Thứ hai 25/11/2024 07:03

Phấn đấu thông tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1 trong năm 2025

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 14/11, trong chương trình công tác tại hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới khảo sát thực địa, thị sát, kiểm tra tiến độ thi công Dự án đường cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh và Dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng.
Thủ tướng kiểm tra việc thi công cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh trên địa phận tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Văn Duẩn
Thủ tướng kiểm tra việc thi công cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh trên địa phận tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Văn Duẩn

Về phía lãnh đạo tỉnh có các đồng chí: Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành.

Về phía nhà đầu tư (doanh nghiệp DA) có ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả và các đơn vị liên quan.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã trực tiếp đến công trường thi công tại km 83 + 900 nút giao IC 05, xóm Lũng Luông, xã Hạnh Phúc (Quảng Hòa). Nhà thầu thi công hiện đang huy động 80 máy móc thiết bị và trên 200 nhân công tiến hành đào đắp nền đường, thi công hệ thống thoát nước, đúc cấu kiện các hạng mục cầu vượt sông, suối, hầm chui dân sinh.

Tiếp đó, Thủ tướng đến công trường Hầm xuyên núi phía Tây - hầm Đông Khê thuộc địa phận xóm Bản Néng, xã Thụy Hùng (Thạch An). Đây là địa điểm đã diễn ra Lễ khởi công xây dựng Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) đầu năm 2024. Doanh nghiệp Dự án bắt đầu mở cửa hầm vào cuối tháng 6/2024, huy động trên 300 nhân công, đầu xe, máy, thiết bị, thi công tịnh tiến 4 mũi liên tục 3 ca/ngày. Đến nay, nhánh hầm phải đã cán mốc khoan thông 300 m, đào đến đâu gia cố đến đó. Nhờ tăng cường máy móc chuyên dụng, kỹ sư công nhân có kinh nghiệm nhiều năm trong thi công hầm, tiến độ hầm số 2 đang vượt kế hoạch khoảng 1 tháng, dự kiến thông cả 2 nhánh hầm trước tết Nguyên đán Ất Tỵ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo về tiến độ dự án. Ảnh: baocaobang.vn
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo về tiến độ dự án. Ảnh: baocaobang.vn

Tại buổi làm việc chiều 14/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sau khi đi thị sát, kiểm tra buổi sáng cùng ngày, Thủ tướng rất hài lòng với tiến độ triển khai dự án. Thủ tướng nhấn mạnh, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để làm sao trong năm 2025 hoàn thành việc thông tuyến giai đoạn 1, với tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi".

Về Dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh có tổng chiều dài 121km, được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư hơn 23.000 tỷ đồng.

Giai đoạn 1, cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh được đầu tư với chiều dài hơn 93km. Điểm đầu tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Điểm cuối tại nút giao quốc lộ 3 (xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng). Với tổng mức đầu tư là 14.114 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước chiếm tỷ lệ 69,43%, tương đương 9.800 tỷ đồng, dự án này đã được hoạch định sẽ hoàn vốn trong khoảng thời gian 22 năm 4 tháng. Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Cao Bằng đến Hà Nội và ngược lại từ 6-7 giờ xuống còn khoảng 3,5 giờ.

Giai đoạn 2 của dự án sẽ bao gồm việc mở rộng tuyến hiện có dài 93,35km với tổng mức đầu tư 3.839 tỷ đồng và xây dựng mới tuyến kết nối cửa khẩu Trà Lĩnh dài 27,71km với tổng mức đầu tư 5.107 tỷ đồng.

Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng toàn dự án đạt 87,4/93,35km (tương đương 93,6%) trong đó tỉnh Cao Bằng đạt 41,1/41,55km (tương đương 99%), tỉnh Lạng Sơn đạt 46,3/51,8km (tương đương 90%). Hai tỉnh đồng lòng phấn đấu đến hết tháng 12 sẽ bàn giao 100% mặt bằng của dự án.

Với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương” thi công “3 ca 4 kíp”, các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, nhà thầu thi công đã huy động 1.020 nhân sự, 357 máy móc thiết bị, triển khai 36 mũi đồng loạt tiếp cận, tổ chức thi công ngày đêm khi các phân đoạn mặt bằng được bàn giao. Hiện Dự án đã giải ngân được 1.429 tỷ đồng các nguồn vốn bao gồm vốn ngân sách Nhà nước, vốn nhà đầu tư huy động và 120 tỷ đồng vốn tín dụng.

Dự kiến tổng sản lượng hoàn thành trong năm 2024 là 1.010 tỷ đồng, tổng giải ngân các nguồn vốn đạt 2.000 tỷ đồng làm nền tảng cho việc quyết tâm thông tuyến trong năm 2025.

Tại buổi làm việc, liên danh nhà đầu tư kiến nghị Thủ tướng trong tháng 11/2024 phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tăng tỉ lệ vốn NSNN hỗ trợ lên tối đa 70% tổng mức đầu tư theo Nghị quyết 106 năm 2023 của Quốc hội.

Thống nhất đầu tư giai đoạn 2 toàn tuyến theo hình thức đối tác công - tư (PPP), đồng thời áp dụng cơ chế tương tự như giai đoạn 1, là vốn NSNN hỗ trợ 70% tổng mức đầu tư; lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu; cơ chế đặc thù về khai thác khoáng sản; hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ ngân hàng VDB.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát, kiểm tra tiến độ thi công hầm Đông Khê trên tuyến cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh. Ảnh: Trần Hải
Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát, kiểm tra tiến độ thi công hầm Đông Khê trên tuyến cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh. Ảnh: Trần Hải

Về Dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng dài 60km, với tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng, đi qua địa bàn các huyện Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng và thành phố Lạng Sơn. Sau khi hoàn thành đi vào hoạt động, Dự án sẽ kết nối các cửa khẩu Hữu Nghị-Cốc Nam-Tân Thanh đến các trung tâm kinh tế Hà Nội-Bắc Giang-Bắc Ninh, rút ngắn thời gian kết nối ra các cảng biển tại khu vực Hải Phòng-Quảng Ninh, góp phần tăng cường thông thương trong nước và quốc tế, cùng tuyến cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh đồng bộ toàn mạng lưới cao tốc phía bắc, nâng cao hiệu quả vận hành khai thác chung. Dự án do Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn làm cơ quan có thẩm quyền, Liên danh Công ty Xây dựng Đèo Cả-Tập đoàn Đèo Cả-Công ty Xây dựng công trình 568-Công ty Lizen làm nhà đầu tư thực hiện.

Theo báo cáo của doanh nghiệp dự án, mặt bằng được địa phương bàn giao 39,9/59,87 km (đạt 67%), phấn đấu đến hết tháng 12/2024 sẽ bàn giao 100% mặt bằng. Dự án đã huy động 570 nhân sự, 350 đầu xe máy móc thiết bị, triển khai 30 mũi thi công theo các phân đoạn mặt bằng được bàn giao. Dự án đã giải ngân 690 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước và vốn nhà đầu tư huy động. Dự kiến tổng sản lượng hoàn thành trong năm 2024 là 595 tỷ đồng, tổng giải ngân các nguồn vốn (bao gồm giải phóng mặt bằng) đạt 1.450 tỷ đồng. Giữa tháng 10, doanh nghiệp dự án cùng các nhà thầu cùng phát động phong trào thi đua 100 ngày đêm đẩy nhanh tiến độ dự án.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng, doanh nghiệp dự án thăm, động viên, tặng quà cho công nhân thi công cao tốc Đồng Đăng Tr.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng, doanh nghiệp dự án thăm, động viên, tặng quà cho công nhân thi công cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Ảnh: Văn Duẩn

Doanh nghiệp dự án đề xuất các cấp có thẩm quyền thống nhất điều chỉnh tăng tỷ lệ vốn ngân sách Nhà nước tham gia Dự án lên 70% tổng mức đầu tư để tăng tính khả thi phương án tài chính (tương tự dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh, cùng đi qua khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023).

Đặc biệt, kiến nghị Chính phủ kiến nghị Quốc hội bổ sung quy định cho phép vốn ngân sách Nhà nước tham gia, hỗ trợ trong giai đoạn khai thác đối với dự án BOT ký hợp đồng trước thời điểm Luật PPP ban hành, bị sụt giảm doanh thu do những nguyên nhân khách quan.

Trong đó có dự án cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ hỗ trợ vốn ngân sách Nhà nước 4.600 tỷ đồng cho dự án. Điều này tạo cơ sở để ngân hàng TPBank xác định thời điểm ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 2.500 tỷ đồng.

Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành 3 nhiệm vụ về hỗ trợ nhà ở, xóa nhà tạm, nhà dột nát
Hỗ trợ tái định cư cho người dân, trên tinh thần chỗ ở mới bằng hoặc tốt hơn chỗ ở cũ
Mây Hạ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động