Thứ ba 07/05/2024 09:16

Những quy định của pháp luật liên quan đến lễ hội truyền thống

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Với nhiều người, việc tham gia các lễ hội với mục đích du xuân ngắm cảnh, cũng như chiêm bái dâng hương lễ Phật là một trong những việc không thể thiếu trong dịp đầu xuân. Tuy nhiên, ngoài việc tham gia lễ hội truyền thống, người dân cũng như các địa phương tổ chức lễ hội cần có trách nhiệm chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, nội quy thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.
Lễ hội đền Sái (huyện Đông Anh, Hà Nội) tổ chức năm 2024.	Ảnh: Khánh Huy
Lễ hội đền Sái (huyện Đông Anh, Hà Nội) tổ chức năm 2024. Ảnh: Khánh Huy

Hà Nội hiện có hơn 1.000 lễ hội lớn nhỏ

Theo thống kê của Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, cả nước có gần 8.000 lễ hội, trong đó có hơn 7.000 lễ hội truyền thống (chiếm 88,36%). Hầu hết các lễ hội từ quy mô quốc gia đến lễ hội nhỏ trong phạm vi làng xã được tổ chức trang trọng, linh thiêng, thành kính; tạo môi trường thuận lợi để Nhân dân thực sự là chủ thể của hoạt động lễ hội; nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và cộng đồng, đảm bảo hoạt động lễ hội phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của các tầng lớp Nhân dân.

Hà Nội hiện có hơn 1.000 lễ hội lớn nhỏ các loại, có nhiều lễ hội đặc sắc. Những lễ hội này thường được tổ chức vào dịp đầu năm mới, tập trung chủ yếu vào tháng Giêng. Mỗi lễ hội có những bản sắc, nét đẹp truyền thống riêng mang dấu ấn của từng địa phương, vùng miền. Ngoài lễ hội chùa Hương, nhiều lễ hội khác cũng thu hút được lượng lớn khách thập phương tham gia, như lễ hội Đền Sóc (huyện Sóc Sơn), lễ hội Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), lễ hội Đống Đa (quận Đống Đa), lễ hội Lệ Mật (quận Long Biên), lễ hội đền Và (thị xã Sơn Tây), lễ hội Cổ Loa, lễ hội đền Sái (huyện Đông Anh)...

Mỗi dịp lễ hội, các di tích trên đều đón hàng chục nghìn khách du lịch. Đã có một khoảng thời gian khá dài, do điều kiện kinh tế - xã hội hoặc bối cảnh chiến tranh, nhiều lễ hội không được tổ chức, hoặc bị tiết giảm nghi lễ. Nhưng có thể nói, chưa bao giờ lễ hội hồi sinh mạnh mẽ như hiện nay.

Những quy định của pháp luật liên quan đến lễ hội truyền thống

Cùng với sự hồi sinh của lễ hội, nhiều những bất cập cũng phát sinh, phần nào khiến những lễ hội truyền thống mất đi nét đẹp truyền thống vốn có. Không như nhiều người chỉ hồn nhiên đến dự lễ hội, hồn nhiên rong chơi cũng như thoải mái tham gia… Thực tế các hành vi của người tham gia lễ hội cũng như công tác tổ chức đều đã quy định rất cụ thể tại các Thông tư, Nghị định của Chính phủ.

Theo đó, Nghị định số 110/2018/NĐ-CP về quản lý và tổ chức lễ hội, người tham gia lễ hội có trách nhiệm chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, nội quy thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Người tham gia lễ hội cần ứng xử có văn hóa trong hoạt động lễ hội; trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam; không nói tục, chửi thề xúc phạm tâm linh, gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội; thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định; không chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự an ninh; giữ gìn vệ sinh môi trường.

Đồng thời, không tổ chức hoặc tham gia các hoạt động mê tín, dị đoan, cờ bạc và các hành vi vi phạm pháp luật khác; không thực hiện việc đổi tiền có chênh lệch giá trong khu vực di tích, lễ hội. Đáng chú ý, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngoài việc chấp hành nghiêm quy định trên còn không được đi lễ hội trong giờ hành chính; không dùng xe công và các phương tiện công (hoặc thuê khoán phương tiện) tham gia lễ hội (trừ trường hợp thuộc thành phần tham gia tổ chức lễ hội hoặc được giao thực thi nhiệm vụ).

Các hành vi vi phạm về tổ chức lễ hội được quy định cụ thể, chi tiết và mức phạt tại Điều 14 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP. Theo đó, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi: thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng nơi quy định; nói tục, chửi thề, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm của lễ hội; mặc trang phục không lịch sự hoặc không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam.

Về phía Ban tổ chức lễ hội, nếu có hành vi “chèo kéo người tham dự lễ hội sử dụng dịch vụ, hàng hóa của mình” bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Nếu lợi dụng hoạt động tổ chức lễ hội để trục lợi, hoặc tham gia hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội, sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Với hành vi “ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội” sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Đồng thời, bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc hoàn lại số tiền có được do thực hiện hành vi vi phạm...

Về Đông Anh xem rước vua chúa sống đầu năm
Ba Vì sẵn sàng cho Lễ khai hội Tản Viên Sơn Thánh và khai trương du lịch năm 2024
Đầu năm, người Hà Nội hò nhau "xin đỏ" về nhà trong đêm
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động