Ký ức hào hùng những ngày mùa thu Cách mạng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênÔng Vũ Quốc Kinh lưu giữ kỷ niệm chương của Đoàn thanh niên Cứu quốc Thành Hoàng Diệu. Ảnh Mộc Miên |
Ngày ấy, cậu thanh niên 19 tuổi là thợ giày trên phố Hàng Gai (Hà Nội) sớm được giác ngộ Cách mạng. Theo nhiệm vụ phân công, ông Vũ Quốc Kinh là một trong những thành viên Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu với nhiệm vụ rải, dán truyền đơn, chuyền tay các tin tức Cách mạng, kết hợp tổ chức các cuộc mít tinh, biểu tình trong công sở, trường học…
Giữa năm 1944, phát xít Nhật đảo chính Pháp, phong trào đội ngũ thanh niên Hà Nội tuyên truyền công khai và nhận được sự tham gia của đông đảo người dân. Trước ngày Tổng khởi nghĩa, nắm được tin Tổng hội viên chức của chính phủ Trần Trọng Kim sẽ tổ chức cuộc mít-tinh vào 14h chiều ngày 17/8/1945 tại Quảng trường Nhà hát Lớn, Đội thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu cùng hàng vạn thanh niên được triệu tập huy động đến dự và nhận nhiệm vụ “biến” buổi lễ thành cuộc mít-tinh ủng hộ Việt Minh, tạo tiền đề khởi nghĩa giành chính quyền ngày 19/8/1945.
Ngay trước giờ khai mạc, theo phân công đồng chí Thái Uy bảo vệ cho đồng chí Lê Phan lấy micro trên sân khấu giao cho chị Từ Trang Anh – nữ Thanh niên cứu quốc hô vang báo tin Nhật đầu hàng, phong trào Việt Minh ngày càng lên cao, bà con ủng hộ Việt Minh, ủng hộ toàn quốc giành thắng lợi. Sau đó, chị Nguyễn Khoa Diệu Hồng, đọc lời hiệu triệu được viết sẵn. Trong lúc đồng chí Từ Trang Anh nói, lá cờ đỏ sao vàng to lớn buông xuống từ Nhà hát Lớn. Ở bên dưới, các hội phụ nữ, công nhân, thanh niên, đi dự cũng giơ lá cờ đỏ được cất trong túi áo vẫy tạo thành cơn sóng ủng hộ Việt Minh, Việt Nam độc lập… Trong lúc cuộc mít tinh sục sôi khí thế, đội danh dự có một đồng chí giơ cao lá cờ bằng vải và hô vang: “Đồng bào theo tôi…”.
Cả dòng người đi theo lá cờ đỏ sao vàng, đi ngược con phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Giầy… Đoàn đã trở thành đoàn biểu tình lớn, rầm rộ như cơn lũ, đồng bào Nhân dân hai bên đường xuống đường ủng hộ. Ngay cả một số lính cảnh sát, lính bảo an cũng chạy theo. Cuộc mít tinh đã trở thành diễn đàn của Việt Minh, biến thành hàng chục cuộc biểu tình nhỏ trên khắp con phố Hà Nội, chỉ đến 7 – 8h tối mới kết thúc”.
Thời cơ Cách mạng đã đến. Thành ủy Hà Nội quyết định triệu tập Hội nghị của Ủy ban Quân sự Cách mạng sẽ khởi nghĩa giành chính quyền ngày 19/8/1945. Đúng 11g ngày 19/8/1945, cuộc mít tinh bắt đầu. Ngay sau khi nghe Ủy ban Khởi nghĩa hiệu triệu, quần chúng Nhân dân chia thành hai đoàn biểu tình có lực lượng vũ trang dẫn đầu đi chiếm Phủ khâm sai, Tòa thị chính, Trại bảo an binh và một số cơ sở hành chính khác. Đến chiều tối ngày 19/8/1945, hầu hết các cơ quan đầu não của chính quyền bù nhìn thân Nhật đã lọt vào tay Cách mạng.
Trong ngày Hà Nội tổng khởi nghĩa giành chính quyền, hình ảnh 2 vạn người dân tay cầm cờ đỏ sao vàng phấp phới bay, ai cũng hô hào “ủng hộ Việt Minh” với vẻ mặt rạng ngời, vui sướng trong ngày 19/8/1945 là hình ảnh lịch sử ghi dấu trong tâm can ông Vũ Quốc Kinh. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội ngày 19/8 đã tạo bước đệm cho các địa phương khác vùng lên giành thắng lợi hoàn toàn.
Đồng chí Trường Chinh, nguyên Tổng Bí thư của Đảng đánh giá: “Thắng lợi của Hà Nội mở đường cho thắng lợi của cả nước”. Cả nước theo gương Hà Nội, vận dụng kinh nghiệm khởi nghĩa ở Hà Nội nên đã nhất tề đứng lên khởi nghĩa thành công, giành được độc lập cho dân tộc. Đồng thời, Hà Nội khởi nghĩa thành công đã tạo điều kiện thuận lợi để chính quyền Cách mạng chủ động chuẩn bị cho ngày 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Theo dòng lịch sử, sau khi khởi nghĩa giành chính quyền thành công, lực lượng Đoàn thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu có nhiệm vụ vận động Nhân dân tham gia buổi lễ ngày 2/9. Lúc đó, không khí, tâm trạng của người dân Hà Nội đều sục sôi khí thế Cách mạng như ngọn đuốc rực cháy, niềm hân hoan khi đất nước được độc lập, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc ta. Sau ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội, ông Vũ Quốc Kinh tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp, giữ vai trò Tiểu đội trưởng, Trung đội phó Đại đội 74, Tiểu đoàn 164, Trung đoàn Tây Tiến. Từ năm 1947-1954, ông tham gia quân tình nguyện Việt Nam tại Lào.
Tháng 6/1956, ông Vũ Quốc Kinh chuyển ngành về Bộ Công nghiệp nhẹ Việt Nam, đảm nhận Phó Bí thư Thường trực - Đảng ủy Bộ Công nghiệp nhẹ kiêm Chủ tịch Công đoàn Bộ Công nghiệp nhẹ cho đến khi về hưu. Tháng 10/2021, Đoàn Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLLV Nhân dân vì “Đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược”.
Là thành viên Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, ông Vũ Quốc Kinh bày tỏ niềm vinh dự, tự hào khi được Đảng và Nhà nước trân trọng đánh giá cao những hi sinh, cống hiến của Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu - thuộc Mặt trận Việt Minh năm 1945.
Hiện, bức trướng, Bằng khen và Huân chương đã được lưu giữ trong phòng Truyền thống của Thành đoàn Hà Nội, làm minh chứng tự hào về truyền thống Anh hùng cho lớp thanh niên kế tiếp…
Ông Vũ Quốc Kinh tham gia hoạt động Cách mạng từ năm 1945, đến nay ông vinh dự khi nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng. Thời điểm này những con đường, ngõ phố Hà Nội rợp bóng cờ hoa, băng rôn kỷ niệm 78 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9. Những câu chuyện lịch sử của ông Vũ Quốc Kinh sẽ viết tiếp khúc tráng ca hào hùng của dân tộc qua 78 năm mùa thu Cách mạng. |
Các hoạt động văn hóa tiêu biểu kỷ niệm 78 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 | |
Chương trình nghệ thuật chính luận “Sao Độc lập” kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại