Nối liền chân cho người đàn ông bị máy cắt cỏ lia đứt
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBàn chân đứt lìa của người bệnh được nối liền (ảnh K.O) |
Mới đây, các bác sỹ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện thành công ca phẫu thuật nối lại cẳng chân bị đứt rời cho anh L.V.T (38 tuổi) ở Văn Chấn, Yên Bái.
Anh T, gặp tai nạn lao động-bị cắt rời bàn chân phải khi đang cắt cỏ bằng máy thì lưỡi của máy cắt cỏ đã bị va chạm vào thân cây và bật văng ra khỏi máy vào rồi bật trở lại vào chân anh khiến bàn chân phải của anh đứt rời. Sau tai nạn 6 giờ đồng hồ, anh T, được chuyển tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội).
Tại đây, anh T, được các bác sĩ chuyên khoa Tạo hình-Thẩm mỹ phối hợp cùng với các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình tiến hành cắt lọc, làm sạch, loại bỏ dị vật ở phần cẳng chân bị dập nát. Tiếp đó bệnh nhân được phẫu thuật kết hợp hai xương cẳng chân, nối gân và vi phẫu nối lại phần chân bị đứt rời cho người bệnh.
ThS-BS. Trần Thị Thanh Huyền, khoa Phẫu thuật Hàm mặt, Tạo hình và Thẩm mỹ (người trực tiếp nối lại cẳng chân cho anh T) chia sẻ: Anh T. nhập viện với vết thương đứt rời dưới 1/3 cẳng chân phải. Sau khi được phẫu thuật kết hợp xương, nối gân, người bệnh đã được kíp tạo hình vi phẫu nối lại mạch máu thần kinh bằng kỹ thuật vi phẫu.
Trong quá trình mổ phát hiện nhiều dị vật kim loại và vỏ cây bẩn dính vào chi thể đứt rời, nên trong vừa phải đảm bảo làm sạch dị vật và không được cắt bỏ quá nhiều để vẫn đảm bảo chức năng của chân sau mổ. Ngay sau khi khâu nối xong, mạch máu thông suốt, cẳng chân ấm hồng và mạch bắt rõ.
Theo ThS-BS. Trần Thị Thanh Huyền, việc nối ghép lại mạch máu và thần kinh cho bệnh nhân bằng kĩ thuật vi phẫu (phẫu thuật dưới kính hiển vi với các dụng cụ và kim chỉ rất nhỏ) là kỹ thuật được thực hiện thường quy tại bệnh viện Việt Đức. Sau 1 tuần phẫu thuật vết thương của người bệnh không có biến chứng, chân hồng hào, sức khỏe bệnh nhân hồi phục rất tốt. Hiện tại người bệnh vẫn được tiếp tục theo dõi và chăm sóc đặc biệt tại khoa, trong thời gian tới người bệnh còn phải trải qua quá trình luyện tập phục hồi chức năng để có thể vận động lại được gần như xưa.
Theo PGS-TS. Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt Tạo hình và Thẩm mỹ, mỗi năm Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận hàng trăm trường hợp người bệnh đứt rời các phần cơ thể như tay chân, da đầu, môi mũi tai, dương vật do các nguyên nhân tai nạn khác nhau. Trong đó có không hiếm các trường hợp đặc biệt như vết thương đứt rời cả hai tay, hai chân hay phối hợp trong các bệnh cảnh đa chấn thương nặng khác.
Đây là những ca bệnh phức tạp, bởi đứt rời tay hoặc chân là các tổn thương nặng không chỉ đe dọa tính mạng người bệnh mà tổn thương mất tay hoặc chân có thể ảnh nặng nề đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh sau này. Vì vậy, có những đêm bệnh viện đã phải huy động nhiều kíp vi phẫu thuật làm việc nhiều giờ liên tục để kết hợp xương, nối gân và nối các mạch máu, thần kinh bằng vi phẫu thuật cứu sống các chi thể hay bộ phận đứt rời cũng như tính mạng người bệnh.
PGS-TS. Nguyễn Hồng Hà khuyến cáo, các tổn thương đứt rời bộ phận cơ thể do tai nạn khác thường gặp ở các nước đang phát triển như ở Việt Nam. Để phòng tránh thương tốn, mỗi người cần nâng cao ý thức tự bảo vệ và an toàn lao động để tránh các tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại