Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đón nhận danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu |
Nhân kỷ niệm 67 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954 – 10-10-2021), Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu.
Vinh dự đón nhận danh hiệu cao quý, ông Lê Đức Vân (SN 1926) – Trưởng ban Liên lạc cựu thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu trước Cách mạng Tháng Tám bày tỏ: “Chúng tôi vẫn nhớ như in không khí sục sôi của những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi đó, chúng tôi chỉ là những chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi, mang trong mình ngọn lửa nhiệt huyết cách mạng, niềm tin theo Đảng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hôm nay, chúng tôi, người trẻ nhất cũng đã trên 90 tuổi và cũng chỉ còn 53 đội viên (tổng số 420 đội viên) còn được chứng kiến giờ phút xúc động và thật tự hào này. Chúng tôi luôn bày tỏ sự tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và niềm tin sâu sắc vào thế hệ trẻ hôm nay sẽ kế thừa xứng đáng truyền thống của thế hệ đi trước”.
Cách đây 77 năm, vào tháng 8-1944, trước yêu cầu của cách mạng và dưới sự lãnh đạo của Đảng, tại số 46 phố Bát Đàn (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) và cũng là nhà riêng gia đình ông Lê Đức Vân, Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu chính thức được thành lập.
Thời đó, ông Lê Đức Vân cùng đông đảo học sinh của các trường Bưởi, Thăng Long, Gia Long, Đồng Khánh, Văn Lang… đã hoạt động công khai, tuyên truyền về tổ chức Việt Minh ở nơi công cộng như các chợ, trường học, rạp chiếu bóng, xí nghiệp bằng nhiều hình thức từ tuyên truyền miệng đến rải truyền đơn nhằm chuyển tải đến mọi tầng lớp nhân dân về lý tưởng cách mạng soi đường.
Ông Lê Đức Vân với tờ báo "Hồn nước". Điều tự hào đây là những số báo duy nhất tại Hà Nội là "Tiếng nói của nam nữ thanh niên thành Hoàng Diệu" |
Trong ký ức của nhà giáo ưu tú Nguyễn Tiến Hà, Phó ban liên lạc thường trực cựu thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, những ngày thu Cách mạng Tháng Tám là khúc ca khải hoàn của tuổi trẻ Thủ đô những ngày tiền khởi nghĩa.
Ngày ấy, ông Nguyễn Tiến Hà là thanh niên đội tự vệ Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, tham gia cách mạng năm 1944. Với nhiệm vụ làm giáo viên dạy Truyền bá quốc ngữ, tổ chức bí mật của Mặt trận Việt Minh.
Ông làm nhiệm vụ dạy học tại trường “Công Ích” ngõ Chùa Liên Phái, Bạch Mai (nay thuộc quận Hai Bà Trưng) để dạy chữ cho người lao động. Thực tế để giúp cho người dân lao động thoát khỏi mù nạn mù chữ, đọc được truyền đơn, báo chí cách mạng.
Lớp lớp thanh niên ngày ấy, bằng sức trẻ, sáng tạo với nhiều hoạt động tiền khởi nghĩa và thúc đẩy phong trào Thanh niên Cứu quốc ngày một lớn mạnh. Vai trò của thanh niên đóng góp vào thành công ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội.
Sau hơn nửa thế kỷ, những cựu thanh niên xung phong ngày ấy đều ở tuổi xưa nay hiếm, song họ vẫn luôn là những tấm gương tiêu biểu cho thế hệ trẻ noi theo.
Mỗi năm vào đợt kỷ niệm ngày thu cách mạng, những nhân chứng lịch sử lại có dịp kể cho các thế hệ thanh niên tại các buổi gặp mặt nhân chứng lịch sử cách mạng truyền thống do Thành đoàn Hà Nội tổ chức.
Những câu chuyện lịch sử được kể lại về tinh thần quả cảm, quật cường của những chiến sĩ Thủ đô trong mưa bom lửa đạn, ngăn bước quân thù xâm lược đến nay vẫn là những bài học lịch sử tiếp lửa cho tuổi trẻ Thủ đô trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với những thành tích đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân" cho Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại