Người phụ nữ khiếm thị chinh phục 2 tấm bằng Thạc sĩ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChị Đỗ Thúy Hà nhận bằng Thạc sĩ ngành Lãnh đạo toàn cầu, trường ĐH Việt – Nhật. Ảnh: M.Miên |
Hành trình chinh phục tri thức
Vừa đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội Người mù quận Đống Đa (Hà Nội) vừa học Thạc sĩ chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại trường ĐH Thương mại (chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh) và Thạc sĩ ngành Lãnh đạo toàn cầu, trường ĐH Việt - Nhật (ĐH Quốc gia Hà Nội), chị Đỗ Thúy Hà là tấm gương sáng cho tinh thần nỗ lực, vượt lên chính mình.
Đầu tháng 8/2022, chị Hà vinh dự nhận tấm bằng Thạc sĩ thứ hai ngành Lãnh đạo toàn cầu, trường ĐH Việt - Nhật. Chia sẻ về thành tích học tập, chị Hà khiêm tốn cho biết, đó là những nỗ lực được đền đáp xứng đáng.
Chị Hà nhớ như in câu nói của cậu con trai 6 tuổi: “Buổi tối mẹ không ngủ à?” hay “Đến lúc nào mẹ học xong để chơi với con”. Lúc đó, chị rơi nước mắt, nghẹn đắng trong lòng. Thời gian 4 năm theo đuổi 2 tấm bằng Thạc sĩ chị Hà đã phải đánh đổi nhiều thời gian dành cho con cái, cho tổ ấm gia đình. May mắn là chị nhận được sự động viên, khích lệ từ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, thầy cô tiếp lửa vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Ngoài tấm gương thành tích học tập, chị Hà còn làm tốt công tác chuyên môn, quản lý tại Hội Người mù quận Đống Đa. Năm 2021, đợt dịch bệnh Covid-19 diễn biến căng thẳng tại Hà Nội, trong đó quận Đống Đa là “vùng đỏ”, chị Hà cùng với Hội Người mù quận Đống Đa đã vận động từ nguồn xã hội hóa 400 suất quà trao tặng cho các hội viên trong Hội. Nhiều hoàn cảnh hội viên khó khăn, mất việc làm vì dịch Covid-19 được hỗ trợ, giúp giảm gánh nặng trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, chị Hà còn là Chủ nhiệm CLB khiêu vũ người khiếm thị Hà Nội (SoLaR) với 50 thành viên. Lớp học đặc biệt không chỉ là lớp học khiêu vũ thể thao dành cho người khiếm thị đầu tiên tại Việt Nam mà còn là lớp học được tổ chức hoàn toàn miễn phí. 3 năm thành lập, CLB SolaR đã tổ chức thành công 2 cuộc thi “Bước nhảy xóa mọi khoảng cách”, thu hút đông đảo hội viên người khiếm thị tham gia. Tại “Bước nhảy xóa mọi khoảng cách” mùa thứ 2, chị Đỗ Thúy Hà giành 7 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc.
Chị Đỗ Thúy Hà cho biết, việc tập luyện bộ môn khiêu vũ giúp người khiếm thị yêu đời hơn, lạc quan hơn, lan tỏa hình ảnh đẹp tới cộng đồng. Thời gian qua, bộ môn khiêu vũ thể thao (Dance-sport) đã dần đi vào đời sống tinh thần của người khiếm thị Hà Nội.
Bản lĩnh vượt qua bóng tối
Có được thành công ngày hôm nay, ít ai biết, chị Đỗ Thúy Hà đã có hành trình vượt qua bóng tối khiến nhiều người nể phục. Hồi 6 tuổi, đôi mắt chị Hà mờ đục, gia đình đã đi chạy chữa khắp nơi nhưng bác sĩ kết luận chị bị thoái hóa võng mạc mắt từ khi còn bẩm sinh, một trường hợp rất khó chữa trị. Và một ngày buồn tủi nhất đến với Hà, đó chính là khi cô giáo thông báo với gia đình: “Cháu khó có thể tiếp tục học được nữa vì mắt hầu như chẳng còn nhìn thấy chữ”. Từ đó, Hà không chỉ đối diện với thứ bóng tối của cuộc sống mà còn đối diện với bóng tối của tương lai.
Năm 9 tuổi, chị Hà được vào học lớp Braille (chữ nổi) dành cho người khiếm thị tại trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội). Tại đây, chị đã hòa nhập cùng các bạn sáng mắt bình thường và những bạn cùng cảnh ngộ. Sau 12 năm liên tục giữ thành tích học tập xuất sắc, năm 2000, chị là đại diện của trường tham gia cuộc thi Olympic tiếng Anh toàn miền Bắc và giành giải Ba cuộc thi. Điều đặc biệt là trong số 500 thí sinh tham dự chỉ thì duy nhất chị Hà là người khiếm thị.
Tốt nghiệp PTTH, chị Hà tham gia Hội Người mù quận Đống Đa với tư cách là ủy viên BCH Hội. Cảm thông với những thiệt thòi của Hội viên khi chưa biết đọc và viết chữ nổi và với mong muốn đem lại khả năng tự đọc và viết, chị đã mở lớp và trực tiếp đứng dạy cho 15 học sinh.
Năm 2004, chị thi đỗ khoa tiếng Anh, Viện ĐH Mở Hà Nội. Tại đây, bên cạnh tiếng Anh, chị còn tiếp xúc với tiếng Nhật. Nhờ chiếc máy tính với phần mềm hỗ trợ đọc màn hình được gia đình tặng nhân dịp đỗ ĐH đã giúp ích rất nhiều cho công việc học tập. Trong một lần lên mạng tra cứu tài liệu, chị biết có một khóa học bổng về kỹ năng lãnh đạo dành cho người khuyết tật châu Á - Thái Bình Dương tại Nhật Bản nên đã nộp hồ sơ đăng ký. Vượt qua 350 hồ sơ, chị lọt vào danh sách phỏng vấn dành cho 30 ứng viên, vòng này lại tiếp tục lựa chọn 7 đại diện của 7 nước khác nhau tham gia khóa học. Thúy Hà là đại diện Việt Nam duy nhất trúng tuyển.
Giờ đây, bóng tối đã không còn là rào cản trong cuộc sống, với chị Hà, ánh sáng không chỉ được nhìn từ đôi mắt mà còn được tìm thấy từ trong tâm hồn của mỗi người. Hành trình vượt qua khó khăn thì cuộc sống mới thực sự giá trị.
Hiện tại, Hội Người mù quận Đống Đa có 200 hội viên, trong đó các hội viên tham gia hoạt động thường xuyên vào khoảng 120 người. Là người cán bộ tận tụy, chị Đỗ Thúy Hà đã có nhiều đóng góp và đạt thành tích cao trong phong trào xây dựng Hội, được các cấp biểu dương, khen thưởng: Bằng khen “Người tốt, việc tốt” do UBND TP Hà Nội trao tặng (năm 2009); Tấm gương phụ nữ tự tin, tự trọng, Trung hậu đảm đang (năm 2013), Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu 2013. Danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú 2016; Bằng khen Hội Người mù Việt Nam; Cờ thi đua xuất sắc do UBND TP Hà Nội trao tặng. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại