Nhân viên thẩm mỹ viện giữ người trái pháp luật đối mặt với hình phạt nào?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHai nhân viên thẩm mỹ viện giữ người trái pháp luật |
Liên quan đến vụ 2 nhân viên thẩm mỹ viện quốc tế V.B.A, có địa chỉ tại Nguyễn Khang, phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội giữ người chỉ vì khách không mua gói dịch vụ của thẩm mỹ viện, ngày 18-11, Đại tá Dương Văn Hiếu, Trưởng CA quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, cơ quan đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, SN 1997, trú ở Canh Nậu, Thạch Thất, Hà Nội và Lê Văn Đức, SN 1996, trú tại Xuân Chinh, Thường Xuân, Thanh Hóa về tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật.
Theo thông tin từ CQCA, ngày 25-9, chị H, SN 1974 ở Từ Sơn, Bắc Ninh được thẩm mỹ viện quốc tế V.B.A, cho xe ô tô đón miễn phí từ nhà đến cơ sở để được tư vấn về gói sản phẩm chăm sóc, làm đẹp da. Sau quá trình tư vấn, chị H không sử dụng bất cứ gói sản phẩm nào và đòi về.
Ngay sau đó, hai nhân viên thẩm mỹ viện là Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và Lê Văn Đức đã yêu cầu chị H trả tiền xe đến đón. Hai người giải thích, nếu chị H tham gia gói dịch vụ thì có xe đưa đón miễn phí, còn không thì phải trả tiền xe. Chị H không đồng ý thì bị 2 đối tượng giữ lại không cho về.
Đến khoảng 18g30 cùng ngày, lực lượng Cảnh sát 113 CA quận Cầu Giấy nhận được thông tin đã đến cơ sở thẩm mỹ viện kiểm tra, xác minh vụ việc, đưa những người liên quan về trụ sở. Tại CQCA, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và Lê Văn Đức đã khai nhận hành vi phạm tội của mình.
Hiện CA quận Cầu Giấy đang củng cố hồ sơ, xử lý các đối tượng theo quy định.
Liên quan việc này, dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, khi một người đã giữ người trái pháp luật thì tùy tính chất, mức độ của hành vi vi phạm sẽ phải đối mặt với các biện pháp, chế tài khác nhau. Cụ thể, nếu thuộc trường hợp khoản 1 Điều 157 BLHS 2015 quy định về tội giữ người, giam người trái pháp luật, khung hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Nếu phạm tội ở mức độ nghiêm trọng hơn, ví dụ như có tổ chức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, phạm tội từ 2 lần trở lên đối với người già phụ nữ thì có thể đối mặt với hình phạt từ 2-7 năm.
Mức hình phạt nặng nhất lên đến 12 năm đối với trường hợp là làm cho người bị bắt, bị giữ, bị chết, hoặc tự sát,... hoặc dùng các biện pháp như tra tấn, đối xử tàn bạo với phụ nữ, gây thương tích, hoặc tổn hại sức khỏe, mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61 % trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội, nếu có chức vụ, quyền hạn có thể chịu hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Trong vụ việc trên, hành vi của 2 nhân viên BV thẩm mỹ nêu trên thuộc hành vi giam, giữ người trái pháp luật. Chiêu trò mời khách hàng tham gia các gói dùng thử dịch vụ chăm sóc sức khỏe làm đẹp không còn mới lạ, đó là 1 hình thức quảng cáo, xúc tiến bán hàng lành mạnh của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc mời các khách hang đến dùng thử và tư vấn dịch vụ bằng xe đưa đón, khi khách hàng không mua dịch vụ thì không cho xe đưa về thậm chí giam, giữ khách hàng ở lại thì tôi chưa thấy bao giờ, hành vi này đã vi phạm pháp luật.
“Đây là hành vi vi phạm pháp luật, cần xử lý nghiêm minh, nếu không sẽ tạo tâm lý không tốt cho mọi người khi họ mong muốn sử dụng các dịch vụ trong đó có dịch vụ làm đẹp. Có rất nhiều cách để quảng cáo dịch vụ tới khách hàng, mà cách đơn giản nhất là tạo ra dịch vụ tốt nhất, chất lượng hoàn hảo nhất, các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ làm đẹp cần tỉnh táo, khôn ngoan để tránh mắc phải sai lầm phải trả giá đắt trong hoạt động kinh doanh của mình”, luật sư Thái khuyến cáo.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại