Thứ hai 25/11/2024 12:55

Những quy định mới về tái hòa nhập cộng đồng đối với phạm nhân, người chấp hành xong hình phạt tù

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 49/2020/NĐ-CP, quy định chi tiết về tái hòa nhập cộng đồng đối với phạm nhân và người chấp hành xong hình phạt tù tại Luật Thi hành án hình sự. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 -6-2020.

Nguyên tắc bảo đảm, kinh phí tái hòa nhập cộng đồng

Nghị định quy định cụ thể các biện pháp chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân; các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù (gọi chung là các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng); trách nhiệm của các bộ, UBND các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng.

Nghị định này áp dụng đối với phạm nhân trước khi chấp hành xong án phạt tù, được đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện tại các cơ sở giam giữ phạm nhân (gọi chung là phạm nhân); người được đặc xá, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người chấp hành xong án phạt tù đã trở về cộng đồng (gọi chung là người chấp hành xong hình phạt tù) là người Việt Nam, người nước ngoài và người không có quốc tịch thường trú tại Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng.

Thực hiện đúng quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan; bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình trong việc thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng. Tạo điều kiện thuận lợi cho người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phòng ngừa tái phạm và vi phạm pháp luật. Nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của phạm nhân và người chấp hành xong hình phạt tù. Kinh phí nhà nước cấp bảo đảm thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hằng năm của các cơ quan, đơn vị theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

Quỹ hòa nhập cộng đồng của trại giam được thành lập theo quy định tại Điều 34 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 để hỗ trợ cho phạm nhân khi chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Nhà nước khuyến khích các cơ quan, tổ chức thành lập các quỹ theo quy định của pháp luật để hỗ trợ các hoạt động tái hòa nhập cộng đồng và giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù vay vốn học nghề, tạo việc làm, ổn định cuộc sống.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng được tiếp nhận tiền, ngoại tệ, hiện vật, giấy tờ có giá, các quyền tài sản khác từ nguồn đóng góp tự nguyện của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để sử dụng cho các hoạt động tái hòa nhập cộng đồng phù hợp với quy định của pháp luật.

nhung quy dinh moi ve tai hoa nhap cong dong doi voi pham nhan nguoi chap hanh xong hinh phat tu
ảnh minh hoạ

Biện pháp chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng

Nghị định quy định các biện pháp gồm: Tư vấn tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho phạm nhân trước khi họ chấp hành xong án phạt tù hoặc sau khi có kết quả thẩm định nhất trí đề nghị đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện của cơ quan có thẩm quyền, các cơ sở giam giữ phạm nhân tổ chức tư vấn tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho phạm nhân; Tư vấn tâm lý nhằm cung cấp cho phạm nhân kiến thức, giúp họ định hướng và nâng cao khả năng tự giải quyết những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng.

Phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù được hỗ trợ về các thủ tục pháp lý như: đăng ký cư trú; đăng ký hộ tịch; cấp căn cước công dân; vay vốn, đăng ký kinh doanh, ký kết hợp đồng lao động và các thủ tục hành chính khác theo quy định của pháp luật.

Định hướng nghề nghiệp, nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm cho phạm nhân, các cơ sở giam giữ phạm nhân có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá năng lực, nhu cầu, điều kiện, hoàn cảnh của từng phạm nhân để hướng dẫn họ lập kế hoạch tái hòa nhập cộng đồng cho bản thân; phối hợp với các Trung tâm dịch vụ việc làm cung cấp thông tin thị trường lao động, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho phạm nhân.

Căn cứ vào khả năng, nhu cầu của phạm nhân, thị trường lao động và điều kiện cụ thể, ba tháng trước khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù, các cơ sở giam giữ phạm nhân lập kế hoạch, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức đào tạo nghề, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, cấp chứng chỉ nghề cho phạm nhân. Phạm nhân là người dưới 18 tuổi được ưu tiên đào tạo nghề, nâng cao tay nghề để có điều kiện thuận lợi tái hòa nhập cộng đồng. Phạm nhân hết hạn chấp hành án phạt tù, được đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện trước khi trở về nơi cư trú được cấp hỗ trợ khoản tiền từ Quỹ hòa nhập cộng đồng của trại giam.

Hai tháng trước khi phạm nhân hết hạn chấp hành án phạt tù, các cơ sở giam giữ phạm nhân thực hiện việc thông báo cho Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người chấp hành xong án phạt tù về cư trú, làm việc theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật Thi hành án hình sự năm 2019.

Trường hợp thực tế phạm nhân không có nơi nương tựa, không xác định được nơi sẽ về cư trú sau khi chấp hành xong án phạt tù và thuộc diện đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội thì các cơ sở giam giữ phạm nhân đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội địa phương nơi phạm nhân chấp hành án phối hợp làm thủ tục tiếp nhận phạm nhân vào cơ sở bảo trợ xã hội của địa phương ngay sau khi họ chấp hành xong án phạt tù.

Các biện pháp bảo đảm

Các biện pháp bảo đảm bao gồm thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng nhằm định hướng, khuyến khích cộng đồng xã hội tham gia giáo dục, giúp đỡ, xóa bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người chấp hành xong hình phạt tù; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa việc tái phạm tội, vi phạm pháp luật của người chấp hành xong hình phạt tù.

Trợ giúp về tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý nhằm giúp người chấp hành xong hình phạt tù xây dựng niềm tin, nghị lực, ý chí phấn đấu tái hòa nhập cộng đồng và phòng tránh các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật. Người chấp hành xong hình phạt tù được hỗ trợ, hướng dẫn các thủ tục pháp lý cần thiết khi là người tham gia tố tụng hình sự; là đương sự tham gia tố tụng dân sự, hành chính; khi thực hiện các giao kết hợp đồng dân sự;

Người chấp hành xong hình phạt tù tham gia đào tạo nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, dưới 03 tháng được miễn, giảm học phí, hưởng chính sách nội trú, được hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn và tiền đi lại nếu thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành. Trường hợp người chấp hành xong hình phạt tù không thuộc đối tượng hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định của pháp luật, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho các đối tượng này.

Người chấp hành xong hình phạt tù được vay vốn đào tạo nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về tín dụng đối với học sinh, sinh viên; được vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, được ưu tiên đăng ký tham gia chính sách việc làm công theo quy định của pháp luật về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.

Căn cứ tình hình kinh tế – xã hội của địa phương, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sử dụng các nguồn tín dụng khác để hỗ trợ cho vay ưu đãi đối với người chấp hành xong hình phạt tù để phát triển sản xuất, tạo việc làm.

Người chấp hành xong hình phạt tù dưới 18 tuổi được ưu tiên đào tạo nghề và hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm; trẻ em chấp hành xong hình phạt tù được thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ phù hợp theo quy định của pháp luật.

Đỗ Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động