Thứ sáu 29/03/2024 04:34

Nhiều cơ hội việc làm, học nghề dành cho người khuyết tật

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hội người khuyết tật Hà Nội đã phối hợp tổ chức “Hội chợ việc làm cho thanh niên khuyết tật” với chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh là 1.1007 chỉ tiêu, trong đó 889 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh lao động là người khuyết tật.
Nhiều cơ hội việc làm, học nghề dành cho người khuyết tật
Quang cảnh buổi tọa đàm "Hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật do ảnh hưởng của dịch Covid-19".

Do ảnh hưởng dịch Covid-19, cơ hội việc làm cho NKT càng thêm khó...

Sáng 9/9, Hội người khuyết tật Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức Toạ đàm "Hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật do ảnh hưởng củ dịch Covid-19". Toạ đàm nằm trong khuôn khổ “Hội chợ việc làm cho thanh niên khuyết tật” tại Sàn giao dịch việc làm Hà Nội, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, số 215 phố Trung Kính, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội; thuộc Dự án “Tư vấn cầu nối tới tương lai: Hội chợ việc làm cho thanh niên trong khối ASEAN tại Việt Nam” do quỹ ASEAN tài trợ.

Tại hội chợ, ban tổ chức tổ chức buổi tọa đàm “Hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật do ảnh hưởng của dịch Covid-19”. Thông qua chương trình, ban tổ chức mong muốn tạo điều kiện và cơ hội cho lao động là người khuyết (NKT) có nhu cầu tìm kiếm học nghề và việc làm được tiếp cận với các doanh nghiệp, đơn vị, các trường nghề,... có nhu cầu tuyển sinh, tuyển dụng.

Phát biểu tại toạ đàm, ông Trịnh Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Hội NKT Hà Nội cho biết, đối với NKT thì việc làm chính là con đường bền vững để NKT thực sự là một phần của xã hội. Có việc làm, NKT không chỉ có cơ hội tiếp xúc với xã hội mà còn có thu nhập, tạo dựng cuộc sống tự lập. Nhiều người không chỉ lo cho cá nhân mà còn tạo việc làm cho nhiều người khác, với những chính sách, chương trình, đề án hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho NKT của nhà nước.

Nhiều cơ hội việc làm, học nghề dành cho người khuyết tật
Ông Trịnh Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Hội người khuyết tật Hà Nội phát biểu tại tọa đàm.

Thực hiện kế hoạch, chiến lược và tầm nhìn của mình, Hội NKT Hà Nội luôn trăn trở với những khó khăn của NKT, làm sao để hội viên các quận huyện tự lập trong cuộc sống. Theo đó, Hội đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội và Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên Hà Nội tổ chức các phiên giao dịch việc làm lồng ghép NKT, tổ chức Ngày hội việc làm cho NKT, mời lãnh đạo trung tâm dịch vụ việc làm tư vấn, trang bị cho hội viên các kỹ năng, kiến thức cần thiết khi tham gia thị trường lao động. Bên cạnh đó, hội còn phối hợp với nhiều cơ quan ban ngành khác để dạy nghề, liên hệ, kết nối và tiếp nhận những lao động là NKT.

Ông Dũng cho biết thêm, vào giữa tháng 6 vừa qua, trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ sau dịch Covid-19 của báo Tuổi trẻ, thực hiện công văn của Thành đoàn Hà Nội, Hội NKT Hà Nội đã triển khai thực hiện xét chọn và trao vốn (sinh kế) cho 50 thanh niên khuyết tật gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, Hội cũng phối hợp với các doanh nghiệp trong công tác tạo việc làm như ký thỏa thuận hợp tác và triển khai các dự án nhằm tạo việc làm bền vững cho NKT trên địa bàn. Xây dựng clip về vấn đề việc làm của NKT nhằm nâng cao nhận thức của NKT và cộng đồng về khả năng làm việc của NKT. Biên soạn và in cuốn sổ tay về định hướng công việc và tìm kiếm việc làm cho thanh niên khuyết tật.

“Công tác tạo việc làm cho NKT của Hội NKT Hà Nội được thực hiện bằng nhiều con đường khác nhau phù hợp với các hoàn cảnh và dạng tật khác nhau nhằm hướng đến mục tiêu giúp NKT tự chủ về kinh tế, không ai bị bỏ lại phía sau”, ông Dũng thông tin.

Nhiều cơ hội việc làm, học nghề dành cho người khuyết tật
Bà Trần Thị Thuần, Giám đốc HTX Tâm Ngọc chia sẻ tại tọa đàm.

Sẵn sàng giúp đầu tư khởi nghiệp với mức vốn... 50 triệu đồng

Phát biểu tại tọa đàm, bà Trần Thị Thuần, Giám đốc HTX Tâm Ngọc cho biết, với NKT, cơ hội việc làm ở nông thôn và vùng núi càng thêm khó khăn. Thời gian dịch Covid-19, tạo công ăn việc làm cho NKT giúp NKT chủ động cuộc sống và gây dựng hạnh phúc.

“Với chúng tôi, HTX nhận NKT vào làm trồng trọt theo hướng hữu cơ, trồng cây dược liệu, chăn nuôi theo hướng mới, áp dụng theo quy trình chuẩn thì vừa đảm bảo sức khoẻ, vừa đảm bảo công việc. Chỉ cần NKT có nghị lực, cố gắng vươn lên thì có thể làm được. Ngoài ra, đơn vị cũng phát triển chăm sóc sắc đẹp bằng thảo dược và đông y nên NKT có thể ngồi 3-4 tiếng thì đều có thể đến học hỏi, làm việc. HTX sẵn sàng giúp đầu tư mức ban đầu là 50 triệu đồng cho các bạn NKT khởi nghiệp”, bà Thuần chia sẻ.

Chia sẻ tại tọa đàm, bà Đỗ Thị Phương Hoa, Phó Trưởng Ban Pháp luật và Xã hội, Báo Kinh tế và Đô thị cho biết, với mong muốn tạo thêm nhiều việc làm cho NKT, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, cũng như có khuyến nghị xây dựng chính sách an sinh cho NKT, vừa qua, báo Kinh tế và Đô thị; Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) đã tổ chức tọa đàm trực tuyến “Quyền làm việc của NKT – Từ chính sách đến thực tiễn” .

Bà Phương Hoa nêu, lao động là NKT gặp rất nhiều khó khăn khi tìm kiếm việc vì thiếu kỹ năng, kiến thức; thậm chí nhiều người không biết khả năng hay sở thích của mình là gì. Không chỉ vậy, vấn đề NKT đang gặp phải đó chính là tâm lý của họ, của người thân trong gia đình bao bọc nhiều quá hoặc buông xuôi.

NKT gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm còn bởi không có nguồn tiếp cận cơ hội, như không có điện thoại thông minh để vào mạng, không biết sử dụng mạng xã hội. Nhà nước khuyến khích các DN tuyển dụng lao động là NKT nhưng các công ty lại không mặn mà vì thiếu những cơ chế. Trong khi đó, doanh nghiệp tuyển dụng NKT vào làm việc đồng nghĩa với phải thay đổi cơ sở hạ tầng để NKT tiếp cận được...

Tọa đàm do báo KT&ĐT tổ chức với sự tham dự của hơn 20 cơ quan báo chí, thu hút sự theo dõi trực tuyến của hơn 3.000 độc giả và được độc giả đánh giá là chương trình thiết thực, hiệu quả và cung cấp góc nhìn đa chiều trong tìm kiếm cơ hội việc làm của NKT.

"Qua tọa đàm giúp các chủ doanh nghiệp có cái nhìn xác thực hơn khi tuyển dụng lao động khuyết tật vào làm việc. Từ thực tế đang diễn ra, các chuyên gia, chủ doanh nghiệp là NKT đã đề xuất những giải pháp để đảm bảo quyền được làm việc của NKT cũng như chính sách hỗ trợ họ tham gia bảo hiểm xã hội để sau này có lương hưu…" - bà Phương Hoa nhấn mạnh.

Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước, báo KT&ĐT cũng góp thêm tiếng nói với mong muốn cơ quan chức năng có thể tham khảo các khuyến nghị trong buổi tọa đàm nhằm xây dựng chính sách tạo việc làm và bảo hiểm xã hội cho NKT một cách phù hợp. Đây không chỉ là thực hiện trách nhiệm đối với xã hội, tăng số người lao động tham gia bảo hiểm xã hội mà từ đó góp phần đảm bảo an sinh cho người dân, trong đó có NKT. Bà Phương Hoa cũng nêu thực tiễn về công tác truyền thông chính sách với NKT và giải pháp để công tác này được thúc đẩy hơn nữa.

Nhiều cơ hội việc làm, học nghề dành cho người khuyết tật
NKT tìm kiếm cơ hội việc mà tại Hội chợ.

Tại tọa đàm, ông Tống Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và cung ứng nhân lực hàng không đã chia sẻ những cơ hội việc làm dành cho NKT. Như lời ông Thanh Hải, NKT vẫn có nhiều cơ hội việc làm trong ngành hành không ví như bán vé máy bay...

Đáng chú ý, NKT đã đặt câu hỏi với các diễn giả và phản ánh rằng, cơ hội việc làm với họ là có nhưng để bám trụ lâu dài với công việc và có mức thu nhập cao ổn định thì đó là vấn đề không hề dễ dàng.

Cùng chung băn khoăn với nhiều chủ doanh nghiệp khác, bà Trần Thị Thuần, Giám đốc HTX Tâm Ngọc, mong rằng, các cơ quan truyền thông quan tâm tuyên truyền hơn nữa đến những chính sách cho NKT; cần có cơ chế nộp bảo hiểm xã hội đặc thù với đối tượng lao động là NKT.

Hội chợ việc làm cho thanh niên khuyết tật được tổ chức theo hình thức trực tiếp và online nhằm giúp những NKT sớm tìm được việc làm, ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng. Hội chợ việc làm cho thanh niên khuyết tật có sự tham gia của 41 đơn vị, DN tham gia, trong đó có 25 DN tuyển dụng, tuyển sinh lao động là NKT. Tổng chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh là 1.1007 chỉ tiêu, trong đó 889 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh lao động là NKT.
Tọa đàm “Quyền làm việc của người khuyết tật – Từ chính sách đến thực tiễn” Tọa đàm “Quyền làm việc của người khuyết tật – Từ chính sách đến thực tiễn”

Sáng 30/8, tại trụ sở báo Kinh tế & Đô thị (21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội) diễn ra tọa đàm “Quyền ...

Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động