Thứ năm 28/03/2024 19:22

Quốc gia thành viên phải thực thi quyền tài phán đối với tội phạm tra tấn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Quốc gia phát hiện người phạm tội tiến hành ngay việc bắt, giam giữ theo quy định của pháp luật nước mình và tuỳ từng trường hợp có thể thực hiện quyền tài phán của mình hoặc dẫn độ người đó cho quốc gia yêu cầu để quốc gia này thực hiện việc xét xử, hoặc thi hành án.
Quốc gia thành viên phải thực thi quyền tài phán đối với tội phạm tra tấn
Quốc gia thành viên phải thực thi quyền tài phán đối với tội phạm tra tấn

Trường hợp quốc gia thành viên không thực hiện dẫn độ thì theo nguyên tắc “hoặc dẫn độ, hoặc truy tố”, quốc gia thành viên phải thực thi quyền tài phán đối với tội phạm tra tấn bị phát hiện:

“1. Quốc gia thành viên phát hiện trên lãnh thổ thuộc phạm vi quyền tài phán quốc gia một người bị tình nghi đã thực hiện tội phạm quy định tại Điều 4, sẽ theo những trường hợp quy định tại Điều 5, nếu không dẫn độ người đó, phải chuyển vụ việc cho các cơ quan có thẩm quyền để truy tố.

2. Các cơ quan có thẩm quyền phải ra các quyết định với cùng cách thức như trong vụ án phạm tội thông thường có tính chất nghiêm trọng theo pháp luật quốc gia. Đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 5, yêu cầu về các chứng cứ cần thiết cho việc truy tố và kết án cũng phải chặt chẽ như với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 5.

3. Những người có liên quan đến bất kỳ tội phạm nào được quy định tại Điều 4 phải được đảm bảo đối xử công bằng trong tất cả các giai đoạn của quá trình tiến hành tố tụng”.

Theo quy định này, các quốc gia thành viên có trách nhiệm đặc biệt phải tiến hành các biện pháp hiệu quả và cần thiết về mặt lập pháp và hành pháp để đưa người phạm tội tra tấn ra trước công lý. Người nước ngoài phạm tội tra tấn có thể thuộc một trong những trường hợp sau:

Người đó là nhân viên công quyền nước ngoài thực hiện hành vi tra tấn (đối với công dân quốc gia đó hoặc công dân của quốc gia khác) trên lãnh thổ quốc gia phát hiện người đó;

Người đó thực hiện hành vi tra tấn trên lãnh thổ nước ngoài nhưng bỏ trốn đến quốc gia phát hiện và bị bắt giữ. Người phạm tội này có thể là công dân của quốc gia phát hiện, cũng có thể là công dân của quốc gia nơi tội phạm được thực hiện hoặc một nước thứ ba.

Trong những trường hợp như vậy, quốc gia phát hiện người phạm tội tiến hành ngay việc bắt, giam giữ theo quy định của pháp luật nước mình và tuỳ từng trường hợp có thể thực hiện quyền tài phán của mình hoặc dẫn độ người đó cho quốc gia yêu cầu để quốc gia này thực hiện việc xét xử, hoặc thi hành án.

Trường hợp quốc gia thành viên không tiến hành trao trả, chuyển giao hoặc dẫn độ thì các cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đó có trách nhiệm phải tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm đưa người có hành vi tra tấn ra xét xử theo pháp luật tố tụng của. Khoản 2 Điều 7 quy định, trong trường hợp không dẫn độ mà tiến hành tố tụng theo thẩm quyền của quốc gia mình, việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với tội phạm này phải bảo đảm đúng trình tự tố tụng, phán quyết phải công bằng, công minh như những tội phạm khác.

Để bảo đảm xử lý rộng nhất tội phạm tra tấn, quyền tài phán của tòa án đã được Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định cụ thể và phù hợp với tinh thần của pháp luật quốc tế về phòng, chống tra tấn. Cụ thể như sau:

Đối với hành vi tra tấn được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam

BLHS được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội, trong đó có các hành vi có tính chất tra tấn theo Bộ luật Hình sự xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam không kể là các hành vi phạm tội đó do công dân Việt Nam hay người nước ngoài thực hiện. Quy định này cũng được áp dụng đối với hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam hoặc tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam (khoản 1 Điều 5)

Đối với người nước ngoài thực hiện hành vi phạm tội mang tính chất tra tấn trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao (khoản 2 Điều 5). Đây là nội dung mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 so với Bộ luật năm 1999.

Đối với hành vi tra tấn được thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam

Công dân Việt Nam hoặc người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam có hành vi phạm tội nói chung và hành vi có tính chất tra tấn nói riêng ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà Bộ luật này quy định là tội phạm, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo quy định của Bộ luật Hình sự (khoản 1 Điều 6).

Người nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự trong trường hợp hành vi phạm tội xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam hoặc theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Tòa án nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quyền xét xử về hành vi phạm tội đó (khoản 2 Điều 6). So với quy định của Bộ luật hình sự 1999, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung trường hợp hành vi phạm tội xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam.

Đối với hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển không mang quốc tịch Việt Nam đang ở tại biển cả hoặc tại giới hạn vùng trời nằm ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định (khoản 3 Điều 6). Đây cũng là nội dung mới bổ sung của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Như vậy, có thể thấy, các quy định liên quan của Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở bảo đảm nội luật hoá theo yêu cầu của UNCAT về chống tra tấn, bảo đảm các quyền, tự do cơ bản của con người thông qua các chế định về quyền tài phán và các tội phạm liên quan đến tra tấn.

Đảm bảo quyền khiếu nại, tố cáo của nạn nhân bị tra tấn
Cấm tra tấn và các biện pháp đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo
Trừng phạt hành vi tra tấn, đối xử vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người
Bảo vệ người làm chứng, người bị hại, người tố giác
Các tội danh liên quan trực tiếp đến hành vi tra tấn
Quang Trung
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động