“Nhóm bao đồng” giữa tâm dịch thành phố Vinh
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNhững trái tim giàu lòng nhân ái !
Có lẽ những ngày qua, người dân tại TP Vinh, đặc biệt là những học sinh, sinh viên trên địa bàn TP, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn và thậm chí các chốt kiểm tra y tế, cũng như các bệnh nhân ở bệnh viện, cán bộ y tế...sẽ chẳng bao giờ quên được sự quan tâm, giúp đỡ và sẻ chia từ những người trong nhóm bao đồng.
Không kể những ngày nắng gắt, không kể trưa muộn hay tối khuya, những người trong "Nhóm bao đồng" vẫn lặng lẽ đưa cơm, nước đến các khu cách ly, chốt trực...cho cán bộ làm nhiệm vụ, và cho cả bệnh nhân ở các bệnh viện trên địa bàn TP Vinh.
Không chỉ thế, khi thấy nguồn thực phẩm, nhất là rau, quả...bắt đầu có dấu hiệu ít đi vì một số chợ, trong đó có chợ đầu mối phải tạm dừng để phòng chống dịch Covid-19, nhóm bao đồng lại kêu gọi khắp các nơi trên toàn tỉnh, gửi rau, củ quả về Vinh để chia sẻ sự khó khăn, thiếu thốn với những cảnh đời khó khăn trong tâm dịch.
Ngay lập tức hàng tấn rau, củ quả, đủ mọi loại được chuyển về 73 Lý Thường Kiệt (TP Vinh). Địa chỉ này nhóm bao đồng được một hộ dân cho mượn để làm điểm tập kết hàng hóa và phân phát nhu yếu phẩm cho người dân tại Vinh.
Cũng từ đây, những suất cơm, bát cháo chứa đựng tình người cứ thế xuyên đêm, xuyên ngày đến với những điểm nóng, cần chi viện, cần hỗ trợ trong tâm dịch TP Vinh.
Hình ảnh những suất cơm từ "Nhóm bao đồng" gửi cho những người làm nhiệm vụ tại các điểm chốt. |
Những người có trái tim ấm áp, đầy trách nhiệm và nhân văn này, họ không phải là một nhóm người giàu có hay dư giả gì.
Trong số đó có những người có “thâm niên” về hoạt động tình nguyện, nhân ái như anh Phan Hùng Sơn (SN 1971, Cửa Nam, TP Vinh), mọi người hay gọi anh với cái danh xưng trìu mến là "Sơn bốc vác", hay "Sơn Long" chợ Vinh.
Có lẽ nhân dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An, những người thậm chỉ ở vùng sâu vùng xa nơi biên giới miền tây Nghệ An như Bộ đội biên phòng, bà con dân bản chắc hẳn sẽ nhớ hình bóng người đàn ông nom “cùi bắp”, đầu trọc, tướng to cao mà mặt hiền hậu, dễ gần.
Anh có lẽ được xem là người truyền cảm hứng nhân đạo, sẻ chia, giúp đỡ cho bao người, đặc biệt là nhiều bạn trẻ tại TP Vinh, với việc chung tay cùng anh thực hiện nhiều chương trình thiện nguyện thiết thực tại địa phương.
Sơn Long - thật ra chỉ là một gã bốc vác ở chợ Vinh. Một cái tên nghe đến mà nhiều người trân quý. Anh là một người trẻ đầy nhiệt huyết, sống thiện lương và chỉ có một nghề ngoài việc làm từ thiện là bốc vác. Anh kiếm tiền cho cuộc sống của mình thông qua việc bốc vác được thuê ở chợ Vinh.
Và khi hết việc, anh lại chỉ làm từ thiện cùng một nhóm tình nguyện viên tuổi đang trẻ nhưng tấm lòng thì thật đẹp.
Giữa cái nắng như đổ lửa của tiết trời miền trung, giữa lúc dịch bệnh đang hết sức phức tạp. Nhóm bao đồng vẫn lặng lẽ đi từng nơi, đưa từng chút quà, bó rau, hộp cơm giản dị nhưng cần kíp và trách nhiệm.
Nó là sự động viên lớn, một sự chi viện cực kỳ quan trọng trong công tác phòng chống dịch tại địa bàn, nhất là đối với học sinh, sinh viên bị mắc kẹt trong tâm dịch, những gia đình thuê trọ lao động và cả những mảnh đời khó khăn giữa tâm dịch cam go.
Anh Sơn áo xanh cùng anh chị em thiện nguyện tại địa chỉ phát thực phẩm miễn phí trong TP Vinh những ngày này. |
Chia sẻ với PV, anh Sơn bộc bạch: “ Mình và rất nhiều người khác chung tay hỗ trợ nhau, giúp đỡ những ai cần giúp đỡ. Từ các nhóm thiện nguyện ở các nơi trong tỉnh, ngoài tỉnh, họ cũng chung tay và sẻ chia. Rồi đến các đơn vị như Đoàn thanh niên địa phương, cũng chung tay vào việc.
Rồi bà con nhân dân tại Vinh hay ở các huyện, có gạo, chuối, rau...đều gửi về Vinh rồi nhóm mình ở Vinh sẽ đi phát. Chung tay trong đại dịch là việc cần thiết, nhưng cũng phải đảm bảo đúng quy định phòng dịch. Tất cả sẽ cùng nhau đoàn kết vượt qua giai đoạn khó khăn này.”.
Họ là “những công dân ưu tú” !
Đúng như vậy, rõ ràng giữa TP Vinh những năm tháng qua, hay trong tâm dịch cam go lần này, rõ ràng những tình nguyện viên trong nhóm bao đồng được xem là những “công dân ưu tú”. Họ đã có quá nhiều hành động thiết thực, điều đó góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp để đẩy lùi Covid-19 trước thế trận hết sức cam go như tại Vinh nói riêng, tại tỉnh Nghệ An nói chung.
Họ ưu tú với những hành động, hoạt động nhân văn, lan tỏa tình người hết sức giá trị. Đâu chỉ mỗi câu chuyện trong mùa dịch bệnh này, nhóm bao đồng đã có biết bao việc làm ý nghĩa với nhân dân tỉnh nhà.
Trong đó phải kể đến chuyện quán cơm 2 nghìn tại 88 Phùng Khắc Khoan phường Hưng Dũng. Những suất cơm được nấu bằng tình yêu thương và trách nhiệm với những gia cảnh khó khăn, bệnh tật.
Quán cơm 2 nghìn đồng được xây dựng lên giữa lòng TP Vinh với bao nghĩa tình, ấm áp. Từ đây những người có hoàn cảnh khó khăn, điều trị bệnh ung thư, chỉ cần mỗi suất cơm phải trả 2 nghìn đồng, thậm chí là miễn phí nếu quá khó khăn.
Nhiều mảnh đời khó khăn được chia sẻ những bó rau, chai mỡ...ngay giữa tâm dịch |
Quán cơm này đi vào hoạt động khá lâu nay, trên dưới 1 năm tại TP Vinh. Giờ cơm nào người ta cũng thấy hàng chục người bệnh ở các bệnh viện gần đó xếp hàng lấy cơm giá 2 nghìn mà đủ dinh dưỡng, thực đơn phụ trợ thêm sức khỏe để người bệnh thêm an tâm, sức khỏe để tiếp tục chiến đấu với bệnh tật.
Không một mục đích cá nhân, không vụ lợi nào cả. Những con người của "Nhóm bao đồng" đã thật sự gieo những hạt duyên lành ấm áp, họ là cầu nối từ những người giàu lòng nhân ái, từ các mạnh thường quân với những mảnh đời khó khăn, bệnh tật.
Từ những gì kêu gọi hỗ trợ được, những người của nhóm bao đồng đã tự túc làm mọi thứ, họ giang tay thành một khối đoàn kết, yêu thương, để rồi cứ thế ngày qua ngày ngoài công việc kiếm sống, họ sẽ dành thời gian để nấu những bữa ăn ngon lành cho những mảnh đời khó nhọc khác.
Vừa nhặt bó rau, chai nước mắn bỏ vào túi xách nhỏ, ngay tại điểm tập kết thực phẩm thiện nguyện của nhóm bao đồng, một cụ ông dáng gầy gò, nhỏ thó bộc bạch: “Thật biết ơn các anh, chị, trong lúc khó khăn này chúng tôi lại nhận được sự giúp đỡ hết sức cần thiết. Bữa ăn được cải thiện dẫu có sự cách ly, phòng dịch. Thật biết ơn mọi người dân và các anh chị thiện nguyện”.
Giữa tâm dịch bộn bề những lo âu, nhóm bao đồng, những con người như anh Sơn lại trở nên đẹp đẽ, đáng ghi nhận và trân trọng vô cùng. Nhìn chị lao công, những em sinh viên được chia sẻ mớ rau xanh, chai nước mắm, my tôm, mỳ chính...mà thấy lòng vui biết bao nhiêu.
Ở đó sẽ lan tỏa hơn tình người, sẽ phát huy được sự đoàn kết và cả lương tâm, trách nhiệm của mỗi chúng ta trước hoạn nạn của cả xã hội hay của riêng ai đó.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại