Phải kiểm soát cơn giận trước hành vi sai của con
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBé gái tử vong trước khi đến BV
Ngày 17-9, CA quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết, đơn vị đã ra quyết định tạm giữ hình sự Lê Thành Công, 43 tuổi, trú tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm để điều tra vụ việc bé gái L.H.A, 6 tuổi, học sinh lớp 1A16 trường Tiểu học Xuân Đỉnh, là con của Công, tử vong bất thường.
Tại CQCA, bước đầu Lê Thành Công thừa nhận, khoảng 11g ngày 16-9 có đánh con gái mình. Đến khoảng 16g cùng ngày, mẹ cháu bé có cho cháu ăn cháo và uống 1 viên panadol thì cháu nôn nhiều nên đưa và BV Nhi Trung ương cấp cứu. Nhưng khi đến BV, bác sĩ xác nhận cháu bé đã tử vong ngoài BV và báo CA phường Láng Thượng, quận Đống Đa đến lập biên bản ghi nhận vụ việc.
Ngôi nhà nơi xảy ra sự việc |
Đến 15g chiều 17-9, công tác pháp y tử thi đã được các phòng nghiệp vụ CATP Hà Nội phối hợp với CQ CSĐT CA quận Bắc Từ Liêm và CA phường Láng Thượng thực hiện hoàn tất. Đồng thời căn nhà nơi cháu bé cùng gia đình sinh sống đã bị niêm phong để phục vụ công tác điều tra.
UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết, sau khi nhận được thông tin, đơn vị đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT quận, trường Tiểu học Xuân Đỉnh và UBND phường tìm hiểu, thăm hỏi, động viên gia đình.
Nỗi ân hận sẽ theo suốt cả cuộc đời
Theo dõi vụ việc trên, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, trường hợp kết quả điều tra xác minh cho thấy cháu bé tử vong do bị đánh đập bởi người nuôi dậy, chăm sóc thì vụ việc có dấu hiệu tội phạm. CQĐT sẽ khởi tố vụ án hình sự để tiến hành điều tra theo quy định pháp luật.
CQĐT sẽ làm rõ những vết bầm tụ ngoài da của cháu bé là do vật gì gây nên và diễn ra trong hoàn cảnh như thế nào, ai là người chăm sóc, nuôi dưỡng cháu bé; nguyên nhân nào dẫn đến việc cháu bé tử vong. Ngoài việc xem xét các dấu vết trên cơ thể, thực hiện các thủ tục pháp y thì CQĐT cũng sẽ tiến hành triệu tập những người có liên quan, người làm chứng để làm rõ thông tin về vụ việc.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy hành vi đánh đập dẫn đến cháu bé tử vong thì đối tượng sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” theo Điều 123, BLHS năm 2015 với khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, với người mà người phạm tội có nghĩa vụ phải chăm sóc, nuôi dưỡng.
Cũng theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, trường hợp không phải là lỗi cố ý, không mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra, tuy nhiên người chăm sóc cháu bé đã có hành vi vô ý dẫn đến hậu quả nạn nhân tử vong thì người này cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vô ý làm chết người”. Hành vi vô ý hay cố ý sẽ phụ thuộc vào nhận thức, ý thức chủ quan của người chăm sóc cháu bé, tuy nhiên đều được xác định là hành vi có lỗi và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
“Đây là một vụ việc hết sức đau lòng, thể hiện nguy cơ mất an toàn đối với trẻ em ngay khi đang sống cùng gia đình. Hành vi bạo hành, bạo lực gia đình và các vụ tai nạn hoàn toàn có thể xảy ra nếu như người lớn, những người chăm sóc bảo vệ trẻ em vô ý, bất cẩn hoặc có những hành vi vi phạm pháp luật”, luật sư Nguyễn Hồng Thái phân tích.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái cũng cho biết, bạo lực trẻ em là sử dụng những hành vi bạo lực thể chất và bạo lực tâm lý gây tổn hại đến thể chất và tinh thần của trẻ em và Điều 37, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.
Chưa biết nguyên nhân sự việc như thế nào, tuy nhiên hậu quả cháu bé còn quá nhỏ tuổi tử vong như vậy đó là sự đau đớn, mất mát trong gia đình. “Nếu nguyên nhân là do cha mẹ cháu đánh tử vong thì câu chuyện sẽ trở thành bi kịch và nỗi đau này rất khó có thể nguôi ngoai. Đây là bài học cho việc chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em đối với các bậc làm cha, làm mẹ”, luật sư Nguyễn Hồng Thái nhấn mạnh.
Bà Ninh Thị Hồng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, khi phụ huynh đứng trước hành vi sai của con thì phải ứng xử cho phù hợp, có thể làm gì đó để xao nhãng tâm lý chứ không phải đánh đập, mắng mỏ con nhằm giải toả bực bội. Nếu không kiểm soát được sự giận dữ - “điểm sôi cảm xúc”, không ít phụ huynh sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và nỗi ân hận theo suốt cả cuộc đời. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại