Những bất cập của Luật thuế thu nhập cá nhân cần sửa đổi
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMức thuế thu nhập phải đóng hiện nay không phù hợp, tỉ lệ đóng vô lý, mức giảm trừ gia cảnh không sát với thực tế… |
Với những người thu nhập thấp, tính hiệu quả không cao
Các chuyên gia phân tích, quan điểm của Luật Thuế thu nhập cá nhân là đánh thuế với người thu nhập cao, để hạn chế tối đa bất cân xứng thu nhập, chênh lệch giàu nghèo, củng cố nguồn thu ngân sách. Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành chưa mang tinh thần như vậy; về cơ bản, những ai có thu nhập đều thuộc diện kê khai và tính thuế. Với những người thu nhập thấp, vẫn phải nộp thuế thì tính hiệu quả không cao.
Mức thuế phải đóng không phù hợp, tỉ lệ đóng vô lý, mức giảm trừ gia cảnh không sát với thực tế… Cần nâng mức phải đóng thuế lên 15 - 20 triệu đồng, giảm tỉ lệ thuế suất cao nhất xuống 25-30%, đơn giản hóa biểu thuế từ 7 xuống còn 3 hoặc 4 bậc, điều chỉnh mức đóng theo năm…
Mức thấp nhất phải đóng thuế hay còn gọi là mức giảm trừ gia cảnh nên được xem xét lại cho phù hợp với tình hình thực tế. Mức 11 triệu đồng/tháng hiện nay không đủ sống ở đô thị, nên không thể coi đó là mức thu nhập cao phải đóng thuế. Bộ Tài chính cần tính toán nâng lên để việc đóng thuế thu nhập thực sự trở thành công cụ kiểm soát người có thu nhập cao. Mức thu nhập tối thiểu phải đóng thuế nên để ở 15 - 20 triệu đồng/tháng.
Mức đóng thuế với người phụ thuộc, theo quy định hiện nay là 4,4 triệu đồng/người/tháng. Số tiền này không đủ để nuôi một đứa trẻ ở TP, lại càng không đủ để chăm sóc một người già không còn sức lao động, chi phí thuốc men, đi BV hiện rất cao. Vì thế, mức này phải tăng cao hơn nữa.
Theo phân tích của PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, nên giảm bậc thuế thu nhập cá nhân xuống còn 3 - 5 bậc và hạ thuế suất của các bậc xuống. Bởi quy định biểu thuế thu nhập cá nhân lũy tiến như hiện nay với 7 bậc và khoảng cách giữa các bậc thuế quá dày cộng với thuế suất cao khiến gánh nặng, áp lực lớn đối với người làm công ăn lương.
Mức giảm trừ gia cảnh quá cứng nhắc
Hiện thống kê về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chưa phản ánh hết được sự tăng giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày mà người dân phải chi trả. Chưa kể theo luật quy định phải khi CPI tăng 20% thì mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh dẫn đến thời gian qua việc điều chỉnh mức giảm trừ cho người lao động chưa được kịp thời.
Về biến động CPI 20% mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, thời gian áp dụng vừa qua cho thấy quy định này gây thiệt thòi cho người nộp thuế. Lạm phát của Việt Nam thường chỉ có tăng và trong 5 - 7 năm gần đây mức tăng khoảng 3 - 4%/năm. Nếu để cộng dồn CPI tăng 20% thì phải mất khoảng 5 năm mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Trong khi đó, mức tăng CPI hàng năm đã ảnh hưởng ngay lập tức đến thu nhập và đời sống của người nộp thuế.
Về mức thuế suất thuế thu nhập cá nhân cao nhất lên đến 35% theo là chưa phù hợp với xu thế chung của thế giới. Trong khi DN ngày càng được ưu đãi về thuế và được giảm từ 25% vào năm 2010 xuống còn 20% năm 2020, thuế thu nhập cá nhân vẫn giữ nguyên. Điều này tạo áp lực đáng kể lên người chịu thuế thu nhập cá nhân. Cách điều chỉnh phù hợp nhất là giảm xuống còn 25-30%. Khi đó, người nộp thuế cũng sẽ cảm thấy thỏa đáng hơn.
Chuyên gia kinh tế TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cần nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế từ 11 triệu đồng lên cao hơn, thậm chí thành 18-20 triệu đồng/tháng, bởi vật giá đã leo thang và mức 11 triệu đồng/tháng đã trở nên lạc hậu. Cùng với đó, mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc (hiện là 4,4 triệu đồng/tháng) cũng cần được nâng lên 50-70%.
Ngoài ra, nên điều chỉnh biểu thuế lũy tiến từng phần, từ 7 bậc thuế dày đặc (gần gấp đôi thuế suất thu nhập DN) hiện nay về còn 3 bậc. Trong đó, bậc thấp cho nhóm thu nhập dưới 30 triệu đồng; bậc trung bình từ trên 30 đến 100 triệu đồng; và bậc cao là trên 100 triệu đồng. Trong đó, bậc thấp chỉ thu thuế mức 2% (thay vì 5% như hiện nay), bậc trung bình 10%, bậc cao 20%. Cách thiết kế này sẽ giúp người dân dễ hiểu và dễ thực hiện, nhất là nhóm thu nhập dưới 30 triệu đồng.
Bộ Tài chính đã có công văn gửi các Bộ, ngành, UBND các tỉnh/TP lấy ý kiến về việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu đánh giá, góp ý theo từng nhóm vấn đề gồm: Đối tượng nộp thuế, thu nhập chịu thuế, cơ sở tính thuế, giảm trừ gia cảnh... Thuế thu nhập không tính các khoản đóng bảo hiểm bắt buộc theo quy định là 10,5% (đây là khoản cố định); Các khoản đóng quỹ hưu trí tự nguyện, khuyến học, nhân đạo, đóng góp từ thiện; Các khoản không tính thuế thu nhập cá nhân như tiền ăn trưa, một số khoản phụ cấp, trợ cấp,… Thu nhập từ phần tiền công, tiền lương do làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ theo quy định Bộ luật Lao động. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại