Chủ nhật 28/04/2024 04:30

Hà Nội: các lễ hội đầu năm nay đã diễn ra văn minh, an toàn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh, cơ bản, các lễ hội diễn ra suôn sẻ, văn minh, an toàn, bảo đảm cho người dân dự lễ hội tươi vui, lượng khách dự hội tăng cao so với những năm trước.
Trò chơi bịt mắt bắt lợn tại Lễ hội chùa Bối Khê (thôn Song Khê, xã Tam Hưng, Thanh Oai). Ảnh: Văn Biên
Trò chơi bịt mắt bắt lợn tại Lễ hội chùa Bối Khê (thôn Song Khê, xã Tam Hưng, Thanh Oai). Ảnh: Văn Biên

Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) Hà Nội, trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 1.500 lễ hội được tổ chức trong năm 2024. Có lễ hội chỉ trong vài ngày nhưng cũng có những lễ hội kéo dài vài tháng. Bên cạnh đó, vào những ngày đầu năm mới thường diễn ra các hoạt động "dâng sao giải hạn". Kèm theo đó là các vấn đề về phòng chống dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, an ninh trật tự, tệ nạn xã hội, phòng chống cháy nổ...

Theo Kế hoạch quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn TP năm 2024, UBND TP Hà Nội yêu cầu: đảm bảo việc quản lý và tổ chức lễ hội đúng quy định của pháp luật. Phù hợp với thuần phong mỹ tục, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân. Bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và du lịch trên địa bàn TP.

Thông qua việc tổ chức các hoạt động lễ hội để tri ân, tưởng nhớ công đức các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, các bậc tiền bối đã có công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Đảm bảo môi trường văn hóa lành mạnh phục vụ Nhân dân vui xuân, đón Tết.

Việc tổ chức lễ hội phải tiết kiệm, trang trọng, thiết thực, hiệu quả, không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu, các hoạt động có nguy cơ mất an ninh, trật tự và đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Tổ chức lễ hội phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Bên cạnh đó, cần tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân khi tham gia lễ hội, nghiêm túc thực hiện các quy định về thực hiện nếp sống văn minh, tạo sự chuyển biến về nhận thức của người tham gia lễ hội với ý thức tôn trọng, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống…

Theo báo cáo của Sở VH&TT Hà Nội, đến hết tháng 2/2024, đã có trên 400 lễ hội được tổ chức. Công tác tổ chức lễ hội năm nay có nhiều nét mới.

Tại lễ hội chùa Hương: huyện Mỹ Đức đã áp dụng hình thức bán vé điện tử tạo sự văn minh, minh bạch, công khai về giá. Việc đưa 2 điểm bán vé tại cổng vào các vị trí trong bãi đậu xe cùng với việc phân luồng giao thông hợp lý đã làm giảm tối đa tình trạng ùn tắc giao thông.

Tại quận Ba Đình: nhiều di tích của quận đền Voi Phục, đền Quán Thánh đã quản lý tiền công đức với hình thức nhận tiền qua mã QR.

Tại huyện Mê Linh: tổ chức khai mạc lễ hội đền Hai Bà Trưng theo hình thức mới, điểm nhấn là chương trình bán thực cảnh "Âm vang Mê Linh" sử dụng công nghệ chiếu sáng 3D mapping.

Theo Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh, cơ bản, các lễ hội diễn ra suôn sẻ, văn minh, an toàn, bảo đảm cho người dân dự lễ hội tươi vui, lượng khách dự hội tăng cao so với những năm trước.

Mặc dù đã có những tiến bộ trong công tác tổ chức nhưng vẫn còn hạn chế tại một số lễ hội, như: có hiện tượng mở loa, đài công suất lớn để quảng cáo. Vẫn còn có hoạt động xem bói, giải quẻ…

Theo Sở VH&TT Hà Nội, từ nay đến hết năm, tại TP Hà Nội còn diễn ra khoảng hơn 1.000 lễ hội. Ngoài các lễ hội, hoạt động đi lễ đầu năm cũng đang được kiểm tra, giám sát để bảo đảm diễn ra đúng quy định.

Bà Trần Thị Vân Anh đề nghị các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu được giá trị truyền thống của các lễ hội cũng như hoạt động đi lễ. Tăng cường công tác quản lý và tổ chức, bảo đảm lễ hội diễn ra đúng quy định, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

“Các địa phương cần phổ biến các quy định của pháp luật về lễ hội đến cán bộ và Nhân dân. Tiếp tục triển khai thực hiện "Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống" của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch” - Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh.

Ngày 1/3, Sở VH&TT Hà Nội đã họp trực tuyến về công tác quản lý và tổ chức lễ hội, với các quận, huyện. Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết, tại một số điểm di tích, lễ hội truyền thống lớn vẫn để xảy ta tình trạng ùn ứ giao thông, còn tình trạng người bán hàng trong khu vực lễ hội, thiếu thông tin, chỉ dẫn về điểm di tích. “Thời gian tới, địa phương sẽ thực hiện rà soát, thống kê để bổ sung thông tin, chỉ dẫn, chậm nhất đến quý II, 100% di tích có nơi thờ tự, hành lễ sẽ được bổ sung các biển thông tin” – ông Lê Đại Thăng cho hay.

Ngăn chặn nạn cờ bạc mùa lễ hội: phòng ngừa từ xa
Tìm về những giá trị trao truyền trong các lễ hội đầu xuân
Khánh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động