Thứ bảy 23/11/2024 11:48

Người phụ nữ bị liệt nửa người từ thói quen ăn uống

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Một phụ nữ ở Hà Tĩnh nhập viện trong tình trạng liệt nửa người. Qua chụp MRI phát hiện một nửa bán cầu não có rất nhiều khối u. Đây là nguyên nhân dẫn đến bệnh nhân bị liệt.
Người phụ nữ bị liệt nửa người từ thói quen ăn uống
Mọi người khi ăn thủy hải sản tái, sống đều có nguy cơ nhiễm giun đầu gai, vì thế phải thực hiện ăn chín, uống sôi (ảnh minh họa)

Sau khi thăm khám, GS-TS. Bác sĩ Nguyễn Văn Đề, nguyên Trưởng bộ môn Ký sinh trùng (trường Đại học Y Hà Nội) xác định bệnh nhân bị nhiễm giun đầu gai và ký sinh ở trong não, chính giun này gây nên những khối u bên trong và dẫn tới bị liệt.

Theo GS. Đề, khi bị nhiễm ký sinh trùng, nếu không được phát hiện kịp thời sẽ rất nguy hiểm, đặc biệt là dễ nhầm lẫn sang những căn bệnh khác. Ví dụ sán lá gan lớn gây tổn thương gan dễ nhầm với ung thư gan hoặc gây tràn dịch màng phổi dễ nhầm với lao hay sán lá phổi gây ho ra máu hay tràn dịch màng phổi cũng dễ nhầm với lao... Với trường hợp nhiễm giun đầu gai, giun này gây bệnh ấu trùng di chuyển ở người rất khó chẩn đoán.

Trường hợp bệnh nhân nữ ở Hà Tĩnh khi nhập viện bị liệt, có u trong não khá đặc biệt. Bệnh nhân sau đó được chỉ định dùng thuốc đặc hiệu, chỉ sau một liệu trình hình ảnh chụp chiếu lại cho thấy các khối u ở bán cầu não đã giảm hẳn. Tình trạng liệt của bệnh nhân cũng được giải quyết, có thể đi lại được bình thường, điều trị liệu trình 2 là khỏi. Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết thường xuyên ăn thủy hải sản.

Tương tự, một trường hợp khác ở Lào Cai về bệnh viện tại Hà Nội điều trị sưng tay kèm theo ngứa suốt 3 năm không đỡ. Bệnh nhân này cũng được GS. Đề phát hiện giun đầu gai và cho điều trị đặc hiệu nên đã khỏi.

Trước đó, tại Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương cũng từng tiếp nhận một nam thanh niên ở Đan Phượng, Hà Nội bị nhiễm giun đầu gai, nơi loại giun này ký sinh là ở phần bìu, sau đó lại chạy lên thành bụng. Bệnh nhân sau khi bị ngứa ngáy, da vùng bìu sưng phồng thành từng đợt, sẩn nề và đau nên đã đi khám.

Sau khi thăm khám, kết quả bệnh nhân được chẩn đoán sơ bộ bị nhiễm ấu trùng di chuyển dưới da do ký sinh trùng gây nên. Bệnh nhân được điều trị theo phác đồ, dùng thuốc đến ngày thứ 8 thì tổn thương vùng thành bụng bên phải khu trú lại và tự bắt được bệnh phẩm nghi ngờ ký sinh trùng.

Qua xét nghiệm xác định, ký sinh trùng bệnh nhân mắc phải là giun đầu gai. Khai thác tiền sử, bệnh nhân này cho biết, anh có thói quen ăn thịt ếch nướng và đây chính là nguyên nhân khiến anh nhiễm ký sinh trùng.

GS. Đề cho biết, khi ấu trùng giun đầu gai xâm nhập vào cơ thể, chúng không nằm cố định ở một chỗ mà “di chuyển” đến các bộ phận khác. Có thể ở dưới da, có thể lên não, vào tim, gan… Do vậy, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe.

Không chỉ ở nông thôn mà ngay cả thành thị nguy cơ nhiễm giun đầu gai luôn hiện hữu trong lươn, cá... Vì vậy, mọi người khi ăn thủy hải sản tái, sống đều có nguy cơ nhiễm giun đầu gai. Khi vào cơ thể nó là ấu trùng chứ không phải con trưởng thành, sau đó nó sẽ gây tổn thương ở các bộ phận mà chúng ký sinh như dưới da, tim, gan, não…

Để phòng giun đầu gai, GS. Đề khuyến cáo việc đầu tiên cần thực hiện đó là phải ăn chín, uống sôi nhất là các loại thủy hải sản. Đặc biệt, các loại lươn, cá, ếch nhái làm gỏi hoặc nướng tái nguy cơ mắc sẽ rất cao.

Ngoài ra, mọi người cần chú ý các biểu hiện bất thường như ngứa dưới da, có các ổ áp xe trong gan, não… phát hiện qua chụp chiếu thì cần nghĩ đến bệnh do ký sinh trùng gây nên. Từ đó đi thăm khám đúng chuyên khoa để được phát hiện và điều trị kịp thời.

Bệnh giun đầu gai do ký sinh trùng Gnathostoma ký sinh ở người gây ra, đây là một loại ấu trùng giun tròn, thường gặp là loài Gnathostoma spinigerum. Biểu hiện bệnh: Nổi mề đay mạn tính; Nổi u cục có kích thước to nhỏ không đều, có tính di chuyển (hội chứng ấu trùng di chuyển dưới da và hội chứng ấu trùng di chuyển nội tạng); Có thể đau tại u cục hoặc sưng đau cơ; Áp xe dưới da do ấu trùng ký sinh gây bội nhiễm. Có thể gây tử vong khi ấu trùng chui lên và khu trú ở não.

Trong đường tiêu hóa ấu trùng thường ký sinh ở dạ dầy và gan. Có thể lạc đến xoang bụng tạo thành khối u.

Ở phổi gây ho, đau ngực, khó thở, ho ra máu, ho ra giun.

Hệ tiêu hóa: có dấu hiệu giống như viêm ruột thừa, viêm túi mật hoặc giả khối tổn thương ở ruột.

Hệ tiết niệu: tiểu ra máu.

Mắt: giảm thị lực, mù, đau mắt hoặc sợ ánh sáng.

Tai: giảm sức nghe hoặc ù tai

Gây bệnh tại hệ thần kinh trung ương gây viêm màng não cấp tính, sưng cơ vùng mang tai giống bệnh quai bị; ấu trùng cũng có thể chui vào mắt gây viêm mống mắt, tiền phòng...

Ăn tiết canh dê, một doanh nhân nguy kịch
Hôn mê sâu vì ăn tiết canh nhiễm khuẩn
Bệnh nhân 62 tuổi bị suy đa tạng vì nhiễm liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh
Thường xuyên ăn tiết canh, thịt sống, người đàn ông bị ổ sán khổng lồ trong não
Liệt nửa người vì 5 ổ sán trong não
Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động