Những phạm nhân trong diện đặc xá với lời hứa hoàn lương
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTôi sẽ nhớ nơi này vì từ nơi đây mà tôi được học nghề
Đó là câu nói của Nguyễn Thị Vui, SN 1994, ở TP Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn, nữ phạm nhân đang thi hành bản án 3 năm 6 tháng tù giam ở trại giam Phú Sơn 4 vì tội Môi giới mại dâm.
Theo bản án, do không có việc làm nhưng lại muốn có tiền ăn chơi nên Vui tìm cách làm quen với những cô gái có nhu cầu bán dâm sau đó tìm cách mai mối họ với khách mua dâm nhằm mục đích hưởng lợi. Ngày 9-9-2019, có hai người đàn ông đến nhờ Vui bố trí cho họ được “vui vẻ” với gái mại dâm. Vui đồng ý và nhận 1,2 triệu đồng sau đó gọi điện cho Nguyễn Thị H.T, bảo đến nhà nghỉ bán dâm. Trong khi đôi nam nữ đang có hành vi mua bán dâm thì bị CA TP Bắc Kạn bắt quả tang. Từ lời khai của những người này, Vui bị bắt. Theo lời khai của Vui, mỗi lần môi giới thành công chị ta thu của khách 600 nghìn đồng/ lần/ người nhưng chỉ đưa cho gái bán dâm 250 nghìn đồng còn bao nhiêu chị ta hưởng lợi.
Với hành vi này, Vui bị kết án 3 năm 6 tháng tù giam và tháng 11-2019, Vui về trại giam Phú Sơn 4 thi hành án và được về đội may cải tạo lao động. Cô gái này cho biết ngày ở nhà chỉ lo chơi bời phá phách, sống buông thả nên khi bước chân vào trại cải tạo vô cùng bỡ ngỡ và lạ lẫm. “Trong suy nghĩ của tôi trại giam là môi trường phức tạp vì có nhiều người phạm pháp, lỗi lầm và bị xa lánh. Nhưng khi vào đây tôi được học văn hóa, được học nghề, được cán bộ chỉ bảo tận tình và động viên tinh thần vượt qua nỗi nhớ nhà và rèn luyện bản thân”, Vui kể.
Cô gái này cho biết dự định sau này trở về sẽ xin vào một Cty may làm việc để ổn định cuộc sống. Nữ phạm nhân tỏ ra rất thành thật chia sẻ rằng rất biết ơn cán bộ quản giáo phụ trách mình vì từ những khuyên răn và chỉ bảo ân cần của cán bộ quản giáo ấy mà Vui biết sử dụng máy may thành thạo.
“Tôi chưa từng lao động, cũng chưa từng làm một nghề gì cả nên khi được đưa về đội may, nhìn chiếc máy may tôi rất sợ . May mắn là có cán bộ luôn bên cạnh giúp đỡ, trấn an nên từ chỗ sợ hãi tôi đã làm quen với máy móc rồi làm thành thạo. Tôi coi đây là một nghề học được để sau này làm lại cuộc đời”, Vui bộc bạch.
Nguyễn Thị Vui và Cấn Thị Thủy hứa sẽ phát huy những công việc học được trong trại giam để làm lại cuộc đời |
Tôi sẽ tìm việc chính đáng không phạm sai lầm nữa
Cũng hồi hộp đếm từng ngày ra trại là tâm trạng của phạm nhân Cấn Thị Thủy, SN 1998, trú tại huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chia sẻ với chúng tôi cảm giác của mình khi được ra tù theo diện đặc xá, Thủy cho biết: “Được về theo diện đặc xá với tôi là một hạnh phúc vô bờ vì tôi từng rất lo lắng đứa con mà tôi sinh ra trong trại giam sẽ có một ký ức không được đẹp. Nay được trở về khi con mới 6 tháng tuổi, tôi mừng lắm và hiểu đó là chính sách nhân đạo và khoan hồng của pháp luật, tạo điều kiện cho chúng tôi có cơ hội sớm trở về cuộc sống đời thường để sửa chữa lỗi lầm. Đợi cháu cứng cáp lên, tôi sẽ tìm một công việc chính đáng để làm và ổn định cuộc sống, không bao giờ vướng vào sai lầm trước đây nữa”.
Theo bản án, khoảng 20g ngày 25-9-2016, Cấn Thị Thủy đến khu vực bến xe Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội gặp một người đàn ông tầm 30 tuổi mua 7 gói heroin với giá 350 nghìn đồng mang về nhà cất giấu với mục đích bán kiếm lời. Khoảng 19g30 ngày 1-10-2016, Thủy đang ở nhà người quen thì Nguyễn Văn Tuyết vào hỏi mua 1 gói heroin với giá 100 nghìn đồng. Thủy đồng ý nên về nhà lấy, đang chuẩn bị đưa ma túy cho Tuyết thì bị lực lượng CA bắt quả tang.
Do thời điểm đó đang nuôi con nhỏ nên chị ta được hoãn thi hành án. Ngày 22-6-2020, Thủy đi trả án tại trại giam Phú Sơn 4, 2 tháng sau thì phát hiện mình có thai được 11 tuần nên đã báo cáo cán bộ quản giáo. Kể từ thời điểm đó, nữ phạm nhân này được bố trí làm những công việc nhẹ nhàng phù hợp với người mang thai và được hưởng chế độ thai sản như những người phụ nữ sinh con nhỏ khác.
“Giữa thời điểm dịch bệnh gia đình không vào thăm gặp được nhưng cán bộ quản giáo luôn bên cạnh động viên, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần để mẹ con tôi vượt qua giai đoạn khó khăn này”, Thủy bộc bạch suy nghĩ của mình trong bài viết cảm tưởng về đợt đặc xá 2021. Nữ phạm nhân này cho biết sẽ khắc cốt ghi tâm tình cảm của Ban giám thị và cán bộ quản giáo đã dành cho mình những ngày nuôi con nhỏ trong trại giam và luôn lấy đó để tự răn mình đừng bao giờ vấp phải sai lầm như thế nữa.
Hơn 3.000 phạm nhân được xét đặc xá
Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch nước và Chủ tịch Hội đồng Tư vấn đặc xá năm 2021 là “tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phạm nhân được đặc xá về nơi cư trú an toàn”, Bộ Công an ban hành phương án tổ chức tha phạm nhân được đặc xá năm 2021.
Theo đó, việc tha phạm nhân được đặc xá phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, không để dịch bệnh lây lan vào các cơ sở giam giữ, không để phạm nhân được đặc xá không về được nơi cư trú hoặc vi phạm quy định phòng, chống dịch hoặc không có nơi cư trú.
Tại hội nghị triển khai công tác đặc xá năm 2021, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh, đợt đặc xá năm 2021 có rất nhiều điểm mới so với các lần đặc xá trước đây. Đây cũng là lần đầu tiên thực hiện đặc xá theo Luật Đặc xá năm 2018; đợt đặc xá này cũng diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo về đặc xá của Bộ Công an đã vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành khối lượng công việc rất lớn.
Trên cơ sở công điện của Thủ tướng Chính phủ, CA các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tham mưu với Tỉnh ủy, UBND, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các địa phương chủ động có kế hoạch bàn giao, tiếp nhận người được đặc xá về nơi cư trú; thống nhất phương án xử lý, đặc biệt là người đặc xá về từ các địa bàn đang thực hiện Chỉ thị số 16, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết...
Đợt đặc xá năm nay, Hội đồng Tư vấn đặc xá đã họp xét duyệt, thống nhất đề nghị Chủ tịch nước đặc xá cho hơn 3.000 phạm nhân đang chấp hành án tại các trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an và trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện thuộc công an cấp tỉnh. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại