Thứ bảy 23/11/2024 14:21

Các quốc gia thành viên phải thực hiện những biện pháp để ngăn chặn các hành vi tra tấn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Các quốc gia thành viên phải thực hiện những biện pháp lập pháp, hành chính, tư pháp hoặc những biện pháp hữu hiệu khác để ngăn chặn các hành vi tra tấn trên toàn bộ lãnh thổ thuộc phạm vi quyền tài phán quốc gia
Các quốc gia thành viên phải thực hiện những biện pháp để ngăn chặn các hành vi tra tấn
Các quốc gia thành viên phải thực hiện những biện pháp để ngăn chặn các hành vi tra tấn

Đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn chặn hành vi tra tấn

Điều 2 của Công ước Chống tra tấn quy định: Các quốc gia thành viên phải thực hiện những biện pháp lập pháp, hành chính, tư pháp hoặc những biện pháp hữu hiệu khác để ngăn chặn các hành vi tra tấn trên toàn bộ lãnh thổ thuộc phạm vi quyền tài phán quốc gia.

Không trường hợp ngoại lệ nào có thể được viện dẫn để biện minh cho hành vi tra tấn, kể cả tình trạng chiến tranh hoặc có nguy cơ chiến tranh, sự bất ổn định về chính trị trong nước hoặc các tình trạng khẩn cấp khác.

Mệnh lệnh của sĩ quan cao cấp hoặc một cơ quan công quyền cũng không thể được viện dẫn để biện minh cho hành vi tra tấn.”

Theo quy định này, các quốc gia thành viên có nghĩa vụ phải tiến hành đồng bộ các biện pháp lập pháp, hành pháp, tư pháp và các biện pháp khác nhằm ngăn chặn hành vi tra tấn trên phạm vi lãnh thổ thuộc quyền tài phán quốc gia một cách tuyệt đối.

Về biện pháp lập pháp: Công ước quy định các quốc gia thành viên có nghĩa vụ phải ghi nhận bằng pháp luật quyền không bị tra tấn của mọi công dân; nghiêm cấm hành vi tra tấn và phải quy định tra tấn là một tội phạm, bị xét xử với chế tài nghiêm khắc nhằm răn đe, ngăn ngừa hành vi tra tấn, bảo vệ tính mạng, danh dự và nhân phẩm của con người; đồng thời, ban hành mới hoặc chỉnh sửa các quy định hiện hành để các quy định pháp luật nội dung và tố tụng (hình thức) của quốc gia đều đảm bảo quyền không bị tra tấn cho tất cả mọi người trên lãnh thổ quốc gia.

Về biện pháp hành pháp: Công ước yêu cầu các quốc gia thành viên phải bảo đảm và tôn trọng quyền không bị tra tấn, trừng phạt hay đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm của mọi công dân, trong đó, đặc biệt lưu ý đến việc xây dựng các quy chuẩn đạo đức, nghề nghiệp cho các cán bộ, viên chức; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho các quan chức thực thi pháp luật để triệt tiêu các vi phạm pháp luật của các nhân viên công quyền nói chung và nhân viên hành pháp nói riêng.

Về biện pháp tư pháp: Công ước đòi hỏi các quốc gia thành viên phải bảo đảm thực hiện quyền không bị tra tấn, trừng phạt hoặc đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm của công dân trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Đây là những hoạt động có nhiều nguy cơ xảy ra hành vi tra tấn đối với bị can, bị cáo; người bị tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành án phạt tù. Do đó, các hoạt động tư pháp phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật để bảo đảm yêu cầu của Công ước; cùng đó, phải có hệ thống giám sát hiệu quả để đảm bảo tính khách quan, chính xác và kịp thời của các hoạt động tư pháp, hạn chế đến mức thấp nhất sự xâm hại đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

Các biện pháp khác: Công ước không quy định thế nào là các biện pháp khác nhưng có thể hiểu đây là nhóm biện pháp bao gồm phát triển kinh tế xã hội, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, thực hiện các chiến lược chăm sóc y tế, cải cách giáo dục, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật... có vai trò quan trọng hỗ trợ cho các biện pháp hành chính, tư pháp trong việc ngăn chặn các hoạt động tra tấn và góp phần không nhỏ trong loại bỏ hoàn toàn tra tấn thông qua việc nâng cao nhận thức, đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Theo quy định Công ước, hành vi tra tấn bị cấm tuyệt đối trong mọi trường hợp. Khoản 2 Điều 2 Công ước khẳng định rằng, không có bất cứ một trường hợp ngoại lệ nào, kể cả trong trường hợp một quốc gia đang trong tình trạng chiến tranh hoặc có nguy cơ chiến tranh, hoặc có sự bất ổn định về chính trị nội bộ hoặc bất cứ tình trạng khẩn cấp chung nào có thể biện hộ cho hành động tra tấn. Lịch sử thế giới đã ghi nhận trong các cuộc chiến tranh, nhiều chính quyền quốc gia, để có được các thông tin tình báo hoặc thông tin khác liên quan đến hoạt động của đối phương, thường áp dụng các biện pháp tra tấn đối với tù binh hoặc thường dân. Các chính quyền này cũng biện hộ rằng việc tra tấn này là nhằm có được thông tin để ngăn chặn những thiệt hại lớn hơn có thể xảy ra. Tuy nhiên, những biện hộ như vậy là trái với quy định tại khoản 2 Điều 2 Công ước và đi ngược lại mục đích của Công ước là loại bỏ hoàn toàn hành vi tra tấn ra khỏi đời sống nhân loại.

Bên cạnh đó, Công ước cũng quy định không được viện dẫn mệnh lệnh của một sĩ quan cao cấp hoặc một cơ quan công quyền để biện minh cho hành vi tra tấn (khoản 3 Điều 2), quy định này có thể được hiểu như sau:

Bất kỳ một sĩ quan, quan chức, hoặc nhân viên công quyền nào đều không có quyền ra mệnh lệnh trừng phạt hay đối xử tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người;

Mọi mệnh lệnh, yêu cầu (nếu có) của sĩ quan, quan chức, hoặc nhân viên công quyền về việc tra tấn, trừng phạt hay đối xử tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người đều không có hiệu lực thi hành;

Không được chấp hành mệnh lệnh, yêu cầu (nếu có) của sĩ quan, quan chức, hoặc nhân viên công quyền để tra tấn, trừng phạt hay đối xử tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người;

Mọi hành động tra tấn, trừng phạt hay đối xử tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người do chấp hành mệnh lệnh, chỉ đạo, yêu cầu của cấp trên một cách mù quáng đều bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Không thể dùng mệnh lệnh, chỉ đạo của cấp trên để biện minh cho hành động tra tấn.

Nghĩa vụ hình sự hóa hành vi tra tấn

Nhằm mục đích nghiêm cấm triệt để các hành vi tra tấn, Công ước quy định nghĩa vụ của các quốc gia thành viên phải hình sự hóa hành vi này để có thể áp dụng những hình phạt thích đáng, nhằm trừng phạt và răn đe những người thực hiện hành vi tra tấn. Nội dung này được quy định tại Điều 4 như sau:

Các quốc gia thành viên phải đảm bảo rằng mọi hành vi tra tấn đều là tội phạm theo pháp luật hình sự của nước đó. Quy định này cũng phải áp dụng đối với những hành vi chuẩn bị thực hiện việc tra tấn và hành vi đồng phạm hoặc tham gia vào việc tra tấn.

Các quốc gia thành viên phải trừng trị những tội phạm này bằng những hình phạt thích đáng tương ứng với tính chất nghiêm trọng của hành vi”.

Điều này yêu cầu các quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng mọi hành vi tra tấn đều bị coi là tội phạm và bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt nghiêm khắc. Theo đó, bất kỳ nhân viên công quyền hoặc người không phải là nhân viên công quyền nhưng được sự đồng ý hay chấp thuận của một nhân viên công quyền hoặc một người khác có quyền lực như một nhân viên công quyền trong khi thực thi công vụ mà trực tiếp hoặc gián tiếp gây đau đớn về thể xác hoặc tinh thần cho người khác với mục đích để lấy thông tin, trừng phạt, gây hoảng sợ, cưỡng bức hoặc vì lý do phân biệt đối xử đều trở thành chủ thể của hành vi tra tấn và đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Với quy định này, Công ước yêu cầu phạm vi hình sự hoá tương đối rộng, không chỉ hạn chế trong phạm vi hoạt động tố tụng hình sự mà về lý thuyết, hành vi tra tấn có thể xảy ra trong tất cả hoạt động có mang tính thực thi công quyền.

Tăng cường thực thi hiệu quả Công ước chống tra tấn
Công ước Chống tra tấn mang đậm dấu ấn tiến bộ của nhân loại
Dấu hiệu nhận biết hành vi tra tấn theo Công ước Chống tra tấn
Quang Trung
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động