Thứ sáu 20/09/2024 12:58

Phải truy tố người thực hiện hành vi tội phạm nếu không dẫn độ đến một quốc gia khác

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Các quốc gia thành viên khi có căn cứ cho rằng một người thực hiện hoặc có liên quan tới bất kỳ hành vi/tội phạm theo quy định của bất kỳ quốc gia thành viên nào, hiện đang có mặt ở trên lãnh thổ của mình thì phải tiến hành bắt giữ và thực hiện các biện pháp cần thiết khác như các biện pháp ngăn chặn, các biện pháp điều tra theo quy định của pháp luật nước mình.
Phải truy tố người thực hiện hành vi tội phạm nếu không dẫn độ đến một quốc gia khác. Ảnh minh họa
Phải truy tố người thực hiện hành vi tội phạm nếu không dẫn độ đến một quốc gia khác. Ảnh minh họa

Nguyên tắc “hoặc dẫn độ, hoặc truy tố”

Nguyên tắc “hoặc dẫn độ, hoặc truy tố” (“aut dedere, aut judicare”) là một nguyên tắc phổ biến trong pháp luật quốc tế được sử dụng nhằm tránh bỏ lọt tội phạm. Theo nguyên tắc này, một quốc gia sẽ phải truy tố người đã thực hiện hành vi tội phạm nghiêm trọng nếu như không dẫn độ người này đến một quốc gia khác. Nguyên tắc này cũng đã được quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 6 của Công ước Chống tra tân như sau:

Khi người bị tình nghi thực hiện tội phạm quy định tại Điều 4 có mặt trên lãnh thổ của một quốc gia thành viên, sau khi kiểm tra thông tin về vụ việc và xét thấy cần thiết, quốc gia thành viên đó phải bắt giữ hoặc thực hiện những biện pháp hợp pháp khác cần thiết để đảm bảo sự có mặt của người này. Việc bắt giữ và các biện pháp hợp pháp khác phải tuân thủ pháp luật của quốc gia đó nhưng chỉ được thực hiện trong thời hạn cần thiết để tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự hoặc dẫn độ.

Quốc gia đó phải tiến hành ngay hoạt động điều tra sơ bộ về sự việc.

Như vậy, quy định này yêu cầu các quốc gia thành viên khi có căn cứ cho rằng một người thực hiện hoặc có liên quan tới bất kỳ hành vi/tội phạm theo quy định của bất kỳ quốc gia thành viên nào, hiện đang có mặt ở trên lãnh thổ của mình thì phải tiến hành bắt giữ và thực hiện các biện pháp cần thiết khác như các biện pháp ngăn chặn, các biện pháp điều tra theo quy định của pháp luật nước mình.

Tuy nhiên, khoản 3 và 4 Điều 6 cũng quy định những biện pháp bảo đảm quyền của người bị bắt giữ, tránh trường hợp quốc gia mà họ đang hiện diện lạm dụng quyền hạn của mình:

Người bị bắt giữ theo quy định tại khoản 1 Điều này phải được hỗ trợ để liên hệ ngay với người đại diện thích hợp gần nhất của quốc gia mà người đó là công dân, hoặc trong trường hợp người đó là người không quốc tịch thì liên hệ với đại diện của quốc gia mà người đó thường trú.

Khi quốc gia thành viên bắt giữ một người theo quy định của Điều này thì phải thông báo ngay cho các quốc gia liên quan quy định tại khoản 1 Điều 5 về việc bắt giữ cũng như những căn cứ của việc bắt giữ đó. Quốc gia thành viên đã tiến hành điều tra sơ bộ theo quy định tại khoản 2 Điều này phải thông báo ngay kết quả điều tra cho các quốc gia đã nêu trên và xác định rõ việc quốc gia đó có dự định thực thi quyền tài phán hay không”.

Theo các quy định này, quốc gia nơi thực hiện việc bắt, tạm giữ, tạm giam, tiến hành thẩm vấn (hỏi cung, lấy lời khai) người thực hiện hành vi tra tấn và có nghĩa vụ thông báo cho quốc gia mà người đó là công dân hoặc nơi người đó thường trú cuối cùng (trong trường hợp người đó là người không quốc tịch hoặc người nhiều quốc tịch) biết. Trong thông báo phải nêu rõ về biện pháp áp dụng đối với người đó và hành vi phạm tội mà người đó đã thực hiện. Nếu cơ quan có thẩm quyền tiến hành biện pháp pháp lý nào thì phải nêu rõ căn cứ, lý do áp dụng biện pháp đó và thông báo kết quả thẩm vấn cho quốc gia có liên quan nói trên. Đồng thời, quốc gia thực hiện việc bắt giữ có nghĩa vụ thông báo cho quốc gia mà người đó là công dân về thẩm quyền giải quyết vụ án của mình.

Nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của quốc gia đã thực hiện việc bắt giữ thì quốc gia đó tiếp tục giải quyết theo quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự; nếu không thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền thì giải quyết bằng điều ước quốc tế, thông lệ quốc tế hoặc con đường ngoại giao.

Trong quá trình giải quyết vụ việc, nếu người đó bị áp dụng các biện pháp giam giữ thì phải được quốc gia thực hiện biện pháp giam giữ đó giúp đỡ để liên lạc ngay với người đại diện thích hợp gần nhất của nước mà người đó là công dân, hoặc nếu người đó là người không quốc tịch hoặc nhiều quốc tịch thì được liên lạc với đại diện của nước mà người đó thường xuyên cư trú.

Hành vi tra tấn là một trong các tội được dẫn độ

Điều 8 của Công ước Chống tra tấn quy định trách nhiệm của các quốc gia thành viên cần phải quy định hành vi tra tấn là một hành vi tội phạm hình sự và cần phải coi đó là một tội trong các tội được dẫn độ. Điều này có thể được quy định trong pháp luật quốc gia hoặc trong các điều ước quốc tế song phương về dẫn độ giữa các thành viên của Công ước, cụ thể như sau:

Những tội phạm được quy định tại Điều 4 phải được coi là những tội phạm có thể bị dẫn độ trong các hiệp định về dẫn độ đã được ký kết giữa các quốc gia thành viên. Các quốc gia thành viên cam kết quy định những tội phạm này là tội phạm có thể bị dẫn độ trong các hiệp định về dẫn độ sẽ được ký kết.

Nếu một quốc gia thành viên thực hiện dẫn độ trên cơ sở điều ước quốc tế nhận được yêu cầu dẫn độ của một quốc gia thành viên khác mà giữa hai quốc gia không có hiệp định về dẫn độ thì có thể coi Công ước này là cơ sở pháp lý để dẫn độ đối với các tội phạm đó. Việc dẫn độ phải tuân thủ các điều kiện khác do pháp luật của quốc gia được yêu cầu quy định.

Các quốc gia thành viên thực hiện dẫn độ không trên cơ sở điều ước quốc tế phải công nhận các tội phạm này là tội phạm có thể bị dẫn độ và tuân theo những điều kiện do pháp luật của quốc gia được yêu cầu quy định.

Vì mục đích dẫn độ giữa các quốc gia thành viên, các tội phạm này sẽ bị xử lý như là chúng được thực hiện không những tại nơi xảy ra tội phạm mà còn tại lãnh thổ của các quốc gia được yêu cầu thiết lập quyền tài phán theo khoản 1 Điều 5”.

Trong trường hợp giữa hai thành viên Công ước chưa ký kết hiệp định về dẫn độ thì có thể coi Công ước là cơ sở pháp lý để thực hiện dẫn độ (khoản 2). Trong trường hợp này, việc thực hiện dẫn độ vẫn tuân thủ các quy định của pháp luật quốc gia. Với quy định như vậy, Công ước đề cao vai trò hợp tác giữa các thành viên của Công ước trong việc truy tố, xét xử đối với tội này thông qua hoạt động dẫn độ. Quy định này nhằm tạo thêm cơ sở pháp lý trong trường hợp các thành viên quy định việc dẫn độ phải dựa trên một điều ước quốc tế đã ký kết giữa các quốc gia với nhau.

Tuy nhiên, nếu nội luật của thành viên Công ước nào không đặt điều kiện việc dẫn độ phải dựa trên cơ sở điều ước quốc tế đã ký kết thì các thành viên cũng phải chấp nhận hành vi tra tấn phải là một hành vi cấu thành tội phạm hình sự sẽ bị dẫn độ và thực hiện việc dẫn độ theo quy định nội luật của thành viên đó (khoản 3 Điều 7).

Trong trường hợp tội phạm tra tấn đó xảy ra trên lãnh thổ của nhiều thành viên khác nhau thì các quốc gia phải cam kết những tội phạm đó chắc chắn phải bị xử lý.

Quốc gia thành viên phải thực thi quyền tài phán đối với tội phạm tra tấn
Các quốc gia thành viên phải thực hiện những biện pháp để ngăn chặn các hành vi tra tấn
Quang Trung
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động