Những tội danh nghi phạm bắt cóc 2 cháu bé ở phố đi bộ Nguyễn Huệ phải đối diện
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCơ quan Công an tiếp tục củng cố hồ sơ làm rõ hành vi của đối tượng Phạm Huỳnh Nhật Vi. Ảnh: CQCA cung cấp |
Hành trình giải cứu 2 cháu bé bị bắt cóc
Ngày 8/4, Công an TP (CATP) Hồ Chí Minh phối hợp CA Quận 1 tổ chức họp báo thông tin về việc giải cứu an toàn 2 cháu bé mất tích tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, đồng thời trao trả hai cháu bé về với gia đình.
Trước đó, ngày 6/4, CA phường Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh tiếp nhận nguồn tin từ chị N.T.C, SN 1997, trú tại phường Tân Hưng, Quận 7, về việc bị thất lạc hai con ruột là cháu N.K.T.M, SN 2017 và cháu L. H.T.L, SN 2021 tại khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ (phường Bến Nghé, Quận 1) từ tối 3/4, mặc dù chị đã tự đi tìm và liên hệ tại nhiều nơi nhưng không tìm thấy 2 cháu bé.
Khẩn trương truy xét, Phòng Cảnh sát hình sự CATP Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp CA Quận 1, CA quận Bình Thạnh rà soát và phát hiện đối tượng Phạm Huỳnh Nhật Vi, SN 2003, trú tại huyện Gò Công Đông, Tiền Giang, khi đang khống chế 2 cháu bé con chị N.T.C tại một căn hộ thuộc chung cư Saigon Pearl. Lực lượng chức năng đã nhanh chóng khống chế đối tượng, giải cứu 2 cháu bé an toàn.
Chỉ chưa đầy 42 giờ sau khi tiếp nhận thông tin về việc 2 cháu bé bị mất tích, Phòng PC02 đã phối hợp với CA Quận 1 và các đơn vị nghiệp vụ, địa phương có liên quan khẩn trương giải cứu, trao trả 2 cháu bé cho gia đình đảm bảo an toàn. Ban đầu CA xác định vụ việc do một mình đối Phạm Huỳnh Nhật Vi trực tiếp dẫn dụ bắt cóc 2 cháu bé. Động cơ gây án của đối tượng Phạm Huỳnh Nhật Vi ra sao sẽ được cơ quan Công an tiếp tục củng cố, tài liệu chứng cứ để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Những tội danh nghi phạm phải đối diện
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định, bắt cóc trẻ em là nỗi ám ảnh không chỉ với trẻ em mà với cả người lớn, bởi hành vi bắt cóc trẻ em chỉ là khởi đầu cho một chuỗi những tội ác, bất hạnh có thể sẽ diễn ra ngay sau đó nên hành vi này cần được ngăn chặn và xử lý nghiêm minh.
Luật sư Nguyên viện dẫn, Luật Trẻ em quy định, trẻ em là người dưới 16 tuổi, nghiêm cấm các hành vi: bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em... Hành vi bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến các quyền cơ bản của trẻ em, tiềm ẩn nhiều hệ lụy, tiêu cực cho xã hội, tạo ra bi kịch buồn đau cho cha mẹ trẻ em.
Bởi vậy, người thực hiện hành vi bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, người thực hiện hành vi chiếm đoạt người dưới 16 tuổi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi” theo quy định tại Điều 153, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 với khung hình phạt từ 3 năm đến 7 năm tù.
Trường hợp hành vi được xác định là có tổ chức, đối với từ hai người trở lên, phạm tội hai lần trở lên thì mức hình phạt có thể từ 5 năm đến 10 năm tù... Nếu hành vi được xác định là có tính chất chuyên nghiệp hoặc tái phạm nguy hiểm thì có thể tới 15 năm tù.
Ngoài ra, nếu chiếm đoạt trẻ em để bán hoặc để tống tiền cha mẹ của trẻ thì những hành vi này sẽ bị xử lý về tội "Mua bán người” hoặc tội "Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” hoặc các tội danh khác có liên quan đến hành vi xâm phạm đến thân thể của công dân, hành vi chiếm đoạt tài sản...
Bởi vậy, trong vụ việc này, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nhân thân của đối tượng Phạm Huỳnh Nhật Vi, làm rõ động cơ mục đích thực hiện hành vi, xác định hậu quả mà đối tượng Vi đã gây ra để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
“Qua vụ việc hai cháu bé bị bắt cóc cho thấy, nguy cơ mất an toàn đối với trẻ em bất kỳ lúc nào, bất kỳ nơi đâu. Chỉ cần người lớn sơ suất, không chú ý đến trẻ là các em có thể gặp nguy hiểm từ việc bị tai nạn, bị bắt cóc hoặc gặp các rủi ro khác như bị bạo hành, xâm hại...” - luật sư Đinh Thị Nguyên khuyến cáo.
Điều 153, BLHS năm 2015 quy định về tội "Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi” 1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 3 đến 7 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp; c) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng; d) Đối với từ 2 người đến 5 người; đ) Phạm tội 2 lần trở lên; e) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 đến 15 năm: a) Có tính chất chuyên nghiệp; b) Đối với 06 người trở lên; c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; d) Làm nạn nhân chết; đ) Tái phạm nguy hiểm. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại