Nữ phạm nhân coi tiếng Việt như ngôn ngữ mẹ đẻ thứ hai của mình
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCán bộ trại giam Vĩnh Quang tiếp xúc với phạm nhân sau giờ lao động. |
Vào tù mới biết tiếng Việt
Chỉ là biết nói vài từ tiếng Việt đơn giản nên từ lúc bước chân vào trại cải tạo việc giao tiếp của Phàng Thị So, SN 2002, trú tại huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào gặp nhiều khó khăn. Không chỉ trong lao động, sinh hoạt với các phạm nhân cùng phân trại So chỉ có thể ra hiệu với mọi người mà ngay cả với cán bộ quản giáo, giáo dục, So cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp thu nội quy, qui định và hướng dẫn trong học nghề. Thế nên việc học tiếng Việt giống như nhu cầu cần phải có trong bước đường cải tạo lao động hơn chục năm trời của cô gái Lào này.
Theo tài liệu điều tra, do có vài lần được bạn bè rủ sang Sơn La chơi nên Phàng Thị So khá thông thuộc đường đi lối lại. Ngày 12/2/2020, So được một người đàn ông dân tộc Mông nhà ở huyện Sầm Nưa , tỉnh Hủa Phăn, Lào thuê mang ma tuý sang Việt Nam với tiền công là 10 triệu đồng. Thấy được cho món tiền lớn, So đã nhận lời mà không ngờ đây lại là một chuyến đi dài.
Hôm đó, tổ công tác Đồn biên phòng cửa khẩu Lóng Sập phối hợp với phòng Phòng chống tội phạm ma tuý và tội phạm Bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La, CA huyện Mộc Châu, Chi cục hải quan cửa khẩu Lóng Sập trong quá trình làm nhiệm vụ tại khu vực bản Bó Sập, xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, phát hiện thấy Phàng Thị So có biểu hiện nghi vấn nên đã giữ lại kiểm tra, qua đó phát hiện cô gái này có hành vi vận chuyển trái phép chất ma tuý.
Tang vật bị bắt quả tang gồm 3 bánh heroin và 6 gói nilon chứa heroin có tổng trọng lượng là gần 1,1kg heroin cùng 198 viên ma túy tổng hợp. Khai với nhà chức trách, So cho biết được một người đàn ông dân tộc Mông nhà ở huyện Sầm Nưa, thuê mang đi giao cho người nhận ở Mộc Châu. So không biết họ tên người nhận, chỉ được người thuê dặn mang tới Mộc Châu sẽ có người gọi điện thoại hẹn đến lấy.
Với hành vi kể trên, Phàng Thị So bị TAND tỉnh Sơn La tuyên phạt 18 năm tù giam. Đây là mức án cao nhất dành cho người chưa thành niên bởi thời điểm bị bắt, Phàng Thị So mới bước qua tuổi 17 được hơn 1 tháng.
“Thời gian đầu tôi được đưa về trại giam Phú Sơn được mấy tháng thì về đây”, So tâm sự. Cô cho biết hiện đang cải tạo lao động ở đội may mặc.
Hỏi đã nói được nhiều tiếng Việt chưa, nghe mọi người nói chuyện có hiểu được nhiều không, nữ phạm nhân có đôi mắt một mí này cười bảo: “em còn biết nhiều bài hát tiếng Việt nữa cơ. Học tiếng Việt thích lắm”.
Mong ngày sớm trở về quê nhà
Theo lời tâm sự của So thì cô sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con nên ít được học hành. Ở nhà làm ruộng, làm vườn, ai thuê gì làm nấy nên cuộc sống cũng chỉ tùng tiệm qua ngày. Cũng vì nghèo khổ nên cô chưa bao giờ có món tiền triệu trong người. Thế nên khi được thuê mang ma tuý qua biên giới, được trả công hẳn 10 triệu đồng, So nhận lời ngay. Cô bảo nếu mình không nhận ngay thì người khác sẽ nhận vì nơi So sinh sống có nhiều người cũng hoàn cảnh khó khăn như gia đình cô.
“Vừa mới Tết ra, ai cũng cần việc làm mà tìm việc hiếm lắm. Cả thôn em sống ai cũng nhao ra đi làm mà làm gì có việc. Mùa màng thì chưa tới kỳ thu hoạch, cây cối cũng vừa mới gieo trồng. Cứ vào dịp giáp hạt như này hàng năm không riêng gì nhà em mà cả thôn đều đói”, So kể. Cô tâm sự rất thật rằng mặc dù bây giờ đang là thân phận của một phạm nhân song vẫn còn được ăn uống đầy đủ, mỗi khi bưng bát cơm lên ăn lại nhớ bố mẹ, các em ở nhà không biết cuộc sống thế nào.
“Em không phải là con lớn nhưng nếu còn ở nhà thì vẫn cùng anh chị đi làm thuê, kiếm tiền về cho bố mẹ nuôi các em. Giờ em vào đây rồi, gia đình thiếu đi một người làm lại càng khó khăn”, So bộc bạch. Cô bảo mỗi khi nghĩ đến bố mẹ và các anh chị em ở nhà lại không ngăn nổi nước mắt. Những khi ấy, cô lại được các bạn tù, nhất là những người lớn tuổi động viên nên dần cũng nguôi ngoai.
Theo lời kể của So thì lịch trình một ngày của cô đều đặn diễn ra là sau giờ đi lao động cải tạo là sưu tầm các bài hát tiếng Việt thông qua việc trò chuyện với các phạm nhân cùng phân trại, thấy ai thuộc bài hát nào hay lại nhờ họ dạy. So bảo ban đầu cô chưa có ý niệm trong đầu về việc học các bài hát tiếng Việt mà chỉ nghĩ rằng học đủ để hiểu và nói chuyện được. Nhưng rồi qua tivi, qua radio, So thấy âm điệu và ca từ của những bài hát tiếng Việt rất hay nên tò mò học hỏi rồi yêu thích lúc nào không biết. Từ mục đích ban đầu là để phong phú hơn lượng ngôn ngữ của mình và cũng là để hiểu được nhiều hơn cách nói chuyện của mọi người, giờ So đã thuộc hơn chục bài hát, có thể hát thành thạo những bài dân ca.
“Em sẽ coi tiếng Việt là ngôn ngữ mẹ đẻ thứ hai của mình. Em dự định tới đây sẽ đăng ký tham gia đội văn hoá- văn nghệ để lấy đó là tiêu chí thể hiện sự nỗ lực cải tạo của mình, vừa là cơ hội để em thể hiện khả năng và học hỏi thêm”, So nói. Cô cho biết công việc ở đội lao động khá nhẹ nhàng nên thời gian rảnh rỗi dành hết cho việc học chữ, học hát.
“Gia đình em ở xa lại không có điều kiện nên mọi việc ăn ở, sinh hoạt của em trong này đều được trại giam lo hết. Em rất cảm ơn Ban lãnh đạo trại và Hội đồng cán bộ đã quan tâm tạo điều kiện. Việc của em là phấn đấu cải tạo tốt để sớm có cơ hội giảm án, sớm được trở về với gia đình”, So bộc bạch rồi xin phép đi làm nốt công việc của mình, vừa đi vừa ngâm nga hát khiến ai cũng bật cười. |
Nam phạm nhân cởi bỏ được những khúc mắc | |
Lời nhắn nhủ tâm tình của một người mẹ khiến nhiều phạm nhân rơi nước mắt |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại