“Nhìn thấy Bác, tôi rất xúc động”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênÔng Nguyễn Tiến Hà - Phó Trưởng ban thường trực Ban liên lạc Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu là nhân chứng lịch sử của ngày 2/9/1945. Ảnh: An Nhiên |
Sục sôi tinh thần cách mạng
Ở tuổi 96, người thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu Nguyễn Tiến Hà vẫn còn minh mẫn, nhanh nhẹn. Từng “thước phim” về ngày 2/9 lịch sử của toàn dân tộc dường như đã ăn sâu trong tâm trí ông, để ngày hôm nay, mỗi dịp đến ngày Quốc khánh, những ký ức sâu sắc ấy lại trực trào, đong đầy cảm xúc, niềm tự hào. Càng xúc động hơn khi ông được tận mắt nhìn thấy Bác Hồ, tận tai nghe Bác đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra đất nước.
Ông Hà là một trong những người đầu tiên tham gia Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. Ông kể, những năm 1944 - 1945, Hà Nội cũng như các tỉnh miền Bắc chịu nhiều tầng áp bức, bóc lột, Nhân dân sống trong cảnh lầm than. Đặc biệt nạn đói diễn ra ở thời điểm đó khiến hàng triệu đồng bào qua đời. Chứng kiến cảnh ấy, ông Hà nghĩ nếu gia đình mình rơi vào hoàn cảnh đó thì sẽ cay đắng như thế nào. Càng đau đáu bao nhiêu, ông càng quyết tâm bản thân phải làm điều gì đó ý nghĩa, góp phần giúp đất nước thoát khỏi xiềng xích của những thế lực áp bức, bóc lột. Ông cũng như nhiều đồng chí, đồng đội của mình khi nghe lời hiệu triệu của Bác Hồ “đem sức ta giải phóng cho ta chứ không dựa vào lực lượng nào” càng như được truyền thêm ý chí sục sôi, sức mạnh, tin tưởng vào con đường cách mạng.
Nhiệm vụ của Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu trước Cách mạng tháng Tám là canh gác bảo vệ các tổ chức hoạt động, bảo vệ, tránh nạn cướp bóc, đồng thời đi sâu vào quần chúng để tuyên truyền, giải thích cho Nhân dân hiểu rõ tôn chỉ mục đích của Mặt trận Việt Minh, phong trào cách mạng,…Không chỉ là người chiến sĩ kiên trung trên mặt trận chống những thế lực áp bức bóc lột dân tộc, ông Hà còn là một giáo viên dạy chữ Quốc ngữ năng nổ, nhiệt tình diệt “giặc dốt”. Bác Hồ từng nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” nên ông Hà càng cảm thấy trách nhiệm của mình là dạy con chữ cho người dân, góp phần giúp Nhân dân nâng cao kiến thức, sự hiểu biết, một lòng chống giặc, đi theo cách mạng.
Để chuẩn bị cho ngày 2/9/1945, Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu chính là lực lượng nòng cốt vận động người dân tham gia. Với toàn thể Nhân dân, đây là ngày lịch sử vô cùng thiêng liêng và ý nghĩa. Ai cũng muốn được góp mặt trong ngày lễ trọng đại của toàn dân tộc, để biết tình hình đất nước như thế nào, Chính phủ lâm thời ra sao và đặc biệt, còn được tận mắt nhìn thấy lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bằng xương, bằng thịt. Không chỉ Nhân dân Hà Nội mà Nhân dân của nhiều tỉnh thành cũng tiến về quảng trường Ba Đình để tham gia buổi mít tinh.
Ông Hà chia sẻ không khí ở Hà Nội ngày 2/9 và những ngày sau đó, người dân rất phấn khởi. Nhân dân ta đã bước qua một đêm dài nô lệ để đến ngày vinh quang, mọi người phấn khởi, tự do trao đổi về cách mạng, xây dựng đất nước một cách công khai, không phải bí mật như trước.
“Trước đây, chúng ta sống trong cảnh o ép, yêu nước cũng không được nói ra. Nhưng giờ được tự do, hô to các khẩu hiệu như: Việt Nam độc lập muôn năm; Chính phủ muôn năm; Đả đảo áp bức, bóc lột,…Nhất là từ sau ngày Bác đọc Tuyên ngôn độc lập, Nhân dân mới cảm thấy thấm thía, vui mừng vì từ một đất nước nô lệ, Nhân dân ta chuyển sang là người dân của đất nước tự do, độc lập, có chủ quyền, ngang hàng với thế giới. Vì thế người dân cảm thấy phấn khởi, tự hào lắm”, ông Hà chia sẻ.
Bác giản dị, gần gũi, ân cần mà thấm thía
Ngày 2/9/1945 cũng là lần đầu tiên ông Hà được tận mắt nhìn thấy Bác Hồ. Hòa vào dòng người đang sục sôi, hướng về Quảng trường Ba Đình, ông Hà mường tượng ra Bác Hồ - vị lãnh đạo của đất nước chắc hẳn là người có vóc dáng cao to, ăn mặc lịch sự. Thế nhưng, khi Bác bước ra, ông ngỡ ngàng vì Bác rất giản dị. Dáng người Bác gầy, mặc trên mình bộ kaki đã cũ. Lúc này, ông Hà rất xúc động, càng có thiện cảm với Bác hơn. Ông cảm nhận được rằng, Bác là người lãnh đạo đã phải chịu nhiều gian khổ, bôn ba để tìm con đường cứu nước, cứu dân. Khi Bác cất tiếng, giọng nói sang sảng, đanh thép nhưng chứa chan tình cảm đã thu hút sự theo dõi, tạo sự xúc động mạnh mẽ cho hàng vạn đồng bào.
“Bác Hồ tạo cảm xúc tin tưởng cho tôi và mọi người, rằng đây là con người vì dân, vì nước, chịu đựng gian khổ cùng Nhân dân chứ không phải sống trong nhung lụa hay là tầng lớp tách hẳn Nhân dân”, ông Hà xúc động kể lại.
Ông Hà cũng như nhiều người chứng kiến giây phút lịch sử ấy còn rất xúc động khi Bác đang đọc Tuyên ngôn độc lập nhưng đã dừng lại và hỏi một cách đầy tình cảm, quan tâm: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” khiến mọi người đều cảm động, giơ tay, hô to: “Rõ! Rõ! Rõ!”. Từ trước đến nay, thực dân Pháp có bao giờ hỏi dân như thế đâu, khi chúng nói, quát tháo, mọi người chỉ được nghe và tiếp thu thôi, lệnh của nó như thế. Còn Bác, là một người chủ động hỏi dân như một người trong gia đình, rất gần gũi với Nhân dân. Trong khi nói vẫn lo lắng Nhân dân nghe rõ hay không. Điều đó càng tạo cảm xúc kính trọng của tôi dành cho Bác”, ông Hà chia sẻ.
Lúc đó, Nhân dân được nhìn Bác tự nhiên, thoải mái, được nghe Người nói một cách rất ân cần, những câu nói thấm thía, bệnh vực quyền lợi của Nhân dân. Những kỷ niệm về ngày 2/9 chính là những dấu ấn cả cuộc đời ông không bao giờ quên.
Vinh dự của ông Hà cũng như nhiều đồng chí, đồng đội của mình là tháng 10/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. Đó là sự ghi nhận xứng đáng cho những cống hiến lớn lao của những người chiến sĩ đã kiên cường, anh dũng, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, giải phóng dân tộc. Trân trọng những giá trị lịch sử, thế hệ trẻ ngày hôm nay càng cần luyện đức, luyện tài, tiếp tục con đường bảo vệ Tổ quốc, xây dựng, phát triển đất nước để xứng đáng với sự hy sinh quên mình, công lao gìn giữ đất nước của cha ông.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại