Thứ tư 17/04/2024 02:13

Nguy cơ biến dạng biệt thự cũ - Kỳ 2: Hàng chục biệt thự trong danh mục quản lý vẫn bị phá dỡ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sau năm 2009, ngay sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, tình trạng tự ý sửa chữa, phá dỡ biệt thự cũ ở Hà Nội tạm lắng xuống. Từ năm 2014 trở về đây rất nhiều biệt thự cũ được Sở Xây dựng đưa ra khỏi danh mục biệt thự trong diện quản lý vì chúng được xây sau năm 1954. Đương nhiên, việc làm trên của Sở Xây dựng cũng gây ra không ít tranh cãi về tính chính xác trong việc xác định tuổi đời không ít biệt thự.

Chấm dứt phá dỡ biệt thự cũ tại Hà Nội

Năm 2009, đang lúc trào lưu tự ý cải tạo, sửa chữa, thay đổi hiện trạng, công năng, thậm chí là phá biệt thự để xây cao ốc lên cao tới mức đáng báo động thì Chính phủ kịp thời ban hành Thông báo số 348/TB-VPCP yêu cầu UBND TP Hà Nội chỉ đạo dừng ngay việc phá các nhà biệt thự cũ và xây dựng các nhà cao tầng trong khu vực trung tâm. Ngay cả với các khu chung cư cũ, khi cải tạo, cũng cần thực hiện chủ trương bảo đảm nghiêm ngặt các yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đô thị như mật độ xây dựng, tỷ lệ đất dành cho giao thông, cây xanh...

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã ban hành Văn bản số 12421/UBND-XD ngày 31-12-2009 chỉ đạo: Sở Xây dựng, UBND các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình: Kiên quyết dừng ngay việc phá các nhà biệt thự cũ và cấp giấy phép xây dựng các tòa nhà cao tầng trong khu vực trung tâm... Hà Nội đã lập danh sách xử lý những chủ đầu tư cố tình phá dỡ biệt thự, đồng thời không cấp giấy phép xây dựng cho các biệt thự như (số 11 phố Lê Phụng Hiểu; số 18 phố Hàng Chuối; số 33, 35 phố Lý Thường Kiệt; số 69 phố Nguyễn Du...

Sau Thông báo số 348/TB-VPCP của Chính phủ có thể thấy các văn bản trong quản lý biệt thự cũ ở Hà Nội rất thiếu. Đến năm 2007, Chính phủ mới có Nghị định quản lý. Sau đó, Bộ Xây dựng xây dựng Luật xây dựng, thông tư hướng dẫn một số vấn đề liên quan đến biệt thự. Cho đến cuối năm 2013, Hà Nội chính thức ban hành Quyết định số: 52/2013/QĐ-UBND: “Về việc ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn TP Hà Nội”. Lúc này, biệt thự cũ mới được chia thành 3 nhóm để dễ bề quản lý.

Trước đó, vào năm 2011 đến năm 2013, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội đã phối hợp với Viện Quy hoạch và Kiến trúc Đô thị (ĐH Xây dựng) thực hiện việc rà soát, chấm điểm, xếp loại danh mục 1.540 căn biệt thự thuộc mọi thành phần sở hữu trên địa bàn TP. Từ kết quả chấm điểm, Hà Nội đưa 1.253 căn vào danh mục thuộc đối tượng quản lý, sử dụng theo Quy chế quản lý, sử dụng biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1954 và được phân thành 3 nhóm.

Nhóm 1 gồm 225 căn (được đánh giá từ 70 đến 100 điểm) là những biệt thự gắn liền với di tích lịch sử văn hóa, các sự kiện chính trị được được xếp hạng theo quy định của pháp luật, các biệt thự có giá trị đặc biệt về kiến trúc; Nhóm 2 có 382 căn (50-69 điểm) là những biệt thự có giá trị về kiến trúc nhưng không thuộc nhóm một; chiếm số lượng lớn nhất là nhóm 3 với 646 biệt thự (dưới 50 điểm) không thuộc nhóm 1 và nhóm 2.

Theo xếp loại trên, 312 biệt thự bị loại bỏ khỏi Quy chế quản lý, sử dụng do không còn giá trị bảo tồn, tôn tạo. Lý do, những biệt thự đó thuộc diện “đã bị xây dựng mới; bị phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại một phần; biến dạng, xuống cấp nghiêm trọng; biệt thự xây dựng sau năm 1954; nhà mặt phố trước đây bị xác định nhầm là biệt thự; một số trường hợp bị nhầm địa chỉ”.

nguy co bien dang biet thu cu ky 2 hang chuc biet thu trong danh muc quan ly van bi pha do
Biệt thự hai mặt tiền số 20 Trần Hưng Đạo (nằm trên mặt tiền hai phố Trần Hưng Đạo và phố Phan Huy Chú) được đưa ra khỏi danh mục quản lý biệt thự cũ xây trước năm 1954. Ảnh: T.P

Có quy định, nhiều biệt thự vẫn tiếp tục bị phá dỡ

Việc loại bỏ 312 biệt thự ra khỏi danh mục đã được HĐND TP phê duyệt quản lý đã khiến buổi chất vấn trong một kì họp HĐND TP Hà Nội vào cuối năm 2014 trở nên sôi động. Đại diện Ban pháp chế HĐND TP, đại biểu Nguyễn Hoài Nam đặt câu hỏi liên quan đến nguyên nhân nào dẫn đến quyết định đưa 312 biệt thự có trong danh mục được HĐND TP phê duyệt ra khỏi danh mục mà không có ý kiến của HĐND? Sau buổi chất vấn này, UBND TP chỉ đạo Thanh tra TP tiếp tục làm rõ câu chuyện về 312 biệt thự nói trên.

Bước sang những ngày cuối năm 2015, Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội công bố Báo cáo giám sát, trong đó có việc thực hiện Kết luận thanh tra xác định 312 biệt thự không thuộc đối tượng quản lý theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn Hà Nội. Theo kết quả giám sát: 63 biệt thự tự phá dỡ, xây mới cơ quan quản lý không có hồ sơ, không xác định được thời điểm xây dựng; 19 biệt thự báo cáo là biến dạng hoàn toàn và xuống cấp nghiêm trọng nhưng không có hồ sơ đánh giá, thẩm định chất lượng; 2 biệt thự báo cáo là không tìm thấy nhưng thực tế đã tìm thấy; 48 biệt thự báo cáo đã phá dỡ, xây mới nhưng trên thực tế vẫn còn là biệt thự (16 biệt thự vẫn còn; 35 biệt thự chỉ sửa chữa, cơi nới, nâng tầng); 45 nhà (biệt thự) báo cáo không phải là biệt thự thì thực tế có 8 nhà là biệt thự…

Báo cáo của HĐND TP cũng chỉ ra lỗ hổng trong quản lý biệt thự, mặc dù Thủ tướng, UBND TP chỉ đạo dừng việc cấp phép xây dựng, phá dỡ biệt thự song Sở Xây dựng, UBND một số quận không thực hiện nghiêm túc, đã cấp phép để phá dỡ và xây dựng công trình mới ở 25 biệt thự cũ.

Năm 2014, sau câu chuyện rút 312 biệt thự ra khỏi danh mục quản lý của Sở Xây dựng đã khiến không ít người nghi ngại, bởi rõ ràng đây là những biệt thự có giá trị bất động sản và kiến trúc rất cao. Khi không còn nằm trong sự quản lý cũng đồng nghĩa với việc chủ nhân của chúng có thể thoải mái cải tạo, sửa chữa, định đoạt số phận của chúng thông qua mua, bán, cho, tặng...

Bước sang năm 2017, ông Lê Văn Dục, GĐ Sở Xây dựng Hà Nội đã thừa nhận buông lỏng quản lý biệt thự và cho biết sẽ tiếp tục rút 148 biệt thự ra khỏi danh mục quản lý. Điều này được Sở Xây dựng đề cập đến trong tờ trình về việc điều chỉnh danh mục biệt thự. Như vậy, sẽ có sự điều chỉnh danh mục 970 biệt thự trong Nghị quyết số 18 theo hướng: Đề xuất đưa 20 biệt thự ra khỏi danh mục và xác định là công trình nhà ở có kiến trúc; đưa 2 biệt thự ra khỏi danh mục và xác định là nhà phố; đưa 3 biệt thự ra khỏi danh mục vì thống kê hai lần; điều chỉnh 22 biệt thự thành 29 biệt thự (tăng 7 biệt thự do trước đây có 2 biệt thự song lập riêng biệt nhưng lại ghép vào một số nhà); điều chỉnh địa chỉ của 51 biệt thự; xác định 123 biệt thự đã phá dỡ hiện nay đang là đất trống hoặc đã cải tạo xây dựng lại thành nhà cao tầng…

Sau khi điều chỉnh, danh mục 970 biệt thự của Nghị quyết số 18 sẽ còn 853 biệt thự. Trong báo cáo thẩm tra của HĐND TP, 2 Ban gồm: Pháp chế và Ban Đô thị cho rằng, việc điểu chỉnh trên là đúng thẩm quyền.

nguy co bien dang biet thu cu ky 2 hang chuc biet thu trong danh muc quan ly van bi pha do Buộc chủ đầu tư phải tháo dỡ hạng mục vi phạm luật

Năm 2016, chủ đầu tư công trình 68 - 70 phố Thợ Nhuộm, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm từng bị UBND phường phạt ...

Khắc Hạnh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động