Thứ sáu 19/04/2024 14:20

Người mẹ phi thường của chàng họa sĩ khiếm thính tài năng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chắc hẳn bất cứ ai đến thăm triển lãm tranh “Phố xưa hè cũ” của họa sĩ Trần Nam Long đều thấy rung cảm trước những bức tranh đầy sắc màu của của chàng trai khiếm thính. Nhưng khi được biết ẩn sau những thành công ngày hôm nay là câu chuyện về nghị lực phi thường và hành trình biến ước mơ hội họa của con trai thành sự thật của chị Phùng Thị Hiếu lại khiến màu của những bức tranh thêm sâu sắc, đó là màu tình yêu, sự hi sinh của một bà mẹ nhỏ bé đã cùng con trai mình vượt bao sóng gió.
Nhờ có mẹ cùng tình yêu và niềm đam mê hội họa đã khiến cuộc đời họa sỹ trẻ Trần Nam Long trở nên có ý nghĩa
Nhờ có mẹ cùng tình yêu và niềm đam mê hội họa đã khiến cuộc đời họa sĩ trẻ Trần Nam Long trở nên có ý nghĩa

Trắc trở trên con đường đến với hội họa

Chia sẻ về thời điểm khi phát hiện bệnh của con mình, chị Phùng Thị Hiếu nghẹn ngào: “Năm Long 2 tuổi, khi đưa con đi khám bác sĩ, tôi như đứt từng khúc ruột khi biết tin con bị câm điếc thể nặng. Tôi khóc nhiều lắm, không biết sau này cuộc sống của con sẽ thế nào”. Lớn hơn một chút, Long lại được phát hiện liệt cơ bẩm sinh hai chân và mắc chứng tự kỷ thể nặng.

Theo lời giải thích của bác sĩ, nghĩa là cơ trong không thể phát triển vì bị xoắn. Tính tới thời điểm này Long đã phải trải qua 3 lần phẫu thuật. Chị Hiếu kể rằng, Long là đứa trẻ có sức chịu đựng giỏi khiến người khác phải kinh ngạc. Phẫu thuật xong Long đau đến mức cơ thể run lẩy bẩy nhưng em vẫn cố cắn răng không kêu ca nửa lời để mẹ không phải lo lắng.

Năm 2016, một cô giáo của Long cũng khuyên gia đình nên cho Long đi học vẽ. Lúc này sức khỏe của Long ổn hơn nên chị Hiếu đã nghe theo lời cô. Nhưng con đường đến với hội họa của Long lại vô cùng trắc trở. Sau buổi học vẽ đầu tiên Long đã phải bỏ dở vì bố em không may bị tai nạn giao thông và qua đời.

Chị Hiếu kể: “Mọi thứ với mình lúc đó như đóng lại. Mình không biết sẽ phải làm gì để nuôi 2 đứa con nhỏ, trong khi đó Long lại là đứa trẻ khuyết tật. Hồi đó nhiều người đã khuyên mình nên đưa Long vào trung tâm bảo trợ xã hội để giảm bớt gánh nặng. Nhưng mình không nghĩ thế, với mình con cái chính là động lực. Thế nên dù có phải vất vả hơn thế gấp nhiều lần thì mình cũng sẽ cố gắng để nuôi các con thành người”.

Đến nay đã ròng rã 18 năm, từng chặng đường của Trần Nam Long đều có mẹ ở cạnh bên. Chồng mất, một mình chị Hiếu nuôi hai con, nhà đi thuê, công việc bấp bênh. Việc học văn hóa của Long cực kì khó khăn bởi khả năng đọc hiểu của em hạn chế. Lặn lội tìm lớp chữ kí hiệu học để giao tiếp, giải thích được với con, nhưng cuộc mưu sinh không cho phép chị Hiếu theo học lâu dài, đành theo kiểu vừa giao tiếp vừa học con, vừa đoán ý. Long cũng vừa quan sát cử chỉ từ tay mẹ, vừa nhìn khẩu hình.

Để có một số lượng tác phẩm nhiều như hiện nay, mẹ lại tiếp tục đồng hành cùng Long suốt những ngày sáng tác. Những chuyến lên miền núi phía Bắc, vào miền Trung hay tìm đến những góc phố rất nhỏ, rất riêng, rất đặc trưng của Hà Nội của chàng họa sĩ trẻ Trần Nam Long đều có mẹ ở bên.

Chị Hiếu cho biết, Nam Long rất ngoan, chịu đựng giỏi và có tài năng về hội họa. Vì không nghe thấy gì nên Long rất tập trung những khi vẽ, dù ngồi ở bất kì đâu, chàng họa sĩ này cũng vẫn say mê với bức tranh của mình. Để con trai có cơ hội tiếp xúc với mọi người và hội họa, chị Hiếu học ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với con, chị tìm thầy cho con học vẽ, đưa Long đến các buổi họp nhóm, các cuộc triển lãm, đồng thời cũng là dịp để chị tìm hiểu thêm về môn nghệ thuật mà con mình theo đuổi.

Tình yêu của mẹ tiếp lửa cho niềm đam mê hội họa

Nam Long thích nhất là vẽ tranh về kiến trúc. Những ngôi nhà luôn có sức hút mãnh liệt với chàng trai này. Những bức tranh của Long đã được in sách và triển lãm cùng nhóm “Ký họa đô thị Hà Nội” và đoạt giải “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” năm 2019. Không chỉ vậy, Long còn được Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam - Italy giới thiệu là đại diện của Việt Nam gửi 5 tác phẩm tham dự “Triển lãm quốc tế các tác phẩm do người khuyết tật sáng tác”.

Bức tranh về phố cổ Hà Nội của Long được bán đấu giá 100 triệu đồng, ủng hộ một quỹ từ thiện cho trẻ em. Không những vậy, một thành viên ban giám khảo nhận xét tư duy của cậu bé không giống một đứa trẻ mà là một người trưởng thành. Đồng thời, ông nhận dạy miễn phí để cậu bé được phát triển năng khiếu hội họa.

Được thầy giáo nổi tiếng dạy, Long lần đầu được dùng đến toan và cọ, cậu bé như sống trong thế giới của riêng mình khi có thể thỏa sức sáng tạo những sắc màu hàng tiếng đồng hồ mà không biết chán.

Dù hoàn cảnh của 3 mẹ con chị Hiếu còn rất nhiều khó khăn nhưng chị luôn dạy các con biết cách chia sẻ, yêu thương đối với những người xung quanh. Cuối tháng 3/2020, Long đã gửi bức tranh “Biệt thự 39 Tô Hiến Thành” đến cuộc đấu giá tranh ủng hộ Chính phủ chống dịch Covid-19. Bức tranh này được một người giấu tên mua với giá 25 triệu đồng. Một nửa số tiền đã được gửi vào tài khoản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một nửa được chị Hiếu dành cho chi phí phẫu thuật ghép xương cho Long.

Không chỉ tham gia một chương trình đấu giá tranh của nhóm Vietnam Art Space, chị Hiếu và cậu con trai còn gửi bức ký họa “Phố Châu Long” cho nhóm Usk Hà Nội để tiếp tục tham gia bán đấu giá ủng hộ Quỹ phòng chống Covid-19 của Chính phủ. Cậu bé sáng tác nhiều bức tranh để cổ vũ những chiến sĩ, những y bác sĩ, những nhân viên phục vụ đang trực tiếp tham gia phòng, chống dịch Covid-19.

Tháng 9/2021, 5 bức tranh của Long đã đại diện cho Việt Nam dự triển lãm mỹ thuật dành cho người khuyết tật tại Italy. Sau đó, cậu tiếp tục giành giải Nhất cuộc thi vẽ tranh dành về chủ đề “Quyền đi học của người khuyết tật” với 2 tác phẩm “Mình muốn được như anh ấy” và “Cùng bạn”.

Hiện Long đang là thành viên của nhóm chuyên vẽ ngoại cảnh phố cổ Hà Nội gồm những họa sĩ và kiến trúc sư nổi tiếng. Hiện tại, Long là học sinh lớp 8 khoa khiếm thính trường Cao đẳng sư phạm nghệ thuật Trung ương. Chị Hiếu vẫn hàng ngày đồng hành cùng con thực hiện niềm đam mê. “Chỉ cần có hướng dẫn Long sẽ tự nắm bắt rất nhanh. Những họa sĩ dạy đều công nhận con có khả năng về hình học, tưởng tượng về không gian rất giỏi” - chị Hiếu tự hào khoe.

Người mẹ nghèo không thể ngờ niềm đam mê với những đường nét, hình khối và màu sắc của con trai lại có ngày “đơm hoa kết trái”. Nhiều người mến mộ tài năng của Nam Long, quyết định mua những bức tranh của cậu chỉ trong “một nốt nhạc”, sau khi mẹ cậu chia sẻ trên trang Facebook cá nhân. Cũng nhờ vậy, cuộc sống của ba mẹ con cũng đỡ chật vật hơn phần nào.

“Phố xưa hè cũ” là triển lãm đầu tiên với 80 bức tranh về những con phố Hà Nội của họa sĩ trẻ Trần Nam Long. Để con có thêm động lực, chị Hiếu nói với con trai về việc tổ chức triển lãm cá nhân. Và trong hơn một năm kể từ ngày hình thành ý tưởng triển lãm ghi nhận nỗ lực phi thường từ Long. Chỉ trừ thời gian học văn hóa, thời gian còn lại em đều dành cho giá vẽ.

Gần 60 trong số 80 tác phẩm triển lãm gồm cả kí họa và tranh sơn dầu khổ lớn hoàn thành trong thời gian này cũng có thể khiến cho những họa sĩ lâu năm trong nghề bất ngờ bởi sức làm việc. Để rồi triển lãm đầu tiên của Long tổ chức tại khuôn viên nhà triển lãm 29 Hàng Bài diễn ra ấm áp, chỉn chu, hội tụ đông đảo giới văn nghệ sĩ, người yêu tranh và cả những người theo dõi hành trình đồng hành cùng hai mẹ con từ mạng xã hội.

Số phận thiếu may mắn, nhưng ông trời không nỡ lấy hết của ai tất cả, Long là một họa sĩ tài năng, và điều hạnh phúc hơn tất thảy là Long có mẹ ở bên đồng hành cùng em. Nhờ có mẹ cùng tình yêu và niềm đam mê hội họa đã khiến cuộc đời Long trở nên có ý nghĩa.

Chàng “đom đóm” đồng hành cùng người khiếm thị
Nữ sinh tài năng say mê Luật
Những bông hoa tài năng, nhiệt huyết của tuổi trẻ Thủ đô
Ấn tượng triển lãm tranh "Hành trình đi..." của 5 họa sĩ tài năng
Thái Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động