Nguy cơ chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ do lạm dụng thiết bị điện tử
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Ảnh minh họa. |
Một trường hợp cụ thể do ThS.BSNT Đỗ Thùy Dung - Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ cho thấy thực tế này. Bé trai 4 tuổi được gia đình đưa đến khám vì chậm nói. Là con đầu, sinh non ở tuần 36 với cân nặng 2,6 kg, bé chủ yếu sống cùng ông bà do bố mẹ bận rộn công việc. Từ nhỏ, bé tiếp xúc nhiều với tivi và điện thoại, thường xuyên được cho xem các thiết bị này khi ăn, chơi hoặc quấy khóc.
Từ 15 tháng tuổi, bé biết đi nhưng chưa nói được từ nào. Đến 2 tuổi, bé chỉ nói được vài từ đơn, không thể ghép từ, vốn từ hạn chế và thường im lặng. Khi 4 tuổi, bé vẫn nói không rõ nghĩa, sót âm và khó hiểu. Dù có thể tương tác với gia đình, chơi đồ chơi, giao tiếp cơ bản như vẫy tay, gật đầu, thể hiện cảm xúc khi không được đáp ứng nhu cầu, nhưng so với bạn bè cùng lứa, bé vẫn có biểu hiện chậm phát triển ngôn ngữ.
Gia đình quyết định đưa bé đến Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai. Qua thăm khám, bé được chẩn đoán mắc rối loạn ngôn ngữ diễn đạt và cần theo dõi thêm để phân biệt với rối loạn phổ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ hoặc rối loạn tăng động giảm chú ý. Hiện bé đang được trị liệu ngôn ngữ và can thiệp tâm lý, đồng thời gia đình cũng được hướng dẫn cách chăm sóc và quản lý hành vi của trẻ.
Theo TS.BS Vũ Sơn Tùng - Trưởng phòng Sức khỏe tâm thần trẻ em và vị thành niên, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, chậm phát triển ngôn ngữ có thể do nhiều nguyên nhân, bao gồm bất thường giải phẫu, tổn thương thần kinh, rối loạn phổ tự kỷ, thiếu tương tác gia đình và đặc biệt là lạm dụng thiết bị điện tử (trẻ từ 1 đến 3 tuổi sử dụng thiết bị điện tử trên hai giờ mỗi ngày).
Dấu hiệu cảnh báo rối loạn ngôn ngữ ở trẻ xuất hiện ngay từ những tháng đầu đời. Trẻ từ 0 đến 6 tháng tuổi không giao tiếp bằng mắt, không phản ứng khi được gọi tên, không quay đầu về phía âm thanh. Từ 6 đến 12 tháng tuổi, trẻ không hứng thú với trò chơi tương tác, không phản ứng với cử chỉ hoặc âm thanh xung quanh. Từ 12 đến 18 tháng tuổi, trẻ không đáp lại khi được gọi tên, không nói được từ đơn. Khi lên 2 tuổi, trẻ không thể nói khoảng 50 từ đơn, không thể ghép hai đến ba từ thành câu. Đến 3 tuổi, trẻ không thể kết hợp từ thành câu dài, không đặt câu hỏi, không sử dụng được ít nhất 200 từ.
Theo thống kê, hơn 60% trẻ chậm ngôn ngữ không theo kịp bạn bè cùng lứa, dẫn đến khó khăn trong học tập, hạn chế giao tiếp xã hội và ảnh hưởng đến sự phát triển sau này. Để giúp trẻ phát triển tốt hơn, TS.BS Vũ Sơn Tùng khuyến nghị các bậc phụ huynh hạn chế thời gian trẻ sử dụng thiết bị điện tử, tăng cường tương tác trực tiếp, dạy trẻ thông qua trò chơi, đọc sách và đưa trẻ đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường về ngôn ngữ.
Tất cả trẻ em bị nghi ngờ chậm nói nên được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa tâm thần, bác sĩ trị liệu ngôn ngữ hoặc các chuyên gia can thiệp sớm để có đánh giá chính xác. Việc can thiệp trước 3 tuổi giúp trẻ cải thiện 25% khả năng học tập, giảm chi phí điều trị và tăng cơ hội hòa nhập xã hội. Trường hợp của bé trai 4 tuổi là lời cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ về tác hại của việc lạm dụng thiết bị điện tử và tầm quan trọng của sự can thiệp sớm trong phát triển ngôn ngữ của trẻ.
![]() | Thụt tháo đại tràng không đúng cách có thể gây nguy hiểm tính mạng |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại