Nhóm đối tượng cho vay lãi nặng núp bóng bốc bát họ sẽ bị xử lý hình sự?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác đối tượng cho vay lãi nặng núp bóng bốc bát họ bị cơ quan Công an bắt giữ. Ảnh: Công an TP Hà Nội |
Cho vay lãi nặng dưới hình thức bốc bát họ
Công an TP Hà Nội và Công an quận Hà Đông vừa phối hợp triệt phá ổ nhóm cho vay lãi nặng lên đến 221%/năm. Các đối tượng thuê căn hộ chung cư cao cấp để hoạt động “tín dụng đen”, sử dụng các tài khoản mạng xã hội ảo quảng cáo và quản lý khách vay tiền.
Trước đó, từ công tác quản lý địa bàn, Công an quận Hà Đông phát hiện ổ nhóm do Khúc Tuấn Mạnh (SN 1994; trú huyện Thanh Trì, Hà Nội) cầm đầu, có biểu hiện hoạt đông cho vay lãi nặng dưới hình thức bốc họ.
Công an quận Hà Đông đã chỉ đạo Đội Cảnh sát Hình sự thành lập các tổ công tác áp dụng các biện pháp nghiệp vụ khẩn trương đấu tranh triệt phá. Các đối tượng này thuê căn hộ trên tầng 21 chung cư UDIC Riverside, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội để hoạt động. Sau đó, ổ nhóm này lập tài khoản ảo trên các trang mạng xã hội (như Viber, Zalo, Facebook...) rồi đăng quảng cáo cho vay.
Ngày 13/3, các tổ công tác của Công an quận Hà Đông đồng loạt tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của các đối tượng, thu giữ nhiều tài liệu hoạt động cho vay lãi nặng. Ngoài Khúc Tuấn Mạnh, cơ quan Công an còn bắt giữ 4 đối tượng Phan Thế Anh (SN 1999, trú huyện Thanh Trì, Hà Nội), Nguyễn Hồng Quân (SN 1996, trú quận Đống Đa, Hà Nội), Lê Văn Duẩn (SN 1996, trú huyện Vũ Thư, Thái Bình), Bùi Tuấn Anh (SN 1998, trú huyện Tiền Hải, Thái Bình).
Tại Cơ quan Cảnh sát điều tra, các đối tượng khai nhận, đầu tháng 10/2023, Khúc Tuấn Mạnh cùng một số đối tượng bàn bạc, thỏa thuận góp vốn tổ chức kinh doanh tài chính cho vay lãi nặng dưới hình thức “bốc bát họ”, tỷ lệ 10 ăn 8, lãi suất từ 146%/ năm đến 221%/năm.
Nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Mạnh thuê căn hộ ở tầng 21 chung cư UDIC Riverside rồi phân công nhiệm vụ cho các đối tượng Phan Thế Anh, Nguyễn Hồng Quân, Lê Văn Duẩn, Bùi Tuấn Anh sử dụng mạng xã hội để quảng cáo cho khách đang có nhu cầu vay tiền.
Căn cứ vào tài liệu thu giữ ban đầu, Công an quận Hà Đông xác định trong khoảng thời gian từ tháng 10/2023 đến tháng 3/2024, nhóm đối tượng này đã cho nhiều khách vay tiền, ở nhiều quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội như và một số tỉnh lân cận, với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.
Vụ việc đang được cơ quan Công an điều tra, làm rõ.
Người dân cần tìm hiểu rõ tính pháp lý khi bốc bát họ
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, trên cơ sở điều tra ban đầu, các đối tượng cho váy dưới hình thức bốc “bát họ” với tỷ lệ 10 ăn 8, lãi suất từ 146%/năm đến 221%/năm. “Bởi vậy, cơ quan chức năng hoàn toàn đủ cơ sở để xử lý trách nhiệm hình sự nhóm đối tượng vi phạm. Trên cơ sở xem xét, điều tra cũng như những yếu tố khách quan, chủ quan hoặc vai trò từng đối tượng, cơ quan chức năng sẽ lấy đó làm căn cứ để làm rõ, xử lý" - luật sư Nguyên phân tích.
Luật sư Nguyên viện dẫn, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự (tức cho vay với lãi suất từ 100%/năm trở lên) thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" theo Điều 201, Bộ luật Hình sự năm 2015. Tùy mức thu lợi bất chính từ hành vi cho vay lãi nặng mà khung hình phạt tội này có thể là phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 3 năm.
Trường hợp cho vay vượt mức 20%/năm nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (tức chưa tới mức lãi suất 100%/năm) thì bị xử phạt hành chính với quy định tại khoản 4 và khoản 7 Điều 12, Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định vi phạm như sau: mức xử phạt là 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với cá nhân vi phạm (đối với tổ chức thì mức phạt tiền là 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng). Đồng thời người vi phạm phải buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được đối với hành vi vi phạm.
Ngoài ra, cho vay nặng lãi thực hiện nhiều hành vi khác nhau liên quan đến việc đòi nợ như: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần, gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe hoặc có hành vi khác để lấy tài sản,… thì tùy từng trường hợp họ còn bị xử lý hình sự về tội phạm tương ứng, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Luật sư Nguyên khuyến cáo, khi có nhu cầu vay vốn người dân cần cẩn trọng tìm hiểu rõ tính pháp lý của đơn vị cho vay và đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng vay tiền xem lãi suất là bao nhiêu, cách tính lãi suất và có phương án trả nợ cụ thể. Trong trường hợp cần thiết, người vay có thể đến UBND nơi mình cư trú nhờ sự giúp đỡ của các đoàn thể, qua đó sẽ tiếp cận với các nguồn vốn vay phù hợp. Có như vậy mới vừa bảo vệ quyền lợi, tính mạng của bản thân, vừa góp phần giữ vững ổn định về an ninh trật tự ở cơ sở.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại