Nghị lực của cô gái dân tộc đỗ thủ khoa “kép”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTỏa sáng với bảng thành tích học tập “khủng”
Quàng Thị Quỳnh Anh (SN 1988, tại Điện Biên). Cô là số ít nữ sinh ngành múa giành danh hiệu thủ khoa “kép” (đầu vào và đầu ra) tại trường ĐH Sân khấu và điện ảnh Hà Nội. Mới đây, Quỳnh Anh lọt top 88 gương mặt thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc các trường ĐH, Học viện trên địa bàn TP Hà Nội năm 2020. Đón nhận niềm vui từ danh hiệu, Quỳnh Anh chia sẻ rằng, cô cảm thấy bất ngờ khi nhà trường thông báo tên cô đạt thủ khoa, bởi trong trường nghệ thuật còn nhiều gương mặt nổi bật khác. Cùng với đó là niềm hãnh diện khi là một trong hai đại diện dân tộc thiểu số lọt top 88 gương mặt thủ khoa năm 2020. Quỳnh Anh bày tỏ lòng biết ơn tới “hậu phương” vững chắc từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đã giúp cô theo đuổi đến cùng đam mê với nghề múa.
Trong đó phải kể đến người thầy đặc biệt trong cuộc đời - NSND Nguyễn Công Nhạc - thầy giáo tâm huyết, sáng tạo truyền lửa tình yêu nghề múa đến với bao thế hệ sinh viên. Thời điểm gia đình Quỳnh Anh gặp biến cố khi ba mất vì bạo bệnh, chính thầy Nguyễn Công Nhạc là người động viên cô học trò miền núi vững tâm với nghề.
Tỏa sáng với bảng điểm tổng kết toàn khóa 8,65/10, Quỳnh Anh xuất sắc đạt danh hiệu thủ khoa tốt nghiệp tại trường. Trong 4 năm đèn sách, cô còn đạt các danh hiệu khác như: Giải Nhì thi tài năng học sinh sinh viên khoa Múa năm 2017; Huy chương Bạc biên đạo múa đơn ca “Hát đợi anh về” tại Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc năm 2018; Danh hiệu học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu giai đoạn 2017 – 2019; Học bổng Vừ A Dính do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng năm 2019.
Thể hiện tài năng biên đạo múa ở bài thi tốt nghiệp, Quỳnh Anh còn được biết là biên đạo có nhiều ý tưởng sáng tạo, độc lạ. Bật mí về 2 tác phẩm cô nhận được điểm số cao từ Hội đồng chuyên môn, lấy cảm hứng từ những điệu múa của bà con dân tộc Thái, Quỳnh Anh đã sáng tạo hai tác phẩm mang chất liệu Mông và Khơ Mú. Đầu tiên là bài thi “Trăng treo” (dân tộc Mông) nói về thân phận của những thiếu nữ dân tộc Mông luôn bị gò bó trong một khuôn phép phong tục tập quán nhưng ẩn chứa những tâm hồn luôn mong muốn, ước mơ vươn ra để được tự do đi theo và lựa chọn cuộc sống của riêng mình.
Để lột tả hình ảnh, Quỳnh Anh sử dụng chất liệu múa dân gian đương đại vừa để lột tả được những điệu múa Mông truyền thống vừa pha trộn múa hiện đại để động tác và cơ thể diễn viên phóng khoáng và cá tính hơn trong việc thể hiện vai diễn. Ở bài thi thứ hai, Quỳnh Anh chọn “Sáng sớm lên rồi...!” (dân tộc Khơ Mú). Ý tưởng bài được hội đồng chấm thi và khán giả khen ngợi vì chủ đề mới mẻ, lạ mắt.
Bài biên đạo múa tốt nghiệp xuất sắc của Thủ khoa Quàng Thị Quỳnh Anh trong tác phẩm “Sáng sớm lên rồi...!” (dân tộc Khơ mú). Ảnh: NVCC |
Nỗ lực đam mê với nghề
Trở thành sinh viên múa xuất sắc, ít ai biết được, Quỳnh Anh có một gia cảnh đặc biệt. Cô gái dân tộc Thái xuất thân trong gia đình có 5 chị em, bố từng tham gia bộ đội. Khi Quỳnh Anh học năm đầu ĐH, gia đình cô có biến cố lớn, mẹ vừa chữa trị ung thư, bố cô một thời gian ngắn sau cũng mắc bệnh hiểm nghèo và mất. Thời điểm đó, con trai Quỳnh Anh mới được 3 tuổi. Vượt qua nỗi đau từ sự mất mát của người thân, cuộc sống khó khăn, Quỳnh Anh từng nghĩ sẽ nghỉ học.
May mắn, cô nhận được sự động viên của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và thầy cô để nỗ lực hết mình hoàn thành xuất sắc chương trình học với quả ngọt là tấm bằng thủ khoa. “Tôi may mắn có được người chồng, bố mẹ chồng, gia đình 2 bên tin tưởng, động viên giúp đỡ mình để mình toàn tâm toàn ý cố gắng phấn đấu trong học tập và công tác. Chồng tôi làm cơ quan Nhà nước nên con cái chủ yếu là bà nội chăm sóc. Có những lúc con ốm mà đến khi khỏi bệnh rồi mẹ chồng tôi mới nói vì sợ tôi lo lắng không tập trung vào học được”, Quỳnh Anh rưng rưng.
Trước câu hỏi, trong suốt 4 năm học, đâu là áp lực lớn nhất chị phải đối diện? Quỳnh Anh bộc bạch: “Đó là 4 năm học tại trường những năm đầu do bản thân là diễn viên ở 1 tỉnh miền núi ít được tiếp xúc với nghệ thuật múa hiện đại nên tính cách có phần rụt rè. Nhưng thay vào đó tôi có sự trải nghiệm 8 năm làm việc tại Đoàn nghệ thuật tỉnh Điện Biên nên tôi luôn khai thác điểm mạnh để làm ưu thế trong việc học tập. Với ngành nghề múa càng thực hành càng có kinh nghiệm. Học không bao giờ là đủ. Học thầy, học bạn, học đồng nghiệp, học xã hội. Có cơ hội để học là tôi tiếp cận. Cả quá trình 4 năm ĐH gặp không ít trở ngại và có nhiều lúc bản thân cũng nản chí. Nhưng có lẽ được di truyền bản chất bộ đội từ người bố đã mất của mình, “không có gì là không thể””. Bên cạnh việc học, Quỳnh Anh “chạy show” để kiếm thêm thu nhập nuôi lại nghề. Với tâm thế làm nghề nghiêm túc, “không đốt cháy giai đoạn”, cô gái dân tộc Thái nhận được kỳ vọng lớn từ người hâm mộ cho đam mê làm nghề nghiêm túc của mình.
Bén duyên với nghề múa từ năm 15 tuổi, từ lần “mạo hiểm” một mình xuống Thủ đô dự thi lớp trung cấp trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật quân đội. Sau 8 năm công tác tại đoàn nghệ thuật tỉnh, Quỳnh Anh vẫn nuôi ước mơ bước chân lên giảng đường ĐH. Với số điểm thủ khoa đầu vào, Quỳnh Anh coi đó động lực để cô nỗ lực hết mình với đam mê.
Hiện, Quỳnh Anh đang làm việc tại Đoàn Nghệ thuật tỉnh Điện Biên. Cô cho biết, dù nhận được nhiều lời mời từ các đơn vị nghệ thuật Hà Nội, nhưng cô luôn biết ơn “cái nôi” từ Đoàn Nghệ thuật tỉnh nhà giúp cô theo đuổi với đam mê ngành múa. Quay trở về đơn vị công tác và cống hiến, cô thủ khoa được cơ quan tạo điều kiện tham gia xây dựng những tác phẩm múa mới trong kế hoạch tập huấn hàng năm và cùng với đồng nghiệp chuẩn bị xây dựng chương trình nghệ thuật chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên, giữ vai trò biên kịch múa những tác phẩm dân tộc để phục vụ bà con trên địa bàn tỉnh.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại