Nữ sinh Hà Nội đạt điểm cao nhất kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPhương Thảo SN 2000. Em thích môn Sinh học bắt đầu từ năm lớp 9 khi xem các chương trình về thế giới động vật và khám phá khoa học. Các câu hỏi về các hiện tượng tự nhiên lúc nào cũng xuất hiện trong đầu Thảo, thôi thúc em chăm chỉ nghiên cứu, tìm hiểu giải đáp thắc mắc. Năm học lớp 9, Thảo đạt giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi môn Sinh TP Hà Nội. Thi lên THPT, Thảo đỗ thủ khoa đầu vào của lớp chuyên Sinh trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên.
Thành tích chưa dừng lại ở đó, Phương Thảo tiếp tục rinh về giải Nhì trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Sinh học. Sau đó, em vượt qua nhiều vòng thi để ghi tên mình vào đội tuyển Olympic Sinh học quốc tế.
Năm 2017, khi Thảo học lớp 11, em tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Sinh học và đạt giải Nhì. Với nhiều học sinh, đây là một giải thưởng rất cao nhưng Thảo lại không hài lòng về điều đó, bởi trước cuộc thi, em đặt ra mục tiêu giành giải Nhất. Thảo rất buồn khi không đạt được thành tích như bản thân kỳ vọng nhưng cũng nhanh chóng lấy lại tinh thần tập trung cho cuộc hành trình sau đó: Cuộc thi Olympic Sinh học quốc tế năm 2017.
Thảo là nữ sinh duy nhất của đoàn Việt Nam giành được HCB. Tại cuộc thi này năm nay, em đặt ra mục tiêu đổi màu huy chương. Cuối cùng, thành tích Thảo đạt được đúng như bản thân mong ước, thậm chí còn xuất sắc hơn ở chỗ Thảo là thí sinh đạt điểm cao nhất trong tổng số 261 thí sinh tham dự Olympic Sinh học quốc tế 2018.
Phương Thảo (thứ 2 từ trái sang) là thí sinh đạt điểm số cao nhất kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế 2018. Ảnh: NVCC |
Đánh giá về đề thi năm nay, Thảo cho biết, đề thi có sự phân hóa cao và cách chấm điểm cũng khắt khe hơn khiến các thí sinh gặp nhiều áp lực khi làm bài. Cụ thể là một bài lý thuyết gồm 50 câu, mỗi câu có 4 ý yêu cầu chọn trắc nghiệm đúng sai. Bình thường, nếu đúng 4 ý sẽ được trọn 1 điểm; 3 ý là 0,6 điểm; 2 ý là 0,2 và đúng 1 ý thì không được điểm. Tuy nhiên, theo quy định của năm nay, đúng 4 ý được trọn 1 điểm; 3 ý được 0,5; đúng 2 ý hay 1 ý đều là 0 điểm.
Khi được thông báo mình đạt được số điểm cao nhất cuộc thi, Thảo rất bất ngờ. Điều đầu tiên xuất hiện trong đầu em là hình ảnh thân thương của những người đã giúp đỡ, định hướng cho em, hình ảnh bản thân đã nỗ lực rất nhiều để có thể đổi màu huy chương. Nhờ kết quả xuất sắc của Thảo, đội tuyển Việt Nam lập kỷ lục khi lần đầu tiên đội tuyển tham dự các kỳ Olympic Sinh học quốc tế có điểm cao nhất của cuộc thi.
Chia sẻ về bí quyết học tập của mình, Thảo cho biết em học theo phương pháp hình ảnh hóa và sơ đồ hóa nhằm hệ thống, liên kết các kiến thức với nhau. Thảo thường dành thời gian giải các đề thi để tăng phản xạ, giúp em đưa ra những đáp án đầy đủ, chính xác và nhanh chóng trước các đề bài. Nơi gắn bó với Thảo nhất trong cuộc hành trình chinh phục các tấm huy chương chính là thư viện.
Không chỉ học trong sách vở hay các bài giảng của thầy cô, Thảo còn tích lũy các kiến thức qua các chương trình truyền hình về khám phá khoa học hay thế giới động vật. Theo Thảo, muốn học giỏi, sự thông minh thôi chưa đủ mà phải thật sự cần cù, không đầu hàng trước các thử thách, luôn lấy những thất bại là điểm tựa để tiến lên phía trước.
Về kỷ niệm sâu sắc khi đại diện Việt Nam tham gia kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế, Thảo cho biết em đã có cơ hội học tập, giao lưu với các thí sinh nước bạn. Những cuộc trò chuyện với các bạn đã giúp Thảo tự tin hơn trong giao tiếp bằng tiếng Anh, thôi thúc em có động lực học tiếng Anh hơn.
Cô Đỗ Thị Thanh Huyền, (Trưởng bộ môn Sinh học trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH quốc gia Hà Nội) cho biết, Thảo là một học sinh chăm ngoan, thông minh, học giỏi và đặc biệt tinh tế trong ứng xử với mọi người. Em luôn chủ động tìm tòi các phương pháp giải, ít khi đầu hàng trước các bài tập khó. Ưu điểm nổi trội của Thảo là vận dụng rất nhanh các phương pháp giải mà thầy cô dạy, sau đó tư duy những cách giải khác nhau.
Với thành tích là tấm HCV Olympic Sinh học quốc tế, Phương Thảo sẽ được tuyển thẳng vào một trường ĐH ở Việt Nam. Em cho biết, sẽ nộp đơn vào ĐH Khoa học tự nhiên, hệ cử nhân tài năng ngành Sinh học để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê khoa học. Với tài năng, sự thông minh, cần cù của mình, tin chắc rằng, trong tương lai, tài năng của Thảo sẽ ngày càng tỏa sáng.
Olympic Sinh học quốc tế lần thứ 29 – năm 2018 tổ chức tại Iran, có 71 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự với 261 thí sinh. Trong đó có 3 nước làm quan sát viên. Đoàn Việt Nam có 4 thí sinh tham gia, cả 4 thí sinh đều đoạt huy chương, gồm: 3 HCV, 1 HCB. Trong đó, HCV thuộc về Nguyễn Phương Thảo (lớp 12, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội), Trần Thị Minh Anh (lớp 12, trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng), Hoàng Minh Trung (lớp 11, trường THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa). Hoàng Văn Đông (lớp 12, trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương) đoạt HCB. Trần Thị Minh Anh đứng thứ 9/261; Hoàng Minh Trung, đứng thứ 19/261 và Hoàng Văn Đông, đứng thứ 64/261. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại