúa, tập trung tại 23 quận, huyện thị xã; năm 2023, dự kiến TP Hà Nội thực hiện chuyển đổi hơn 3.838 ha đất trồng lúa; đến năm 2025 sẽ tiếp tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa và giảm diện tích đất trồng lúa còn 140.000ha. Đối với đất rừng các loại hiện nay, Hà Nội có hơn 27.162,04 ha, trong đó: 11.000 ha rừng đặc dụng, gần 5.822 ha rừng phòng hộ, 10.332 ha rừng sản xuất và diện tích đất lâm nghiệp chưa thành rừng là hơn 7.538 ha phân bố ở 7 huyện, thị xã (Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Sóc Sơn và Sơn Tây) và nhiều dự án đầu tư của TP được phê duyệt trong thời gian qua phải chuyển mục đích sử dụng đất rừng. Khi đất trồng lúa, đất rừng các loại được chuyển sang mục đích khác sẽ dẫn đến tình trạng lao động nông thôn mất việc, các vấn đề như quyền lợi, ổn định đời sống người dân cũng như vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và an ninh, quốc phòng càng trở nên phức tạp.
Do đó, hoạt động chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng các loại sang mục đích khác phải có sự kiểm soát chặt chẽ từ phía chính quyền địa phương. Điều này đã được cụ thể hoá trong Luật Đất đai 2013, Luật Thủ đô năm 2012 thông qua các quy định về thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng các loại sang mục đích khác. Tuy nhiên, công tác quản lý đất đai nói chung, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng các loại sang mục đích khác còn nhiều hạn chế, nhiều dự án lớn chậm được triển khai… đã gây lãng phí nguồn lực đất đai.
Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ đặt ra trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là “khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực từ đất đai, tài nguyên gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội”. Trên cơ sở tinh thần của Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được lấy ý kiến đã có nhiều sửa đổi trực tiếp về các quy định phân quyền cho TP trong hoạt động chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng các loại sang mục đích khác nhằm hướng đến mục tiêu sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, để Thủ đô Hà Nội xứng đáng với vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt và trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
PGS.TS Nguyễn Thị Nga đã đưa ra nhiều góp ý về Điều 30. Quản lý, sử dụng đất đai trong Dự thảo Luật thủ đô (sửa đổi). Theo đó, bà cho rằng, cần phân quyền cho TP Hà Nội như thẩm quyền chấp thuận, quyết định và có cơ chế đặc thù trong hoạt động chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng các loại sang mục đích khác. Bởi lẽ, việc sửa đổi Luật Thủ đô có những quy định cụ thể là thực sự cần thiết vì đây không chỉ tạo được cơ chế pháp lý chặt chẽ trong quá trình chấp thuận và quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng các loại sang mục đích khác của chính quyền TP Hà Nội mà quan trọng hơn là vấn đề bảo đảm được tính hiệu quả trong quá trình sử dụng đất của người dân.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại