Thứ ba 28/03/2023 15:00
Chuyến công tác Thái Lan của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Việt Nam đã chia sẻ những ý tưởng, quan điểm mới về xu thế phát triển, định hướng của APEC

Về chuyến công tác Thái Lan của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn có cuộc trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí…
Việt Nam đã chia sẻ những ý tưởng, quan điểm mới về xu thế phát triển, định hướng của APEC
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn

- Xin Bộ trưởng cho biết những kết quả nổi bật của chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc?

- Chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thành công tốt đẹp, góp phần triển khai đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII, ưu tiên phát triển toàn diện quan hệ với các nước láng giềng và ASEAN, trong đó có Thái Lan.

Đây là chuyến thăm Vương quốc Thái Lan đầu tiên của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị mới, là chuyến thăm đầu tiên của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Thái Lan kể từ sau Đại hội Đảng XIII và từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, là dấu mốc trong quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường giữa Việt Nam và Thái Lan, tạo xung lực mới thúc đẩy hợp tác giữa hai nước; truyền đi thông điệp về quyết tâm của Lãnh đạo hai bên đưa quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường Việt Nam – Thái Lan phát triển ngày càng mạnh mẽ, toàn diện và hiệu quả hơn.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là Lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên Thái Lan đón song phương chính thức ngay trước thềm Hội nghị Cấp cao APEC. Các nhà Lãnh đạo Thái Lan đánh giá cao ý nghĩa quan trọng của chuyến thăm nhằm tạo tiền đề thuận lợi nâng tầm hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới trên cả bình diện song phương và đa phương trong bối cảnh hai nước đang tiến tới kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược vào năm 2023.

Với lịch trình làm việc dày đặc gồm gần 20 hoạt động trong chưa đầy 48 tiếng, Chủ tịch nước đã hội đàm với Thủ tướng Thái Lan; hội kiến Nhà Vua; hội kiến Chủ tịch Quốc hội; tiếp Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Thái Lan, thăm và nói chuyện với cộng đồng người Việt tại Thái Lan. Chủ tịch nước cũng đã tiếp một số lãnh đạo tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Thái Lan đang đầu tư tại Việt Nam; dự và phát biểu tại buổi gặp gỡ gần 20 doanh nghiệp tiêu biểu Thái Lan trên các lĩnh vực; khai trương Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan; chứng kiến Lễ công bố kết quả Dự án kết nối thanh toán bán lẻ song phương sử dụng mã QR. Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cũng có các hoạt động với các đối tác Thái Lan để trao đổi các nội dung hợp tác cụ thể.

Phía Thái Lan đón tiếp Chủ tịch nước và Đoàn đại biểu Việt Nam rất trọng thị, chu đáo với 21 loạt đại bác chào mừng Đoàn. Thủ tướng Thái Lan và Phu nhân cùng một số Bộ trưởng ra sân bay đón Chủ tịch nước và Phu nhân.

Chuyến thăm đã đạt được những kết quả rất toàn diện, thực chất và cụ thể, thể hiện ở bốn điểm sau:

Thứ nhất, Lãnh đạo hai nước đã thống nhất cao về những phương hướng thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu của mỗi bên; tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, triển khai hiệu quả các cơ chế song phương, đặc biệt là cơ chế họp Nội các chung do hai Thủ tướng chủ trì. Kết thúc chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố chung với thông điệp “Kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Thái Lan: mở ra chương mới của mối quan hệ Đối tác Chiến lược mạnh mẽ hơn nữa vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung” và năm văn kiện hợp tác gồm:

Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường giai đoạn 2022-2027; Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự; Bản ghi nhớ thiết lập quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khỏn-kèn, Thái Lan; và Bản ghi nhớ hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Ủy ban Thương mại Thái Lan; Thỏa thuận thúc đẩy hợp tác Thương mại và Đầu tư song phương giữa Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam và Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Thái Lan.

Thứ hai, hợp tác trên các lĩnh vực quan trọng, nhất là kinh tế, thương mại, đầu tư được tiếp thêm động lực mới, mở ra cơ hội mới. Lãnh đạo hai nước đã nhất trí tăng cường kết nối kinh tế, nhất là trên 3 lĩnh vực: Kết nối chuỗi cung ứng, tập trung vào các lĩnh vực hai bên có tiềm năng và bổ sung cho nhau; Kết nối doanh nghiệp và các địa phương hai nước; Kết nối các chiến lược tăng trưởng bền vững thông qua kết nối Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh đến năm 2030 của Việt Nam và mô hình kinh tế Sinh học - Tuần hoàn - Xanh (BCG) của Thái Lan. Hai bên cam kết phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 25 tỷ USD vào năm 2025 theo hướng cân bằng hơn thông qua các biện pháp tạo thuận lợi tiếp cận thị trường và giảm các hạn chế thương mại đối với hàng hóa của nhau.

Thứ ba, kết quả chuyến thăm một lần nữa khẳng định Việt Nam và Thái Lan là đối tác chiến lược, tin cậy trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế, khu vực, nhất là tại Liên hợp quốc, APEC, ASEAN và các diễn đàn hợp tác tiểu vùng Mê Công. Các nhà Lãnh đạo khẳng định phối hợp thúc đẩy một ASEAN đoàn kết, tự cường và phát huy vai trò trung tâm; hợp tác xây dựng tiểu vùng Mê Công kết nối, hòa bình và thịnh vượng; duy trì lập trường chung của ASEAN về Biển Đông, duy trì hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước UNCLOS 1982.

Thứ tư, trong gặp gỡ và nói chuyện với đại diện cộng đồng người Việt tại Thái Lan, Chủ tịch nước khẳng định những chủ trương, chính sách, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với người Việt Nam ở nước ngoài; đánh giá cao tấm lòng thủy chung và những hy sinh, đóng góp quý báu của kiều bào tại Thái Lan trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Trong các cuộc tiếp xúc, trao đổi với lãnh đạo Thái Lan, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đều đề nghị Thái Lan tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt tại Thái Lan, ủng hộ công tác của các hội đoàn người Việt ở sở tại; hỗ trợ hoạt động của hai Hội Hữu nghị Việt Nam - Thái Lan và Thái Lan - Việt Nam, vừa đóng góp cho xã hội sở tại, vừa góp phần vun đắp quan hệ hữu nghị và tình cảm giữa nhân dân hai nước.

Tóm lại, kết quả chuyến thăm mang lại lợi ích thiết thực cho hai nước, đóng góp tích cực vào xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, vì hòa bình, ổn định và hợp tác cùng phát triển trong khu vực và trên thế giới.

- Xin Bộ trưởng cho biết những kết quả nổi bật của Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 29 tại Bangkok, Thái Lan?

- Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 29 diễn ra trong bối cảnh thế giới và khu vực đối mặt với những thách thức chưa từng có. Kinh tế thế giới khó khăn, xung đột và bất ổn chính trị gia tăng, cạnh tranh nước lớn phức tạp, các vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng gay gắt. Trong bối cảnh đó, Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 29 có ý nghĩa quan trọng, với những kết quả nổi bật trên 4 phương diện sau:

Thứ nhất, đây là Hội nghị trực tiếp đầu tiên của các Nhà Lãnh đạo APEC sau 4 năm gián đoạn, qua đó tạo động lực để APEC tiếp tục là Diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực. Việc Lãnh đạo Cấp cao của 21 nền kinh tế nhóm họp, ra Tuyên bố chung đã truyền tải thông điệp mạnh mẽ về hợp tác, đối thoại và chủ nghĩa đa phương.

Thứ hai, các Nhà Lãnh đạo dành nhiều thời để trao đổi những vấn đề chiến lược, có ý nghĩa then chốt đối với sự phát triển của châu Á – Thái Bình Dương trong giai đoạn mới. Một là bảo đảm dòng chảy tự do của thương mại và đầu tư khu vực. Hai là kết nối toàn diện giữa các nền kinh tế, cả về hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, hạ tầng số và kết nối con người. Ba là chuyển đổi thành công sang mô hình tăng trưởng cân bằng, bền vững và bao trùm. Điểm nổi bật ở đây là sự đồng thuận về yêu cầu có cách tiếp cận mới, cân bằng toàn diện hơn. Hợp tác APEC phải vượt ra ngoài các vấn đề thương mại, đầu tư truyền thống, hướng đến sự cân bằng, bao trùm. Với nhận thức như vậy, các Nhà Lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung về Mô hình kinh tế sinh học – tuần hoàn và xanh – đề ra một chiến lược tăng trưởng mới sau đại dịch.

Thứ ba, Hội nghị lần này đã đặt những viên gạch đầu tiên cho việc kết nối APEC với các đối tác và các diễn đàn khu vực khác. Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo châu Âu và Trung Đông tham dự Hội nghị APEC. Cuộc Đối thoại cũng là dịp quan trọng để tìm kiếm các cơ hội mới, phát huy hơn nữa thế mạnh của mỗi diễn đàn, mỗi nền kinh tế.

Thứ tư, sự tham gia đông đảo và tích cực của cộng đồng doanh nghiệp cho thấy có sự gắn kết, kết nối rất chặt chẽ trong chương trình nghị sự và nội dung thảo luận ở cả kênh chính phủ và kênh doanh nghiệp, giúp tạo sự cộng hưởng và nâng cao hiệu quả hợp tác APEC.

- Xin Bộ trưởng cho biết đóng góp của Việt Nam tại Hội nghị Cấp cao năm nay?

- Trước hết, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham gia tích cực, chủ động, đóng góp một cách xây dựng vào tất cả các hoạt động của Hội nghị. Ngoài các phiên họp hẹp của Hội nghị Cấp cao, Chủ tịch nước đã tham gia Đối thoại với các khách mời, với cộng đồng doanh nghiệp và có bài phát biểu dẫn đề tại Diễn đàn thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2022. Bên cạnh đó, Chủ tịch nước và lãnh đạo các bộ, ngành đã có nhiều cuộc tiếp xúc, gặp gỡ với Lãnh đạo các nền kinh tế và các tập đoàn hàng đầu thế giới.

Hai là, đại diện các bộ, ngành của Việt Nam đã tham gia tích cực phối hợp với chủ nhà Thái Lan và các thành viên trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị cũng như quá trình xây dựng văn kiện để đem lại kết quả tốt nhất cho Hội nghị.

Ba là, đoàn Việt Nam đã chia sẻ những ý tưởng, quan điểm mới về xu thế phát triển, định hướng của APEC trong giai đoạn đầy thách thức hiện nay. Những đề xuất của Việt Nam nhận được sự hưởng ứng, đánh giá cao và được thể hiện trong văn kiện bởi có có tính đến lợi ích của tất cả các thành phần trong xã hội, các nền kinh tế, cũng như cân bằng giữa lợi ích ngắn hạn và dài hạn. Chúng ta cũng chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và những chính sách quan trọng đang triển khai.

Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khác biệt quan điểm giữa các thành viên ngày càng sâu sắc, chúng ta đã cùng các thành viên chủ động tạo thêm kênh trao đổi, để thu hẹp khác biệt, tìm kiếm tiếng nói chung, duy trì đồng thuận. Đây là điểm có ý nghĩa quan trọng đóng góp cho thành công của Hội nghị.

- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc
“Rộng mở - Kết nối - Cân bằng”
Nhật Nam
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»
Quan hệ chính trị - ngoại giao giữa Việt Nam và Chile ngày càng gần gũi và tin cậy

Quan hệ chính trị - ngoại giao giữa Việt Nam và Chile ngày càng gần gũi và tin cậy

Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, cựu Tổng thống Chile Michelle Bachelet Jeria (Mi-chen Ba-chê-lê Hê-ri-a) thăm Việt Nam từ ngày 25/3 đến ngày 3/4/2022 nhân dịp kỷ niệm 52 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Chile (25/3/1971 – 25/3/2023).
Hà Nội: Phân công công tác của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND TP

Hà Nội: Phân công công tác của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND TP

Ngày 27/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh ký Quyết định số 1739/QĐ-UBND về việc phân công công tác của Chủ tịch UBND TP, các Phó Chủ tịch UBND TP và các Ủy viên UBND TP nhiệm kỳ 2021-2026.
Việt Nam đề nghị UNFPA tiếp tục hỗ trợ xây dựng, triển khai các chính sách an sinh – xã hội

Việt Nam đề nghị UNFPA tiếp tục hỗ trợ xây dựng, triển khai các chính sách an sinh – xã hội

Tiếp tục chương trình tham dự Hội nghị Liên hợp quốc Rà soát toàn diện giữa kỳ việc thực hiện các mục tiêu của thập kỷ hành động “Nước vì sự phát triển bền vững” giai đoạn 2018 – 2022, ngày 23/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã tham dự với tư cách diễn giả chính tại Phiên đối thoại về hợp tác nước.
Hà Nội miễn, giảm phí, lệ phí đối với dịch vụ công trực tuyến

Hà Nội miễn, giảm phí, lệ phí đối với dịch vụ công trực tuyến

Ngày 28/3, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn ký ban hành Văn bản số 844/UBND-KSTTHC về việc tổ chức thực hiện miễn, giảm các khoản thu phí, lệ phí đối với các dịch vụ công trực tuyến khi công dân nộp hồ sơ trực tuyến.
Công tác thi đua khen thưởng tiếp tục đổi mới theo hướng thiết thực, kịp thời, hiệu quả

Công tác thi đua khen thưởng tiếp tục đổi mới theo hướng thiết thực, kịp thời, hiệu quả

Năm qua, được sự quan tâm, tạo điều kiện và chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Sở Tư pháp TP thực hiện tốt nhiệm vụ Trưởng Khu vực thi đua các TP trực thuộc Trung ương.
Hà Nội: Dự kiến trao tặng trên 120.000 suất quà cho người có công

Hà Nội: Dự kiến trao tặng trên 120.000 suất quà cho người có công

Theo Kế hoạch số 67/KH-UBND vừa được UBND TP Hà Nội xây dựng về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023), UBND TP Hà Nội dự kiến có 121.215 suất quà sẽ được gửi tặng tới các đối tượng với tổng kinh phí là 192.888.000.000 đồng.
Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần

Tăng cường công tác truyền thông chính sách; đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi, phát triển KTXH... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 18-24/3/2023.
Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần

Một số giải pháp tháo gỡ khó khăn để thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; tập trung giải quyết những vướng mắc kéo dài liên quan đến quản lý và sử dụng đất; thành lập 5 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công;... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 13-17/3/2023.
Đâu là nguyên nhân chủ quan của việc du lịch Việt Nam “đi trước về chậm"?

Đâu là nguyên nhân chủ quan của việc du lịch Việt Nam “đi trước về chậm"?

Chỉ số về năng lực phát triển du lịch của Việt Nam tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp hạng 52/117 nền kinh tế. Với 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, du lịch Việt Nam là một trong ba nước có mức tăng trưởng cao nhất. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn cần khắc phục.

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn X
Phiên bản di động