Nhiều mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên1- CA huyện Ba Vì tuyên truyền Luật an toàn giao thông, đường bộ cho học sinh. Ảnh: CACC |
PBGDPL cho học sinh với nhiều hình thức sáng tạo, linh hoạt
CA quận Hà Đông là một trong những đơn vị chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời nhiều vụ học sinh, sinh viên, trẻ vị thành niên tụ tập mang hung khí giải quyết mâu thuẫn. Để có được kết quả này, CA quận đã triển khai đồng bộ các giải pháp, nắm chắc tình hình cơ sở, làm tốt công tác giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, triển khai tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và các mặt công tác phòng ngừa xã hội.
Năm học 2022 – 2023, trên địa bàn quận Hà Đông xảy ra 5 vụ việc liên quan đến học sinh vi phạm pháp luật; có vụ việc gần 20 học sinh gây rối trật tự công cộng trên địa bàn quận. Tất cả đều trong độ tuổi từ 14 đến dưới 16 tuổi. Để làm rõ những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ trong độ tuổi vị thành niên, học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật, bạo lực học đường, CA quận Hà Đông đã tổ chức các buổi tuyên truyền, hoạt động ngoại khóa, đặc biệt là Tọa đàm chủ đề “Phòng, chống vi phạm pháp luật của học sinh trên địa bàn quận Hà Đông” với sự tham dự của đại diện ngành Giáo dục, các em học sinh, các bậc phụ huynh…
Thông qua các hoạt động trên nhằm làm rõ những nguyên nhân, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của các em học sinh, các bậc phụ huynh. Từ đó nâng cao giải pháp phòng ngừa triệt để các vụ việc tương tự trong thời gian tới, nhất là đối với công tác phòng ngừa xã hội. Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng CA quận Hà Đông, CA quận đã phối hợp với Phòng Giáo dục & Đào tạo, Ban giám hiệu các trường trên địa bàn tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, PBGDPL gắn với mô hình chuyên đề “Hành trình mái trường an toàn". CA quận cũng đã phối hợp tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền PBGDPL với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, nội dung thiết thực, phù hợp với lứa tuổi như: Luật an toàn, an ninh mạng; Phòng chống bạo lực học đường; Phòng chống ma tuý, An toàn giao thông; Phòng cháy chữa cháy…
Nhằm mục đích nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) của phụ huynh và học sinh các cấp học trên địa bàn quận năm học 2023 - 2024; CA quận Hà Đông đã triển khai Kế hoạch cao điểm về Tăng cường tuyên truyền, PBGDPL; xử lý vi phạm về TTATGT đối với học sinh, sinh viên. Đầu tháng 9/2023, lượng CSGT – TT, CA quận Hà Đông đã tổ chức ra quân tuyên truyền, xử lý vi phạm theo chuyên đề: Học sinh vi phạm không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, đi xe phân khối lớn tham gia giao thông nhằm chấn chỉnh, tạo tiền đề xây dựng văn hoá giao thông cho đối tượng học sinh, sinh viên ngay từ những ngày đầu tiên của năm học mới.
Kế hoạch cao điểm về Tăng cường tuyên truyền, PBGDPL; xử lý vi phạm về TTATGT đối với học sinh, sinh viên được triển khai thực hiện từ ngày 05/9/2023 đến hết năm học. Lực lượng CSGT -TT, CA quận thường xuyên tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm của các em học sinh; đồng thời phối hợp với ngành giáo dục thông báo về nhà trường nơi các em đang học tập để có hình thức giáo dục, xử lý phù hợp.
Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, xây dựng trường học an toàn
Ba Vì là một huyện ngoại thành Hà Nội, vấn đề đảm bảo TTATGT đối với học sinh luôn được các cấp, các ngành của huyện quan tâm, triển khai quyết liệt, đồng bộ. Trong đó, huyện tập trung, chú trọng công tác tuyên truyền PBGDPL về TTATGT cho học sinh và đã được CA huyện Ba Vì triển khai một cách hiệu quả.
Vừa qua, hưởng ứng “Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh tới trường”, Đoàn Thanh niên CA huyện Ba Vì tổ chức tuyên truyền An toàn giao thông học đường cho hơn 1.700 học sinh, cán bộ, công nhân viên của trường THPT Ba Vì. Các em học sinh được cán bộ Đội CSGT-TT, CA huyện, trình bày nhiều nội dung trọng tâm trong Luật Giao thông đường bộ, trong đó nhấn mạnh những tình huống giao thông và các vấn đề thực tiễn mà các em học sinh thường xuyên gặp phải như: Phân tích các hành vi vi phạm phổ biến, nguyên nhân, hậu quả những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, điển hình; phổ biến những quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia và quy tắc tham gia giao thông an toàn; hình thức và mức xử phạt đối với nhóm các hành vi vi phạm phổ biến…
Hàng năm, quận Hoàng Mai đều có kế hoạch về công tác PBGDPL cho học sinh, sinh viên trên địa bàn. Năm học 2023-2024, CA quận Hoàng Mai phối hợp với CATP Hà Nội tổ chức nhiều buổi tuyên truyền cho học sinh. Hơn 1.000 em học sinh khối 7, 8 của trường THCS Đại Kim đã được cán bộ CSGT CA quận và CSGT CATP đã tuyên truyền giúp các em hiểu được hầu hết các vụ tai nạ giao thông xảy ra đều có nguyên nhân chủ yếu là người tham gia giao thông không chấp hành tốt Luật giao thông đường bộ, đường sắt và để giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông bắt buộc người dân, các em học sinh phải tự giác chấp hành Luật giao thông, các em đã biết được với độ tuổi ở cấp THCS (dưới 16 tuổi), học sinh chỉ được điều khiển xe đạp điện. Cùng với đó, các em được hướng dẫn khi tham gia giao thông an toàn bằng xe đạp hay xe đạp điện…
Các buổi tuyên truyền phòng, chống ma túy, tác hại của thuốc lá được CA quận phối hợp với CATP tổ chức giúp học sinh hiểu rõ tác hại của ma túy làm huỷ hoại sức khoẻ, làm mất khả năng lao động, học tập, làm cho thần kinh người nghiện bị tổn hại. Hiện nay, chất gây nghiện mới núp bóng dưới các dạng thực phẩm, trong cả những gói kẹo, chai nước hay cốc trà sữa không có nguồn gốc, xuất xứ, dễ xâm nhập vào học đường. Các em biết được nguyên nhân dẫn đến sử dụng ma túy và cách phòng tránh; dấu hiệu nhận biết người sử dụng ma túy; các quy định của pháp luật về xử phạt các đối tượng sử dụng, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển về ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, trường học, xã hội trong phòng, chống ma túy.
Theo lãnh đạo CA quận Hoàng Mai, qua công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú đã giúp các em học sinh nhận thức sâu sắc hơn về việc phải tự giác chấp hành Luật giao thông để bảo vệ chính mình, bảo vệ những người cùng tham gia giao thông; phòng, tránh được tác hại của thuốc lá; nhận thức sâu sắc về hiểm họa của ma túy, đặc biệt là nâng cao cảnh giác về các loại ma túy, chất gây nghiện mới hiện nay. Các em học sinh sẽ có ý thức cảnh giác và tự phòng tránh để cùng với nhà trường quyết tâm không để ma túy có cơ hội xâm nhập vào môi trường học đường.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại